Tinh thần làm việc xuyên lễ của người trẻ
Kỳ nghỉ "không laptop" của người trẻ Điểm check-in rợp cờ hoa thu hút người trẻ dịp Quốc Khánh 2/9 Những chuyến du lịch tốn kém của người trẻ |
Vì công việc nên phải cố gắng
Vào những dịp nghỉ lễ dài, câu hỏi các bạn trẻ nhận được nhiều nhất là: “Lễ này con/ bạn/em… có về nhà không?”. Và ngày càng có nhiều người trả lời là “Không”. Không về nhà cũng chẳng du lịch cùng bạn bè, họ chọn đi làm xuyên lễ.
Trần Thị Khánh Linh (23 tuổi, phát thanh viên tại Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hoá) là một điển hình như thế. Vì tính chất công việc, kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, cô quyết định lùi kế hoạch đi chơi cùng gia đình, dành trọn 4 ngày cho công việc.
Khánh Linh cho biết, mỗi ca làm của cô bạn thường diễn ra theo khung giờ được phân công, với vai trò là phát thanh viên truyền hình, Khánh Linh cùng các đồng nghiệp của mình vẫn lao động hăng say xuyên kỳ nghỉ lễ. Dù vẫn có phần tủi thân khi ngày lễ không ở cạnh gia đình, dẫu vậy, cô bạn tâm sự, đây là công việc yêu thích của nữ phát thanh viên nên được làm việc chính là niềm vui lớn nhất, không nề hà ngày nghỉ.
Phát thanh viên Trần Thị Khánh Linh kiểm tra kịch bản trước giờ lên sóng |
“Trong những ngày nghỉ lễ, bản tin của đài luôn được tăng thời lượng để phục vụ nhu cầu khán giả. Không chỉ cập nhật tin tức thông thường, tôi và ê-kíp còn thực hiện những bản tin tư vấn, chia sẻ về tình hình thời tiết cụ thể tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh trong kỳ nghỉ”, Linh nói.
Thêm đó, Khánh Linh đã quen khi làm việc tất bật dù là trong kỳ nghỉ. Gia đình của cô cũng thông cảm và tạo điều kiện để cô yên tâm hoàn thành công việc.
"Tôi thấy mình may mắn vì điều đó. Tôi nghĩ tình yêu thương và sự chăm sóc là việc ta thực hiện không nghỉ mỗi ngày chứ không riêng một dịp đặc biệt nào. Số tiền kiếm được trong kỳ nghỉ lễ cũng sẽ hỗ trợ tôi phần nào trong việc đăng ký các khóa học ngắn hạn mà bản thân đã ấp ủ trong thời gian dài”, Khánh Linh tiết lộ thêm.
"Chạy deadline"... để chữa lành
Xách vali rời nhà vào sáng sớm ngày mùng 2/9, Bùi Thị Hạnh (23 tuổi, làm việc tại Vietnam Airlines), có chuyến bay từ Hà Nội đi Nhật Bản.
Bay trong ngày lễ Quốc khánh, Hạnh không buồn, ngược lại, cô nàng tự hào: “Đối với ngành dịch vụ đặc biệt như hàng không, trong khi cả nước được nghỉ, được vui chơi, chúng tôi vẫn miệt mài với công việc. Đó là lựa chọn của chúng tôi. Gia đình tôi cũng luôn khuyến khích tôi đi làm trong dịp lễ vì họ biết tôi và các đồng nghiệp đang mang lại niềm hạnh phúc cho hành khách”.
Đặc biệt, đối với tiếp viên trẻ như Bùi Thị Hạnh, việc “chạy deadline” cả trong dịp nghỉ lễ là để có thể trau dồi thêm kinh nghiệm từ anh chị đồng nghiệp và giúp cô nàng có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ khác nhau.
“Tôi mới vào nghề được một năm, luôn cần học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng nghiệp nên việc được tham gia cao điểm phục vụ trong dịp lễ Quốc khánh là điều quan trọng.
Nghề của tôi là nghề đặc thù, phải hy sinh và giờ giấc đi sớm về đêm. May mắn là tôi có gia đình chia sẻ rất nhiều trong công việc nhà. Ngày lễ dù xa gia đình nhưng được phục vụ hành khách cũng là sứ mệnh, niềm tự hào, có trách nhiệm nghĩa vụ với cộng đồng”, nữ tiếp viên Bùi Hạnh chia sẻ.
Tiếp viên hàng không Bùi Thị Hạnh chụp ảnh lưu niệm sau khi chuyến bay kết thúc, hành khách an toàn. |
Trái với tâm lý mệt mỏi, gò bó khi phải làm việc trong ngày lễ, Hạnh lại cảm thấy vui khi đã góp sức nhỏ bé mang đến cho hành khách những chuyến bay đoàn viên, những tiếng cười túi tít khi cả gia đình cùng đi du lịch ngày lễ…
Những khoảnh khắc hạnh phúc nhất là khi máy bay hạ cánh, hành khách ra cửa cười và nói: “Hẹn gặp lại, bạn đã vất vả rồi”. Cái chào tạm biệt đó khiến tiếp viên trẻ hiểu rằng mình đã hoàn thành tốt công việc và rất vui khi được khách công nhận giá trị lao động phục vụ.
“Khi hoàn thành xong nhiệm vụ, đầu óc tôi tự sẽ thư thái hơn mà không cần phải đi chữa lành hay đi chơi”, cô bạn chia sẻ.
Nỗi niềm của tiếp viên hàng không hay những người làm báo chí, phát thanh, truyền hình là vậy. Ai cũng hiểu đã chọn nghề thì phải chấp nhận những kỳ nghỉ lễ không trọn vẹn. Không kêu than, họ đã tự an ủi, động viên, khuyến khích để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tất cả vì niềm tự hào nghề nghiệp mà mình đã chọn, đóng góp một phần nhỏ cho mọi người, tô sắc cho kỳ nghỉ lễ thêm tươi đẹp.
Không có khái niệm nghỉ lễHoàng Xuân Ngọc (2001, quê Thái Nguyên, hướng dẫn viên du lịch) vẫn làm toàn thời gian trong những dịp này, thậm chí ngày nghỉ là điều xa vời.
Xuân Ngọc chia sẻ: "Tôi đã không có khái niệm ngày nghỉ lễ từ những ngày đầu ra trường. Vào dịp lễ, số lượng tour tôi phụ trách dày đặc hơn cả ngày thường, nhưng điều này không khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, thậm chí là còn hứng khởi hơn ngày thường. Đơn giản vì mình quá yêu du lịch, càng được xê dịch nhiều càng thỏa mãn cái đam mê đó. Nếu bắt mình nghỉ vào những ngày lễ, chắc mình phát điên mất". |