Tín hiệu khởi sắc về chuyển đổi số trong cơ quan báo chí
Thành công từ đa dạng hệ sinh thái tuyên truyền
Có thể thấy, gần đây, không ít các cơ quan báo chí tại Việt Nam đã kịp thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi số và đã có những bước đi đúng đắn, tạo nền tảng vững chắc để sẵn sàng bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư. Người đứng đầu những tòa soạn này hiểu rằng, báo chí là kênh truyền thông chính sách. Điều này sẽ trở nên hiệu quả hơn nếu biết tận dụng nền tảng công nghệ để làm nhiệm vụ. Câu chuyện của Báo điện tử Chính phủ (baochinhphu.vn) và Cổng thông tin điện tử Chính phủ là ví dụ điển hình của cơ quan báo chí bắt kịp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đa nền tảng để đáp ứng tốt mục tiêu tuyên truyền.
Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu tại “Diễn đàn Tổng Biên tập - Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ cơ quan báo chí” |
Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo Chính phủ chia sẻ, thời gian qua, công tác truyền thông chính sách được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện đồng bộ trong toàn hệ sinh thái cả trên nền tảng web và nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, YouTube).
Theo ông Sâm, chuyên trang “Xây dựng chính sách pháp luật” với tên miền xaydungchinhsach.chinhphu.vn đã được thiết kế trên công nghệ web hiện đại, thân thiện, hướng tới độc giả từ 18 - 45 tuổi. Chuyện trang được tối ưu tích hợp với máy tính để bàn, điện thoại thông minh, máy tính bảng cũng như tương thích với các nền tảng mạng xã hội, các trang thông tin tìm kiếm hàng đầu thế giới.
Ra đời vào ngày 20/6/2022, đến nay, chuyên trang đã đăng hơn 6.000 tác phẩm, thể hiện dưới các hình thức: Text, ảnh, clip, infographic, megastory. Gần đây, thống kê lượng truy cập trong 30 ngày, chuyên trang duy trì khoảng trên 10 triệu visit, 11 triệu view/30 ngày.
Tổng Biên tập Báo Chính phủ thông tin thêm: “Sau hơn một năm xây dựng “Group Xây dựng chính sách” trên Facebook “Thông tin Chính phủ” đã thu hút lượng quan tâm lớn của độc giả. Thông tin thăm dò ý kiến Nhân dân trên Facebook luôn đạt số lượng lớn. Có nội dung thăm dò đạt 571.200 lượt bình chọn, bày tỏ ý kiến, trở thành một trụ cột quan trọng của hệ sinh thái chinhphu.vn; baochinhphu.vn; chuyên trang Xaydungchinhsach.chinhphu.vn để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền”.
Tận dụng những “cánh tay nối dài”
Là cơ quan báo chí đi đầu trong chuyển đổi số, báo Nhân Dân là một điển hình về sự chủ động, sáng tạo, áp dụng công nghệ trong hoạt động báo chí.
Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), báo Nhân Dân đã tổ chức đợt thông tin đặc biệt về sự kiện với sự chuẩn bị công phu, bài bản, kỹ lưỡng trong gần nửa năm, mở đầu bằng việc ra mắt chuyên trang điện tử Chiến thắng Điện Biên Phủ (tại địa chỉ dienbienphu.nhandan.vn).
Điểm nhấn trong đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ là số báo Nhân Dân ngày 7/5/2024 được tăng thêm 8 trang thông tin đặc biệt, gồm 4 trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch dưới dạng nhật ký bằng tiếng Việt và tiếng Anh và 4 trang in bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Đặc biệt, bạn đọc có thể cắt các trang báo Nhân Dân này ghép thành bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” dài tới 3,21m (kỷ lục đối với sản phẩm báo in). Những người yêu thích công nghệ có thể trải nghiệm tương tác bằng cách dùng điện thoại quét mã QR trên tranh hoặc tải ứng dụng xem hình ảnh chuyển động bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR).
Đông đảo độc giả đều tỏ ra thích thú với trải nghiệm mới này. Ông Nguyễn Xuân Đãng (ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) đánh giá: “Trước đây, cứ nhắc tới báo Nhân Dân là nhớ đến một tờ báo in, khổ rộng, dày đặc chữ. Bây giờ thì khác, báo có nhiều thay đổi tích cực khiến độc giả thích thú hơn bởi hình ảnh đẹp, cách thức thể hiện đa dạng. Chúng tôi là thế hệ người cao tuổi mà vẫn dễ dàng trải nghiệm cách đọc báo mới mẻ này bằng điện thoại thông minh. Đây là một sự thay đổi vượt bậc của báo chí cách mạng Việt Nam”.
Độc giả trải nghiệm tương tác bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” trên nền tảng số của báo Nhân Dân |
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chia sẻ: “Chúng tôi nhận thức đây là nỗ lực đổi mới sáng tạo nhưng cũng là trách nhiệm của tờ báo Đảng trong công tác tuyên truyền về những sự kiện quan trọng của đất nước”.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ trưởng, Trưởng ban Nhân dân điện tử chia sẻ, bên cạnh các chuyên trang riêng, báo Nhân Dân điện tử còn triển khai truyền thông chính sách và các sự kiện qua “cánh tay nối dài” là mạng xã hội như Facebook, Tiktok, YouTube, Zalo, Lotus… “Đây là kênh truyền thông hiệu quả, giúp người dân tiếp cận được với thông tin chính thống một cách nhanh nhất mà không cần phải vào đọc báo, theo đúng mục tiêu tòa soạn đặt ra là: “Ở đâu có Nhân dân, ở đó có báo Nhân Dân”. Đặc biệt, trang fanpage của báo Nhân Dân điện tử có hơn 250.000 người theo dõi, với lượng tiếp cận lên tới hàng triệu lượt/ngày chính là kênh thông tin hiệu quả tới bạn đọc”.
Chuẩn bị nhân lực cho “trận chiến” không gian mạng
Ngày 6/4/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhà báo; hỗ trợ phát triển nền tảng số quốc gia cho báo chí. Bởi để có thể chuyển đổi số thành công, nguồn nhân lực đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Điều này cũng từng được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh: “Công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số, đó là điều kiện cần cho sự phát triển báo chí”. Bộ trưởng cũng cho rằng: “Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Nhờ đó, nguồn thu chính của báo chí cũng sẽ đến từ không gian mạng”.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cũng từng nói: “Sự đổi mới tuyệt vời nhất sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có đủ kỹ năng để sử dụng nó, và kể cả những bộ óc xuất chúng nhất của con người sẽ dần trở nên vô dụng nếu không bắt tay với công nghệ”.
Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, một trong những nhiệm vụ mà đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu là cần tập trung xây dựng một khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng báo chí phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ báo chí trong tình hình mới; cần đào tạo được đội ngũ cán bộ báo chí có tư duy nhạy bén, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn sâu, khả năng thích ứng, nắm bắt và làm chủ công nghệ; có phẩm chất đạo đức trong sáng, biết trọng danh dự, tâm huyết, công tâm, khách quan trong thực thi nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của Nhân dân lên trước hết và trên hết.
Tin rằng, với những chiến lược, bước đi bài bản cùng sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của các cơ quan báo chí, công cuộc chuyển đổi số của báo chí Việt Nam sẽ thành công, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.