Thư viện tư nhân góp phần phát triển phong trào khuyến đọc của Thủ đô

Nhiều năm qua, những thư viện tư nhân tại Hà Nội đã đóng góp không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc, giúp cho người dân Thủ đô học tập suốt đời.
Thống nhất phương án mua sách giáo khoa trang bị cho các thư viện trường học để học sinh mượn Người phụ nữ nguyện dành trọn đời cho sự phát triển văn hóa đọc Câu lạc bộ thiện nguyện "Ấm Tình Yêu Thương" tài trợ 10 thư viện cho các trường miền núi

Nơi thắp sáng tri thức cho trẻ em nông thôn

Gần 10 năm nay, thư viện Dương Liễu (Hoài Đức) trở thành điểm hẹn tri thức - văn hóa của nhiều thế hệ trẻ nhỏ trong xã. Thư viện do anh Phùng Bá Hưng thành lập từ năm 2013, xuất phát từ sự ham đọc sách và thấu hiểu những thiệt thòi mà trẻ con vùng nông thôn phải chịu.

Nhiều bạn nhỏ, sau những giờ học bài căng thẳng ở lớp đã tìm đến thư viện để giải trí với những cuốn truyện tranh đầy thú vị mà gia đình không có tiền mua. Các bậc phụ huynh thấy con biết làm bạn với sách, biết cách nâng đỡ nhau trong học tập và tiến bộ lên mỗi ngày thì rất ủng hộ.

Em Nguyễn Quốc Việt, một học sinh lớp 6 thường đến thư viện tỏ ra rất hào hứng: “Mỗi khi tới đây, em được bổ sung những kiến thức khoa học về vũ trụ, động vật, thế giới. Ở đây, em cũng được tham gia nhiều trò chơi bổ ích cùng các bạn nữa”.

Chị Nguyễn Thị Ngân, một phụ huynh có con thường tới thư viện đánh giá, thư viện từ khi ra đời đến nay đã đáp ứng tốt những mong muốn của nhiều bậc phụ huynh về nhu cầu được đọc sách, được tìm hiểu thêm kiến thức và giải trí cho các cháu. “Tôi rất vui vì từ khi có thư viện này, cháu nhà tôi trở nên ham đọc sách hơn. Cháu còn mượn sách về nhà đọc những lúc rảnh rỗi”, chị nói.

Thư viện tư nhân góp phần phát triển phong trào khuyến đọc của Thủ đô
Trẻ em đến vui chơi và đọc sách tại Thư viện Dương Liễu

Anh Hưng cho biết, thư viện mở cửa tự do, không giới hạn mọi người đến từ đâu, thậm chí có bạn nhỏ ở xa cũng đến đây mượn sách cũng được tạo điều kiện, miễn sao tuân thủ thời gian trả sách theo quy định. Tính đến nay, thư viện Dương Liễu có khoảng gần 10 nghìn đầu sách, thu hút khoảng 3000 độc giả lui tới.

Không chỉ là một không gian đọc sách, Thư viện Dương Liễu còn tổ chức nhiều hoạt động thú vị cho các trẻ nhỏ, bồi đắp những ước mơ và kỹ năng sống cho các em. Năm nào thư viện cũng tổ chức cuộc thi cờ vua cho các em nhỏ, tổ chức gói bánh chưng ngày tết tặng các cụ già, tặng bánh trung thu cho những hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Thư viện còn kết hợp với các tổ chức khác để có dịp giao lưu, học hỏi Tiếng Anh với người nước ngoài...

Những hoạt động này đã góp phần kích thích tính sáng tạo và ham học hỏi, khả năng giao tiếp của trẻ, đồng thời tạo thói quen làm bạn với sách cho trẻ, giúp các em tránh xa những trò chơi điện tử, mạng xã hội độc hại.

Thư viện tư nhân góp phần phát triển phong trào khuyến đọc của Thủ đô
Độc giả dễ dàng tìm được những cuốn sách về Hà Nội ở Thư viện Dương Liễu

TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận xét: "Tôi thấy đây là một mô hình tổ chức hết sức thân thiện cho trẻ em. Lượng sách của thư viện có hết sức phong phú. Ít thư viện tư nhân ở thôn quê mà có được như thế. Tuy lượng sách chưa thực sự nhiều song đã đáp ứng được yêu cầu của trẻ con cũng như người dân ở đây”.

Thư viện tư nhân góp phần phát triển phong trào khuyến đọc của Thủ đô
TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng sách cho Thư viện Dương Liễu

Góp phần lan tỏa văn hóa đọc

Những ngày này, người cao tuổi tại Ngọc Thụy (Long Biên – Hà Nội) đã tìm thấy một địa chỉ đọc sách lý thú, đó là Thư viện tư nhân Hương - Hằng tại địa chỉ 43 Trung Hà (Ngọc Thụy, Long Biên). Bà Nguyễn Hoàng Hương (63 tuổi) sinh sống tại khu vực Thượng Thanh cho hay: “Mấy tháng nay, tôi hình thành thói quen là cứ cuối tuần lại đến đây đọc sách. Ở đây, chúng tôi được gặp các bạn cao niên yêu sách, lại tìm được những cuốn sách hay về ẩm thực, sức khỏe nên cảm thấy “trẻ ra” vì não bộ được cập nhật kiến thức mới”.

Tuy mới khai trương được vài tháng, nhưng thư viện thu hút khá đông các tầng lớp độc giả khác nhau, từ trẻ em tới người già. Anh Nguyễn Phú Minh Hoàng, đại diện gia đình chia sẻ: “Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng tủ sách, nơi đọc sách cho Nhân dân. Vì thế, chúng tôi mở thư viện này với mong muốn có một không gian đọc sách dành cho cộng đồng, đóng góp cho sự phát triển của phong trào đọc sách ở địa phương”.

Thư viện tư nhân góp phần phát triển phong trào khuyến đọc của Thủ đô
Những cuốn sách trên kệ của Thư viện tư nhân Hương - Hằng

Đến thời điểm này, thư viện Hương - Hằng đã quyên góp được hơn 1.500 tên sách, với hơn 2.000 bản sách, thuộc các lĩnh vực: Khoa học xã hội, khoa học đời sống, khoa học tự nhiên, văn học - nghệ thuật, lịch sử, sách tham khảo về các chương trình học tập, sách thiếu nhi...

Các tên sách được sắp xếp khoa học, thuận tiện cho bạn đọc tự chọn. Hằng tháng, gia đình chủ thư viện dành một khoản kinh phí để bổ sung sách, báo mới. Bên cạnh đó, gia đình mong tiếp nhận sự ủng hộ sách cho thư viện.

Đánh giá hoạt động của các thư viện tư nhân tại Hà Nội phục vụ cộng đồng, TS Vũ Dương Thúy Ngà khẳng định, đây thực sự trở thành một thiết chế văn hóa quen thuộc với người dân tại các quận, huyện. Một số thư viện tư nhân và thư viện cơ sở không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo, mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là trẻ em nhỏ kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ…

“Phải thấy rằng, nhiều thư viện tư nhân đã trở thành “cánh tay nối dài" của chính quyền địa phương, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân. Những người chủ thư viện này đã và đang góp phần không nhỏ vào việc lan tỏa văn hóa đọc, hình thành và duy trì nếp sống thanh lịch của người dân Hà thành”, TS Vũ Dương Thúy Ngà nói.

Bảo Phương
Phiên bản di động