Thủ tướng yêu cầu sớm báo cáo lộ trình cải cách tiền lương, đề xuất tăng lương tối thiểu
Tăng lương tối thiểu: Thế khó của cả doanh nghiệp và người lao động Chưa thống nhất tăng lương tối thiểu năm 2024 |
Đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương.
Đồng thời, Bộ Nội vụ sớm tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 27 Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Trước đó, từ ngày 1/7/2022, lương tối thiểu tháng tăng thêm 6%, tương ứng 180.000 - 260.000 đồng so với trước đó. Cụ thể, lương tối thiểu vùng I là 4,68 triệu đồng; vùng II 4,16 triệu đồng, vùng III 3,64 triệu đồng và vùng IV là 3,25 triệu đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương báo cáo lộ trình cải cách tiền lương; đề xuất tăng lương tối thiểu cho công nhân lao động. |
Hồi giữa tháng 8 vừa qua, phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn tăng lương tối thiểu 2024 đã kết thúc mà không có kết quả.
về phía đại diện người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình, mức lương tối thiểu vùng năm 2024 phải tăng thêm 11,34% so với hiện hành.
Tuy nhiên, cơ quan này cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nên thời điểm tăng có thể cân nhắc cho phù hợp nhằm giảm tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.
Để có căn cứ đưa ra phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, trước phiên họp, tổ chức công đoàn cũng đã khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện tiền lương bình quân của người lao động khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn lương tối thiểu vùng hiện hành từ 37 - 51% tùy theo từng vùng. Tuy nhiên vẫn còn 3,5% người lao động nhận được mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Thu nhập trung bình của người lao động được khảo sát đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng. Trong đó tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hằng tháng, phần còn lại đến từ tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp.
Trong số gần 3.000 người được khảo sát, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, còn lại (hơn 75%) cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu sống.
Chỉ có hơn 8% người lao động có dư, tích lũy từ tiền lương và thu nhập; hơn 11% không thể đủ sống nên phải làm thêm việc ngoài doanh nghiệp để bù đắp thu nhập.
Đặc biệt, có hơn 17% người lao động phải thường xuyên vay nợ, dẫn đến 3% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và gần một nửa số người lao động vay nợ rơi vào tình trạng lo lắng bất an.
Tiền lương cũng là nguyên nhân chính khiến hơn 17% người lao động không thể trực tiếp nuôi và chăm sóc con cái dưới 18 tuổi (phải gửi người thân chăm sóc ở quê nhà); chỉ có gần 38% người lao động có tiền lương đủ để đảm bảo 100% nhu cầu sống và học tập của con.
Từ thực tế khảo sát trên, đại diện phía người lao động đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 5 - 6% so với hiện hành. Mức lương tối thiểu vùng tăng thêm này chủ yếu để bù trượt giá nhằm duy trì tiền lương thực tế cho người lao động, vừa chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đang đối mặt.
Về phía đại diện doanh nghiệp, mặc dù nhất trí với việc cần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng như mong muốn của tổ chức đại diện người lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng chưa nên điều chỉnh ngay lúc này.
Đại diện VCCI khẳng định, doanh nghiệp luôn quan tâm và coi người lao động là tài sản vô giá nên luôn mong muốn tìm thật nhiều việc làm cho họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cũng rất khó khăn, thậm chí nhiều đơn vị đang phải gồng mình để duy trì việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, các chính sách chịu tác động rất nhiều đến điều chỉnh lương tối thiểu, bởi lương tối thiểu liên quan đến cân đối, tính toán Quỹ công đoàn, Quỹ bảo hiểm xã hội..., trong khi chính các doanh nghiệp còn đề xuất giảm đóng vào quỹ này.
Theo ông Phòng, Hội đồng Tiền lương quốc gia chưa nên quyết định ngay việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Việc xem xét tăng lương cần có độ trễ và nên được quyết định căn cứ vào các thông số kinh tế, sản xuất thời gian tới đây.
Kết thúc phiên họp thứ nhất, các bên thống nhất sẽ tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 nhưng lùi đến tháng 11/2023 mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng.