Thống đốc: Không lấy tiền ngân sách để cho vay đặc biệt lãi suất 0%

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục đích của ngân hàng Trung ương về phát hành tiền không sử dụng nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm không dẫn đến rủi ro ngân sách nhà nước phải bù lãi suất.
Thống đốc: Chỉ cho vay đặc biệt lãi 0% khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt Ngân hàng Nhà nước được quyết cho vay đặc biệt, không tài sản đảm bảo

Sáng 10/6, tiếp tục phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường, cùng ý kiến thẩm tra chính thức của Ủy ban Kinh tế và Tài chính về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì rà soát, nghiên cứu toàn diện những khó khăn, bất cập trong hoạt động của các tổ chức tín dụng để sửa đổi, bổ sung nội dung, bảo đảm hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng nợ xấu.

Các sửa đổi này cũng nhằm đáp ứng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, thể chế hóa Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Quan điểm được nêu rõ là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn để tránh mất thời cơ.

Theo đó, về nhóm chính sách chuyển thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục đích của ngân hàng Trung ương về phát hành tiền không sử dụng nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm không dẫn đến rủi ro ngân sách nhà nước phải bù lãi suất.

Thống đốc: Không lấy tiền ngân sách để cho vay đặc biệt lãi suất 0%
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát các quy định về xử lý các khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo chế độ tài chính của ngân hàng này.

“Việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng cho hai trường hợp: một là tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt để chi trả cho người gửi tiền, hai là để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc của các tổ chức tín dụng đang bị kiểm soát đặc biệt. Hoạt động này chỉ được tiến hành sau khi đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như tái cấp vốn, nghiệp vụ thị trường mở.

Như vậy, cho vay đặc biệt là cần thiết để ngăn chặn hiện tượng rút tiền hàng loạt tại tổ chức tín dụng, hạn chế nguy cơ rủi ro lan truyền sang các tổ chức khác, hoặc hỗ trợ phương án phục hồi, chuyển giao bắt buộc nhằm tái cơ cấu các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt. Mục tiêu là đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh trật tự và an toàn xã hội, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước”, Thống đốc phát biểu.

Thống đốc cũng nhấn mạnh, khoản 3 Điều 194 Luật các Tổ chức tín dụng 2024 đã giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định chi tiết việc cho vay đặc biệt. Thực hiện quy định này, Thống đốc đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT-NHNN ngày 30/6/2024, quy định cụ thể mục đích, số tiền, thời hạn, tài sản bảo đảm, điều kiện tài sản bảo đảm, trả nợ vay và trách nhiệm của các bên liên quan.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, sau khi dự thảo luật được ban hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Thông tư số 37/2024/TT-NHNN liên quan đến tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, mục đích sử dụng khoản vay, trách nhiệm của đơn vị được vay và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước khi cho vay, kiểm soát nguồn tiền để tránh rủi ro, tránh lạm dụng chính sách.

Điều này nhằm giảm áp lực tái cấu trúc nội tại của ngân hàng, tăng cường tính minh bạch về trình tự, thủ tục cho vay, đồng thời tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tổn thất có thể xảy ra, phòng tránh rủi ro đạo đức, rủi ro chính sách và hiệu ứng phụ, bảo đảm niềm tin và công bằng thị trường.

Về nhóm chính sách luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, Thống đốc cho biết, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến ba vấn đề lớn liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm: điều kiện thu giữ, sự tham gia của chính quyền địa phương và cơ chế kiểm soát để tránh lạm quyền.

Về điều kiện thu giữ, thu giữ tài sản bảo đảm không phải là hành động đơn phương, vô điều kiện mà phải tuân thủ phạm vi, giới hạn, điều kiện thu giữ, tôn trọng quyền tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên. Quy định về trình tự, thủ tục thu giữ phải công bằng, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên có nghĩa vụ, tổ chức tín dụng và các bên liên quan.

Về sự tham gia của chính quyền địa phương, vai trò của các cơ quan, chính quyền địa phương nhằm xác nhận tình trạng thực tế và đảm bảo an ninh trật tự xã hội khi tổ chức tín dụng thực hiện biện pháp thu giữ, đồng thời ngăn ngừa việc tổ chức tín dụng lạm dụng quyền, đảm bảo thu giữ công khai, minh bạch, không gây mất trật tự xã hội, không xâm phạm quyền của các chủ thể liên quan.

Việc quy định vai trò của UBND cấp xã, cơ quan công an cấp xã khi thu giữ tài sản bảo đảm sẽ tạo ý thức tuân thủ của tổ chức tín dụng, bên bảo đảm, bên vay, người liên quan và người dân tại địa điểm thu giữ.

Về cơ chế kiểm soát tránh lạm quyền, dự thảo luật quy định tổ chức tín dụng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, không hạn chế quyền khiếu nại của các bên, đặc biệt là bên bảo đảm và bên đang giữ tài sản bảo đảm. Hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm và hoạt động của tổ chức tín dụng nói chung chịu sự quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Ngân hàng Nhà nước.

Hậu Lộc
Phiên bản di động