Nâng kỳ vọng của người dân với chính quyền Hà Nội
Đó là tác dụng của iHaNoi (ứng dụng Công dân Thủ đô số) dự kiến được UBND TP Hà Nội chính thức công bố vận hành vào ngày 28/6. Được biết, đây là ứng dụng nền tảng của Đề án 06 Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Công nghệ trong tiếp công dân
Với sự phát triển của công nghệ truyền thông, họp trực tuyến, xét xử trực tuyến, tiếp công dân trực tuyến kỳ vọng mang lại hiệu quả thiết thực so với tiếp công dân trực tiếp.
Theo Quy chế tiếp công dân trực tuyến là việc tiếp công dân tại trụ sở, địa điểm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cấp trên với người tiếp công thuộc cơ quan, đơn vị cấp dưới (hoặc ngược lại) để tiếp, giải thích, hướng dẫn hoặc chỉ đạo giải quyết một vụ việc khiếu nại, phản ánh, kiến nghị, đề nghị cụ thể có sự hỗ trợ từ các thiết bị điện tử và phần mềm ứng dụng truyền hình trực tuyến được thiết lập, kết nối với nhau thông qua môi trường mạng.
Tiếp công dân trực tuyến cho phép người dân khiếu kiện, người tiếp công dân, người tham gia tiếp công dân tham gia buổi tiếp công dân tại các điểm cầu được đối thoại, trao đổi với nhau theo thủ tục tiếp dân của buổi tiếp bằng lời nói, hình ảnh, âm thanh trực diện, liên tục vào cùng một thời điểm.
Người dân ở Hà Nội tìm hiểu app iHaNoi |
Tiếp công dân trực tuyến được thực hiện ở hai hoặc nhiều điểm cầu (tùy thuộc vào từng vụ việc và theo yêu cầu của người chủ trì buổi tiếp). Trong đó, có một điểm cầu trung tâm và các điểm cầu thành phần. Thông thường, mỗi điểm cầu là một cấp khác nhau gắn với thẩm quyền giải quyết giữa cấp trên trực tiếp với cấp dưới trực tiếp (là các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện của công dân).
Cụ thể, tại Trung ương, tiếp công dân trực tuyến giữa điểm cầu trung tâm là Thanh tra Chính phủ/Trụ sở tiếp công dân Trung ương (chủ thể là Thanh tra Chính phủ/Văn phòng Chính phủ/Ban Dân nguyện/Ủy ban Kiểm tra Tung ương/Ban Nội chính Trung ương) với các điểm cầu thành phần là Trụ sở tiếp công dân cấp tính (chủ thể là Bí thư/Chủ tịch UBND tỉnh - địa phương có công dân khiếu kiện và là người có thẩm quyền giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết); điểm cầu thành phần của các bộ, ngành chuyên môn có liên quan (nếu thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc khi được mời tham gia tiếp cùng người tiếp công dân).
Mô hình tiếp công dân trực tuyến đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin. Tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần, các trang thiết bị bao gồm hệ thống camera, phần mềm, màn hình máy tính hoặc ti vi lớn, máy tính điều khiển, hệ thống âm thanh, đường truyền, và phần mềm để lưu trữ dữ liệu (nếu cần)...
Ngoài ra, còn phải phân công bố trí con người để vận hành hệ thống thiết bị đường truyền đảm bảo cho buổi tiếp công dân được thông suốt, liên tục.
Với những ưu điểm đó, tiếp công dân trực tuyến được nhiều người dân sinh sống ở Hà Nội đón nhận.
Ông Lương Đình Can (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Số lượng người dân sinh sống ở Hà Nội rất đông, chính vì vậy, mô hình tiếp công dân trực tuyến mang lại nhiều giá trị thiết thực.
Theo dõi thông tin báo, đài, tôi được biết để nâng kỳ vọng của người dân Hà Nội trong việc tiếp công dân trực tuyến, từ 28/6 tới đây, Hà Nội áp dụng tạo và gửi phiếu đăng ký tiếp dân trực tuyến qua ứng dụng iHaNoi thay vì đến cơ quan chính quyền để đăng ký.
Như vậy, việc nộp đơn để được tiếp công dân trực tuyến cũng đã “số hoá”, tạo thuận lợi cho người dân, giảm bớt thời gian đi lại và việc sắp xếp thứ tự người dân, phân loại mức độ nội dung… dễ dàng hơn, nâng cao được chất lượng các cuộc tiếp công dân".
Tăng hiệu quả theo dõi, giám sát của người dân
Theo dự kiến, từ 28/6, qua app iHaNoi, người dân được cập nhật các thông báo, thông tin mới nhất, chính thống từ chính quyền Hà Nội.
Điều này sẽ thực chất hơn về hiệu quả theo dõi, giám sát của người dân, nâng cao trách nhiệm hoạt động của các cấp chính quyền Hà Nội. Từ đó, tạo môi trường văn minh, hiện đại, thông tin kịp thời, thông suốt.
Bà Trần Thị Lan (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Nếu chỉ cần cài app iHaNoi mà cập nhật được tất cả nội dung cảnh báo, thông báo, hoạt động của chính quyền địa phương thì tốt quá. Vì từ khi nghỉ hưu, tôi chỉ quanh quẩn trông cháu, không có thời gian trực tiếp tìm hiểu thông tin ở trụ sở chính quyền.
Nhiều cuộc họp dân trực tiếp cũng đành cáo bận vì không ai thay thế vai trò trong gia đình. Giờ chỉ cần điện thoại di động là tôi có thể biết được xã hội bây giờ ra sao, địa phương sinh sống thế nào thì tốt quá rồi”.
iHaNoi nâng kỳ vọng của người dân về hoạt động của chính quyền số |
Cùng quan điểm đánh giá cao ý nghĩa của việc đẩy mạnh công nghệ, áp dụng công nghệ trong thông tin và tiếp công dân online, anh Dương Văn Tuyến (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng: "Thời gian qua, mặc dù rất nhiều tin, bài cảnh báo lừa đảo trực tuyến, nhất là nhắm vào đối tượng người cao tuổi, ít theo dõi thông tin, thì chỉ cần một app iHaNoi, con cháu hướng dẫn các ông các bà theo dõi thường xuyên cảnh báo của chính quyền, thì đảm bảo tình trạng lừa đảo trực tuyến hay những thông tin hướng dẫn bổ ích, chính thống từ chính quyền sẽ được các cụ lưu tâm. Tôi rất kỳ vọng vào hiệu quả của ứng dụng này!”.
Theo dự kiến, 28/6 sẽ là thời điểm ra mắt nền tảng iHaNoi. Đây sẽ là mốc đánh dấu những nỗ lực trong đẩy mạnh xây dựng nền tảng xã hội, mở các kênh tương tác trực tiếp giữa các cấp chính quyền thành phố với người dân, doanh nghiệp trên môi trường số; toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Thủ đô.