Thú chơi hoa thủy tiên của người Hà Nội
Người Hà Nội với thú chơi tranh Tết Hà Nội tổ chức hoạt động văn hóa "Tết Trung Thu truyền thống năm 2019” Dân Hà Thành chi cả trăm triệu mua đào cổ thụ chơi Tết |
Thú chơi cầu kỳ, tao nhã
Nói về thú chơi hoa thủy tiên ở Hà Nội thuở xưa, khó có thể tìm được ai hiểu biết và gọt thủy tiên thuộc bậc “kỳ nhân” như cụ Nguyễn Phú Cường. Đã ở tuổi “nhân sinh thất thập” nhưng hàng ngày cụ vẫn dành hầu hết quỹ thời gian trong ngày để “tắm táp”, “chăm sóc” những củ thủy tiên chỉ để thỏa nỗi đam mê được ngắm, gọt, tỉa.
Mỗi khi nói đến thủy tiên, cụ Cường như được sống lại cả một thời xưa cũ. Cụ bảo, không biết thú chơi thủy tiên vào mỗi dịp Tết của người Hà Nội có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, khoảng những năm 1920 của thế kỷ trước, Hà Nội từng tổ chức thi hoa thủy tiên ở đền Bạch Mã - Hàng Buồm mỗi dịp Tết. Cụm hoa nào đoạt giải, được cả sắc hương lẫn dáng thế sẽ được đưa lên kiệu rước trên phố Hà Nội cho bàn dân chiêm ngưỡng, tôn vinh. Giới chơi hoa này đa phần là người già bởi lẽ đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ, cầu kỳ và tốn kém.
Cụ Nguyễn Phú Cường được coi là "bậc thầy" gọt hoa thủy tiên |
Trong ký ức của cụ Cường, mỗi dịp gần Tết, ông ngoại vốn là người làng Chèm lại mang những củ thủy tiên khô ra, rồi ngâm nước cho căng mọng và nhú mầm. Ngày ngày, ông mang gọt, tỉa, xén tỉ mỉ cho tới khi ra hoa, rồi ngắm nghía… nhưng cậu bé Cường ngày đó nào biết rằng đấy là một sự sành chơi của dân thành thị.
Hoa thủy tiên có đặc điểm đặc biệt nhất là chỉ nở vào dịp Tết. Người chơi chỉ có khoảng một tháng để cắt củ, đẽo, gọt cho hoa nở đúng vào Giao thừa. Cụ Cường trầm ngâm kể, cái hay, cái đẹp của thủy tiên ở chỗ, đây là loại hoa duy nhất chơi được 5 thứ, đó là: Rễ, lá, hoa, hương và dáng. Một bát thủy tiên đẹp thì rễ phải trắng, dài; Lá có đường cong, nét uốn; Hoa phải giống như “đĩa bạc, chén vàng” (tức ngoài là 6 cánh hoa, trong là 1 cánh tròn như cái chén, trong cùng mới là nhụy). Hương hoa thì có thể thơm ngọt, thơm dịu tùy loại giống nhưng “chất” của nó phải đượm và vương lâu đến mức “không loài nào sánh được”. Cuối cùng, dáng phải đa dạng tùy cách người chăm tỉ mỉ và cạo, đảo, xén.
Một bát hoa thủy tiên do cụ Nguyễn Phú Cường gọt, cắt, tỉa |
Trong lối chơi thủy tiên của người Hà Nội xưa thì gọt tỉa hoa là tỉ mỉ và phức tạp nhất. Gọt sao cho đúng mặt chính của củ, sao cho không phạm vào chỗ mầm để khỏi bị thui chột. Gọt sao cho các mầm vươn lên theo dáng mong muốn ấy mới là khó. Không phải ngẫu nhiên mà thú chơi ngày Tết này của người Hà Nội từng được nhà văn Vũ Bằng tả: “Đàn ông chơi hoa thủy tiên thì tổn thọ 10 năm. Phụ nữ chơi hoa thủy tiên thì mất đúng một lứa đẻ”.
Cụ Nguyễn Phú Cường bảo, nhìn vào bát hoa thủy tiên, người sành chơi sẽ nhận ra vẻ đẹp của từng dáng. Có những dáng lá vuốt lên khỏe khoắn như cái kiếm nhưng cũng có dáng uốn cong, mềm mại như trái tim. Bởi sự kỳ công trong chăm hoa như “chăm con” nên khi hoa bung nở vào dịp Giao thừa, lòng người vui mừng, rộn rã như được đón đứa con của mình chào đời vậy.
Trong nhà có thủy tiên thì không khí ngày Tết đủ đầy, phấn khởi. Người Hà Nội tin rằng, đêm giao thừa, trong không gian ấm cúng thoảng mùi hương trầm, mọi người quây quần bên tách trà sen, lúc ấy, trong nhà có bát hoa thủy tiên nở sẽ báo hiệu một năm mới tốt lành và nhiều may mắn. Mà cái thứ hương thanh tao, ngọt lịm, sâu lắng như chạm đến tâm can con người ta ấy, quyện cùng hương của trầm, của bưởi Diễn, của mùi khói thuốc pháo nữa, hương nếp bánh chưng mới dỡ... tất cả tạo nên một thứ hương vị Tết đặc trưng khó tả, rất Hà Nội mà người đi xa không khỏi bồi hồi thương nhớ.
