Hạ tầng số - "bệ phóng" để Hà Nội bứt phá
Chuyển đổi số vào quá trình sản xuất, kinh doanh |
Thủ đô số hoá
Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số. Thực tế, Hà Nội đã rốt ráo bắt tay triển khai các công việc chuẩn bị cho chuyển đổi số toàn diện từ năm 2021.
Đến cuối năm 2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 - đây được coi là "cây gậy chỉ đường" cho toàn bộ hoạt động chuyển đổi số của Thủ đô.
Hà Nội đặt mục tiêu phát triển chính quyền số |
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác chuyển đổi số của Thủ đô diễn ra rộng khắp các ban ngành, địa phương.
Kết quả là, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo để trong thời gian ngắn, các hệ thống lớn, dùng chung toàn thành phố đã hoàn thành, ví dụ như hệ thống thông tin báo cáo; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Cùng với đó, Hà Nội cũng đã có các quy định, quy chế kèm theo để đảm bảo vận hành, khai thác các hệ thống thông tin, như quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước, quy chế hoạt động hệ thống thư điện tử thành phố
Đáng chú ý, Hà Nội là một trong các tỉnh, thành phố đầu tiên bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Về hạ tầng số, Trung tâm Dữ liệu chính của thành phố Hà Nội đang được tập trung triển khai để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV năm nay.
Cùng với đó là tiếp tục duy trì, bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt mạng diện rộng WAN của thành phố, Hệ thống giao ban trực tuyến thành phố (đã được triển khai tới ba cấp chính quyền).
Một trong 26 chỉ tiêu phát triển chính quyền số của Hà Nội năm 2024 là đưa tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7 cho người dân, doanh nghiệp lên 80% |
Hà Nội cũng đang phối hợp các doanh nghiệp tập trung triển khai chữ ký số miễn phí cho người dân tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã. Đến nay, trên toàn địa bàn đã cấp khoảng 10 nghìn chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2023, thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Danh mục dữ liệu mở là những dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai chia sẻ trong nội bộ cơ quan Nhà nước và với công dân, tổ chức trong thời gian tới.
Đồng thời, thành phố đã chỉ đạo triển khai Cổng dữ liệu thành phố và hệ thống nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP). Đây là hai hệ thống cơ bản làm nền tảng để các đơn vị tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong cơ quan Nhà nước.
Các cơ sở dữ liệu của các ngành được giao các ngành triển khai đã và đang dần hình thành, trong đó tập trung một số cơ sở dữ liệu quan trọng như cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, đất đai, cán bộ công chức…
Bên cạnh đó, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nội đạt khoảng 20%; năng suất lao động tăng từ 7-7,5%; trên 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; tỷ lệ dân số trưởng thành có smartphone, tài khoản định danh điện tử, chữ ký số cá nhân lần lượt là 80%, 50% và 10%; trên 20% dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử; 40% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử...
Chuyển đổi số để chuyển mình
Năm 2024, chủ đề chung của hoạt động chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, trong đó trọng tâm là ‘Quản trị dựa trên dữ liệu số".
Ngay trong tháng 2/2024, UBND thành phố đã lên kế hoạch chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh trong năm nay. Theo đó, các mục tiêu thành phố hướng tới đạt được trong năm nay là hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng lưu trữ dùng chung của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải tham quan tuyến phố "thanh toán không dùng tiền mặt" tại phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm |
Thành phố cũng sẽ hoàn thành việc triển khai hạ tầng số trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố theo lộ trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời cải thiện chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh của Hà Nội.
Hàng loạt chỉ tiêu cụ thể về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024 cũng đã được UBND thành phố đề ra như: 50% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền; 100% cơ quan Nhà nước tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.Để hiện thực hóa các mục tiêu, hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra, UBND thành phố Hà Nội đã xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sẽ được tập trung triển khai, bao gồm 14 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương mô hình chuyển đổi số TP Hà Nội và "Phường chuyển đổi số" tại quận Long Biên. |
Sở TT&TT Hà Nội được UBND thành phố giao làm đầu mối tổ chức, điều phối các hoạt động ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; đồng thời chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá xếp hạng chuyển đổi số các cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẳng định: "Chuyển đổi số là một quá trình thường xuyên, liên tục. Với quy mô của một thành phố 10 triệu dân như Hà Nội thì đây là khối lượng công việc không nhỏ. Nhưng với quyết tâm cao, thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ có những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi số trong thời gian tới, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô”.