Ngày Quốc tế Đàn ông 19/11 ra đời như thế nào?

Ngày Quốc tế Đàn ông (IMD) diễn ra vào ngày 19/11 hằng năm. Tại Việt Nam, ngày này thường không phổ biến và ít được mọi người nhắc đến.
Khách quốc tế ấn tượng với Lễ hội VNIF 2024

Nguồn gốc ngày Quốc tế Đàn ông

Ngày Quốc tế Đàn ông (IMD) được tổ chức vào ngày 19/11 hằng năm tại hơn 170 quốc gia như: Nam Phi, Áo, Đan Mạch, Ấn Độ, Singapore, Malta, Trinidad và Tobago, Jamaica... với mục đích truyền bá nhận thức về hạnh phúc của nam giới và tôn vinh những đóng góp tích cực của họ đối với thế giới, gia đình và xã hội. Trong ngày này, các hình mẫu tích cực cũng được tôn vinh cũng như nâng cao nhận thức về sức khỏe của nam giới.

Ngày Quốc tế Đàn ông được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999, do Tiến sĩ Jerome Teelucksingh sáng lập. Ông là giảng viên lịch sử tại Đại học Tây Ấn ở Trinidad và Tobago. Tiến sĩ Jerome Teelucksingh đã chọn ngày 19/11 như một lời tri ân đối với người cha của mình. Ông cũng khuyến khích mọi người sử dụng ngày này để tuyên truyền các vấn đề ảnh hưởng đến nam giới và các bé trai. Ý tưởng này nhanh chóng được chấp nhận trên toàn cầu và được nhiều quốc gia áp dụng, bao gồm Úc (2003) và Ấn Độ (2007).

Ngày Quốc tế Đàn ông (IMD) 19/11 ra đời như thế nào?

Theo internationalmensday.com, trang web chính thức của Ngày Quốc tế Đàn ông, được tài trợ bởi Tổ chức làm cha Dads4Kids có trụ sở tại Australia, nhu cầu về một ngày lễ dành riêng cho “đấng mày râu” có thể bắt nguồn từ những năm 1960, với ý tưởng dành riêng cho nam giới một ngày, tương tự như ngày Quốc tế Phụ nữ, được tổ chức vào ngày 8/3.

Sự ra đời của Ngày Quốc tế Đàn ông đã nhận được sự ủng hộ lớn ở khu vực Mỹ Latin và Caribe trong những năm đầu thành lập và nhờ khả năng kết nối bền bỉ và những lời mời gửi đến các quốc gia khác, Ngày Quốc tế Đàn ông đã ngày càng phổ biến rộng rãi trên thế giới.

Ngày Quốc tế Đàn ông hướng tới 6 mục tiêu, tập trung vào việc cải thiện quan hệ giới và thúc đẩy bình đẳng giới cho cả nam và nữ. Các mục tiêu chính của sự kiện này đó là thúc đẩy hình mẫu tích cực của nam giới; ghi nhận và tôn vinh những đóng góp tích cực của nam giới cho xã hội; tập trung vào sức khỏe và hạnh phúc của nam giới; nêu bật sự phân biệt đối xử với nam giới; thúc đẩy bình đẳng giới và cải thiện quan hệ giới; cuối cùng là tạo ra một thế giới an toàn và tốt đẹp hơn.

Ý nghĩa của Ngày Quốc tế Đàn ông

Tháng 11 có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về các vấn đề sức khỏe của nam giới vì nó đánh dấu sự kiện hàng năm được gọi là “Movember”. Ngoài ra, sự kiện này cũng tập trung vào sức khỏe tinh thần và phòng chống tự tử, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư tinh hoàn để giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe của nam giới.

Trong thời gian này, trên thế giới, nhiều hoạt động gây quỹ, hội nghị và triển lãm nghệ thuật khác được tổ chức vào Ngày Quốc tế Đàn ông. Nhiều người trên khắp thế giới cũng kỷ niệm Ngày Quốc tế Đàn ông bằng cách dành thời gian cho những người đàn ông trong gia đình, như cha, anh trai và con trai - những người đã trở thành hình mẫu tích cực và cảm ơn sự ủng hộ của họ. Theo họ, điều quan trọng là phải khuyến khích nam giới nhận thức được các vấn đề sức khỏe của chính bản thân họ, từ đó khuyến khích lối sống lành mạnh.

Câu hỏi đặt ra rằng, liệu Ngày Quốc tế Đàn ông có quan trọng như Ngày Quốc tế Phụ nữ hay không? Ngày này được thành lập không nhằm mục đích cạnh tranh với Ngày Quốc tế Phụ nữ, mà là để khích lệ phái mạnh sống một cuộc sống có giá trị, chú trọng hơn vào sức khỏe và khuyến khích nam giới bắt đầu cởi mở và giao tiếp.

Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Đàn ông còn rất nhiều người lạ lẫm khi nhắc đến. Một vài năm gần đây, khi phong trào này rầm rộ hơn thì tại Việt Nam cũng bắt đầu có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nhớ tới ngày này và thực hiện một số hoạt động để chúc mừng nam giới.

Có thể nói, Ngày Quốc tế Đàn ông chính là dịp để kỷ niệm những thành tựu và đóng góp của họ, đặc biệt là đối với cộng đồng, gia đình, hôn nhân cũng như trong quá trình chăm sóc con cái. Do đó, nam giới xứng đáng nhận được những lời chúc tốt đẹp, những món quà ý nghĩa, như với nữ giới trong Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Phạm Thành (Tổng hợp)
Phiên bản di động