Thủ tướng ra công điện mới về xăng dầu
Ngăn chặn thủ đoạn "móc túi" khách hàng trong kinh doanh xăng dầu Tổng lực kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh xăng dầu |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công thương, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch, Tổng giám đốc các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu Khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) yêu cầu tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu trong thời gian tới.
Theo Thủ tướng, việc cung ứng xăng dầu trong thời gian qua có lúc, có nơi còn bất cập, khó khăn; trong đó xảy ra thiếu hụt xăng dầu tại một số địa bàn vào cuối năm 2022.
Do đó, để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, PVN, Petrolimex và các cơ quan liên quan chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành, cân đối cung cầu thị trường xăng dầu theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.
Ảnh minh họa. |
Đồng thời, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, PVN và cơ quan, đơn vị liên quan xác định sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước để có cơ sở cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu trong thời gian tới, nhằm bảo đảm duy trì liên tục, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước để điều hành giá, sử dụng Quỹ bình ổn giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu; bảo đảm ổn định, lành mạnh của thị trường xăng dầu trong nước, không để xảy ra vi phạm.
Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; chỉ đạo PVN, Petrolimex thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chỉ đạo điều hành của cấp có thẩm quyền về cung ứng xăng dầu.
Ngoài ra, PVN, Petrolimex được giao chủ động thực hiện các biện pháp, giải pháp theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung chỉ đạo nêu trên.
Cách đây ít ngày, Bộ Công thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Trong đó, Bộ Công thương đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (cả về số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng.
Các thương nhân cũng cần chủ động nguồn hàng (cả nguồn trong nước và nhập khẩu), thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Theo đề nghị của Bộ Công thương, các thương nhân tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.