Cần đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá để tránh làm học sinh tổn thương

Theo chuyên gia tâm lý - giáo dục - PGS.TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong thời điểm hiện tại, kiểm tra trực tuyến là phương án phù hợp nhất với học sinh thủ đô, tuy nhiên cách thức kiểm tra quá nặng nề so với lứa tuổi sẽ khiến các con sợ hãi và bị tổn thương về mặt tâm lý.
Dịch tiếp tục căng thẳng, cô trò Hà Nội gian nan kiểm tra học kỳ trực tuyến

“Đừng nghĩ trẻ con là người lớn thu nhỏ”

Nhằm đảm bảo chương trình giáo dục năm học 2020 - 2021 kết thúc theo đúng kế hoạch, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gấp rút triển khai ôn tập và kiểm tra học kỳ 2 theo hình thức trực tuyến. Mặc dù đã có 2 năm kinh nghiệm học trực tuyến, nhưng với nhiều học sinh, đây là lần đầu tiên các em được làm bài kiểm tra bằng hình thức này.

Theo đó, để đảm bảo học sinh làm bài nghiêm túc, không có sự can thiệp của cha mẹ, các trường đã xây dựng hệ thống quy tắc nghiêm ngặt. Nhiều trẻ phải trải qua bài kiểm tra đặc biệt với sự giám sát của máy móc và những quy định chi tiết hơn bài thi trên lớp.

Theo chia sẻ của nhiều phụ huynh có con học lớp 1, học sinh sau khi trải qua bài kiểm tra online đầu tiên đã bật khóc vì sợ hãi. Thậm chí, các con khóc rất nhiều vì lo sợ phạm quy do lỡ "quay người vì mỏi". Điều này khiến nhiều bậc cha mẹ hoang mang và lo sợ con sẽ bị ảnh hưởng tâm lý.

Nhiều trường học tại Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị cho học sinh ôn tập, làm bài kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Hải Nguyễn
Nhiều trường học tại Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị cho học sinh ôn tập, làm bài kiểm tra học kỳ theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Hải Nguyễn

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý - giáo dục - PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, dạy học phải đi đôi với quá trình kiểm tra đánh giá. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ "trẻ con là người lớn thu nhỏ” để áp dụng quy trình kiểm tra máy móc.

"Trong một năm vừa qua, học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch bệnh, đặc biệt là học sinh lớp 1. Vì vậy, việc kiểm tra theo khuôn mẫu sẽ gặp nhiều bất cập. Tôi đồng ý dạy học phải có kiểm tra đánh giá đi kèm, tuy nhiên, cần có hình thức kiểm tra phù hợp với đặc điểm tâm lý của từng nhóm tuổi cụ thể. Đặc biệt, trẻ con không phải người lớn thu nhỏ, chúng ta không nên gây ra các nguy cơ gây hại với học sinh" - PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Vô tình khiến con trẻ bị tổn thương

Theo chuyên gia tâm lý - giáo dục - PGS.TS Trần Thành Nam, học sinh lớp 1 vốn là những “trang giấy trắng”, rất ngây thơ.

Vì vậy, việc đặt ra những quy tắc ngặt nghèo trong kiểm tra đánh giá sẽ khiến con trẻ bị tổn thương tâm lý.

"Quy trình quá ngặt nghèo sẽ khiến các con cảm thấy bản thân mình là gian lận, nên thầy cô phải giám sát từng giây, từng phút. Từ đó, việc kiểm tra trở thành nỗi sợ hãi trong học sinh, các con không hứng thú với việc học, thậm chí chán ghét và sợ học. Hơn nữa, việc học sinh gian lận chỉ là sự giả định. Nhưng học sinh lớp 1 vốn trung thực, chưa biết lừa lọc và rất ngây thơ" - PGS. TS Trần Thành Nam cho biết.

Cùng với đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, những người công tác trong lĩnh vực giáo dục cần xây dựng nguyên tắc “thiện tâm và không gây hại” trong giáo dục trẻ, phải đặt quyền lợi của trẻ lên hàng đầu và cần có sự thấu cảm với người học. Đặc biệt, không để học sinh cảm thấy việc học đáng sợ, vì càng sợ hãi, sự hứng thú với việc học sẽ càng giảm sút.

Kiểm tra, đánh giá cũng là nghệ thuật

Để ngăn ngừa những tổn thương cho học sinh trong giai đoạn nhạy cảm này, chuyên gia tâm lý - giáo dục - PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, ngành giáo dục nên linh động các hình thức kiểm tra, đánh giá, để chính học sinh, giáo viên và phụ huynh cảm thấy nhẹ nhàng.

"Trong những năm khó khăn do dịch bệnh COVID-19, đối với cấp 1, đặc biệt là các lớp 1, lớp 2, chúng ta nên có hình thức mới trong kiểm tra, đánh giá. Thầy cô không nên đặt nặng vấn đề điểm số mà phải đi đúng tinh thần “phát triển năng lực học sinh”, định hướng cho học sinh kế hoạch học tập và phát triển bản thân.

Đặc biệt, phải làm thế nào để thầy cô giáo là những người đồng hành, bài kiểm tra không còn mang hình dáng thi cử áp lực và phụ huynh là những người có trách nhiệm trong việc kiểm tra, đánh giá con em mình" - PGS Trần Thành Nam chia sẻ.

PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng,
PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá phải đi đúng tinh thần “phát triển năng lực học sinh”. Ảnh: NVCC

Theo chuyên gia tâm lý - giáo dục, việc kiểm tra, đánh giá cũng là một nghệ thuật. Nghệ thuật này khiến thầy cô tổ chức thi thật, không phải đối phó, khiến học sinh cảm thấy vui vẻ, thoải mái và thể hiện được kết quả trong quá trình học tập.

"Thời gian nhạy cảm này cũng chính là cơ hội để chúng ta nhìn lại, nghiền ngẫm và đưa ra những quy định mới, quyết sách mới, phù hợp với việc kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh ở mọi hoàn cảnh và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh" - PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động