Tăng lương tối thiểu: Thế khó của cả doanh nghiệp và người lao động

Doanh nghiệp muốn trì hoãn thời điểm tăng lương tối thiểu vì sản xuất khó khăn, sụt giảm đơn hàng. Nhưng người lao động cũng không sung sướng hơn vì tiền lương chưa đủ trang trải cuộc sống.
Chưa thống nhất tăng lương tối thiểu năm 2024

Chưa thống nhất mức và thời điểm tăng lương tối thiểu

Ngày 9/8 vừa qua, phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn tăng lương tối thiểu 2024 đã kết thúc mà không có kết quả.

Về phía đại diện người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết, để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình, mức lương tối thiểu vùng năm 2024 phải tăng thêm 11,34% so với hiện hành.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nên thời điểm tăng có thể cân nhắc cho phù hợp nhằm giảm tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.

Để có căn cứ đưa ra phương án đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, trước phiên họp, tổ chức công đoàn cũng đã khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023.

Trong số gần 3.000 người được khảo sát, chỉ có 24,5% người lao động cho biết tiền lương và thu nhập vừa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, còn lại (hơn 75%) cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu sống.

Tăng lương tối thiểu: Thế khó của cả doanh nghiệp và người lao động
Cả người lao động và doanh nghiệp đều đang rất khó khăn.

Đặc biệt, có hơn 17% người lao động phải thường xuyên vay nợ, dẫn đến 3% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và gần một nửa số người lao động vay nợ rơi vào tình trạng lo lắng bất an.

Từ thực tế khảo sát trên, đại diện phía người lao động đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ 5 - 6% so với hiện hành. Mức lương tối thiểu vùng tăng thêm này chủ yếu để bù trượt giá nhằm duy trì tiền lương thực tế cho người lao động, vừa chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đang đối mặt.

Về phía đại diện doanh nghiệp, mặc dù nhất trí với việc cần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng như mong muốn của tổ chức đại diện người lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng chưa nên điều chỉnh ngay lúc này.

Đại diện VCCI khẳng định, doanh nghiệp luôn quan tâm và coi người lao động là tài sản vô giá nên luôn mong muốn tìm thật nhiều việc làm cho họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cũng rất khó khăn, thậm chí nhiều đơn vị đang phải gồng mình để duy trì việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, các chính sách chịu tác động rất nhiều đến điều chỉnh lương tối thiểu, bởi lương tối thiểu liên quan đến cân đối, tính toán Quỹ công đoàn, Quỹ bảo hiểm xã hội..., trong khi chính các doanh nghiệp còn đề xuất giảm đóng vào quỹ này.

Theo ông Phòng, Hội đồng Tiền lương quốc gia chưa nên quyết định ngay việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Việc xem xét tăng lương cần có độ trễ và nên được quyết định căn cứ vào các thông số kinh tế, sản xuất thời gian tới đây.

Kết thúc phiên họp thứ nhất, các bên thống nhất sẽ tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 nhưng lùi đến tháng 11/2023 mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng.

Thế khó cho doanh nghiệp khi tăng lương tối thiểu

Theo ghi nhận của phóng viên, trong khi người lao động kỳ vọng được tăng lương vào đầu năm sau, nhưng doanh nghiệp lại muốn trì hoãn vì sụt giảm đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất, doanh thu giảm.

Tăng lương tối thiểu: Thế khó của cả doanh nghiệp và người lao động
Các doanh nghiệp nhất trí tăng lương tối thiểu nhưng cần cân nhắc kỹ mức tăng và thời điểm tăng.

Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) dẫn khảo sát với hơn 600 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam tỏ ra không mấy lạc quan về kết quả kinh doanh năm 2023.

Về chi phí nhân công, hơn 75% các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói rằng chi phí nhân công tăng chính là rủi ro lớn nhất khi đầu tư tại Việt Nam trong tương lai. Con số này cao hơn so với thứ hạng và tỷ lệ trong cuộc khảo sát tương tự được thực hiện ở Thái Lan và Philippines.

Trên cơ sở đó, JCCI kiến nghị duy trì mức lương tối thiểu vùng trong năm 2023, đơn vị này cũng không phản đối việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ tháng 1/2024, nhưng cần lưu ý mức điều chỉnh.

“Các doanh nghiệp đều đã tự tiến hành điều chỉnh lương nên giả sử nếu mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng mạnh sẽ khiến cho doanh nghiệp không thể chịu được gánh nặng về chi phí nhân công”, JCCI nêu.

Đại diện một số doanh nghiệp tại Việt Nam cũng chia sẻ tình hình hiện tại đang rất "căng", nếu tăng lương tối thiểu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty.

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp ở Hà Nội, trước tình hình khó khăn của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung, số lượng việc làm trong khu vực chính thức càng ngày càng giảm, khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong giai đoạn ngắn chưa có dấu hiệu khả quan.

Các khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới vẫn rất lớn, với nhiều yếu tố khó dự báo hơn, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp.

Cùng với đó, việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; kéo theo tình hình cắt giảm lao động, mất việc làm gia tăng là những yếu tố tác động bất lợi đến thị trường lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Mặc dù khó khăn nhưng chúng tôi cũng thống nhất kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu. Tuy nhiên, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, trao đổi và tính toán kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh cho phù hợp", vị này chia sẻ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động