Muôn kiểu dáng của thủy tiên được uốn theo cách của người chơi |
Tinh hoa Hà thành trong lòng người trẻ
Cầu kỳ, tinh tế, thanh tao là vậy mà không hiểu vì lý do gì, theo nghiên cứu, tìm hiểu của cụ Cường, thú chơi này gần như biết mất ở Hà Nội trong khoảng hơn 30 năm (từ 1962 - 1996). Tuy nhiên, khoảng hơn chục năm gần đây, thú chơi này đang dần trở lại trong giới trẻ. Họ thành lập những nhóm, hội trên mạng xã hội như: Những người yêu hoa thủy tiên; Tinh hoa thủy tiên Việt, quy tụ cả chục ngàn thành viên cùng trao đổi, học hỏi và truyền đạt kinh nghiệm. Anh Tống Hồng Cầm - người lập ra nhóm Tinh hoa thủy tiên Việt cũng đã có ngót 10 năm theo gót cụ Nguyễn Phú Cường để học cách cầm dao gọt thủy tiên. Anh khẳng định, thú chơi hoa thủy tiên - nét tinh hoa của người Hà Nội đã thực sự trở lại trong lòng người trẻ và đang ở thời kỳ hưng thịnh.
Nhiều bạn trẻ tìm tòi, học gọt thủy tiên |
“Với tôi, đó là thú chơi sang của người Tràng An xưa, tinh tế, vô cùng tao nhã, mà lại hàm chứa đầy triết lý nhân sinh. Điều thú vị và cuốn hút nhất ở thủy tiên là ở sự ảo diệu thiên biến vạn hóa của nó. Sự ảo diệu ấy cho phép người chơi có thể sáng tạo tùy biến linh hoạt để tạo ra những hình dáng, thế hoa vô cùng phong phú, khiến mỗi bát hoa luôn là một tác phẩm độc nhất vô nhị. Cùng với những kiến thức về sinh vật học, triết học, Nho giáo, trong quá trình tạo tác, chăm sóc, thưởng lãm, người chơi hoa một cách sâu sắc sẽ tìm thấy được ở thú chơi những vấn đề triết lý nhân sinh sâu sắc, đơn giản nhất như là tính kiên trì, sự linh hoạt, hay chiêm nghiệm về cách đối nhân xử thế...”, anh Cầm chia sẻ.
Lối chơi thủy tiên ngày nay cũng rất phong phú. Ngoài cách chơi bày trong ly như kiểu truyền thống ngày xưa thì người trẻ bây giờ rất sáng tạo trong việc tạo hình, bài trí, sắp xếp. Thêm nữa, nhờ công nghệ phát triển nên việc quy tụ người cùng đam mê cũng dễ hơn; Việc tìm kiếm nguồn giống cũng dễ dàng và đa dạng. Đặc biệt, chơi thủy tiên bây giờ không chỉ vào dịp Tết mà có thể rải rác suốt từ đầu tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Thế nên, những hội, nhóm chơi thủy tiên trên mạng xã hội cũng thường xuyên tổ chức những buổi gặp mặt, trưng bày và chia sẻ kinh nghiệm gọt củ, chăm hoa, hay trình diễn các công đoạn chơi hoa.
Chia sẻ thêm, anh Tống Hồng Cầm cho biết, hiện có nhiều trường phái chơi thủy tiên. Điều này có thể coi là một sự tất yếu trong quá trình phát triển của thú chơi, như các quy luật khác của thế giới. Những sự khác biệt về quan niệm, triết lý của các trường phái nhìn theo hướng tích cực thì tạo động lực và điều kiện để người chơi mày mò, nghiền ngẫm, tìm hiểu và sáng tạo. Từ đó, họ phát triển thêm những kiến thức, kinh nghiệm mới về phương pháp tạo tác, chăm sóc cũng như trưng bày, thưởng lãm hoa, làm cho kho tàng kiến thức về thú chơi này càng thêm phong phú”, anh Cầm nói.
Trào lưu chơi hoa thủy tiên đang dần trở lại |
Còn cụ Nguyễn Phú Cường thì mừng rỡ khi thấy các bạn trẻ không chỉ ở Hà Nội mà khắp cả nước vẫn hàng ngày tìm đến hỏi han, tìm hiểu và nhờ dạy cho cách chọn củ, gọt, tỉa, xén. Bởi ở Hà Nội bây giờ, những tiền nhân bậc thầy về thủy tiên thật khó tìm nên chỉ cần nhìn thấy các bạn trẻ đam mê như vậy, đối với cụ đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. “Điều đó cho thấy, thú chơi này đang dần phục hưng giữa thời hiện đại. Thế hệ chúng tôi giờ chỉ mong sao các bạn trẻ nối tiếp truyền thống, lưu giữ và cùng lan tỏa những tinh túy, hồn cốt, lịch lãm, tao nhã của thú chơi hoa thủy tiên. Đó vốn là văn hóa đặc sắc, góp phần làm nên chất thanh lịch rất riêng của người Tràng An”, cụ Cường tâm sự.