Thời khắc giải phóng Thủ đô qua hồi ức của một lão tướng

69 năm đã trôi qua nhưng ký ức về ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Phan Văn Lai.
Giao lưu, trò chuyện cùng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phạm Tuân Bắc Giang có một tập thể và một cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thăm, chúc mừng cán bộ, chiến sỹ Bộ Tư lệnh Thủ đô

Dấu son lịch sử chói lọi

Những ngày tháng 10, Thiếu tướng Phan Văn Lai – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục III, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an cùng đồng đội năm xưa lại có dịp ôn lại lịch sử. Trong ký ức của vị lão tướng già này, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã trở thành một mốc son chói lọi của Thủ đô mà mỗi người dân ở thời khắc ấy vẫn mãi mãi không thể nào quên.

Thời khắc giải phóng Thủ đô qua hồi ức của một lão tướng
Thiếu tướng Phan Văn Lai (ngồi giữa) tại sự kiện ra mắt CLB Trái tim người lính Thủ đô.

Xúc động nhớ lại kỉ niệm xưa, Thiếu tướng Phan Văn Lai kể, năm 1954, ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Hà Nam. Dù không trực tiếp về tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10, nhưng không khí của ngày 10/10/1954 đều được báo, đài cập nhật liên tục.

"Từ mọi miền đất nước, quân và dân đều dõi theo mọi thông tin trong ngày trọng đại này. Những người tham gia kháng chiến lại càng phấn khởi, tự hào và có một niềm tin mãnh liệt rằng, cuộc kháng chiến chống Pháp đã thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng thì chắc chắn chống Mỹ cũng đại thắng. Khi ấy sẽ giải phóng miền Nam, đất nước ta sẽ hoàn toàn thống nhất" - Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ lại.

Ông nói vậy rồi ngâm nga: “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về

Như đài hoa đón mừng, nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh…”

Theo lão tướng Phan Văn Lai, không khí sục sôi ấy bắt đầu khi bộ đội ta tiến vào năm cửa ô rồi tỏa đi các nơi, lần lượt tiếp quản nhà ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, Bờ Hồ, phủ Thống sứ. Đúng 16 giờ chiều, toàn bộ quân đội Pháp đã rời khỏi thành phố, rút hết sang phía Đông cầu Long Biên. Bộ đội ta đi tới đâu, từ hai bên đường, Nhân dân đổ ra từng bừng náo nhiệt như hội tới đó. Nhìn ai cũng hân hoan reo hò chào mừng ngày trở về Hà Nội. Hôm ấy, khẩu hiệu, cờ hoa rực rỡ khắp các đường to ngõ nhỏ...

"Ngày 10/10 đã đánh dấu chặng đường quân dân và Thủ đô Hà Nội ta chiến đấu kiên cường, bất khuất với kẻ thù. Thủ đô Hà Nội đã có công rất lớn, trở thành trung tâm đầu não của Đảng và Nhà nước, tiếp tục chỉ đạo và xây dựng thành công CNXH ở miền Bắc, là hậu phương vững chắc, có đủ tiềm lực để tiếp tục chi viện cho miền Nam, hướng tới đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước" - ông Lai nói.

Thời khắc giải phóng Thủ đô qua hồi ức của một lão tướng
Thiếu tướng Phan Văn Lai luôn đặt lòng tin vào thế hệ thanh niên hôm nay

Kháng chiến thành công, chàng thanh niên Phan Văn Lai trở về Thủ đô. "Cảm xúc khi mình mặc bộ quân phục về đến Hà Nội, được người dân phấn khởi chào đón, chúng tôi thấy tự hào lắm. Đây chính là nguồn động viên to lớn để giúp tôi và đồng đội có thêm nghị lực, niềm tin, sức mạnh, tiếp tục cống hiến, phục vụ cho cách mạng”. - người lính già hồi tưởng.

Thời khắc giải phóng Thủ đô qua hồi ức của một lão tướng
Anh hùng LLVTND - Thiếu tướng Phan Văn Lai.

Hy vọng thế hệ trẻ viết tiếp trang sử hào hùng

Nhấp ngụm trà, vị Thiếu tướng 94 tuổi kể tiếp: “Tôi đã trải qua thời trai trẻ trong kháng chiến chống Pháp. Khi 18 tuổi, tôi đã là cán bộ huyện đoàn Trực Ninh (tỉnh Nam định). Sau đó, tôi được chọn vào bổ sung cho lực lượng công an và gắn bó với ngành từ đó cho tới ngày nghỉ hưu. Vì vậy, tôi hiểu rõ, thế hệ chúng tôi đã có một thời trai trẻ bất khuất, kiên cường như thế nào để góp phần làm nên một Hà Nội thanh bình như ngày hôm nay”.

Thời khắc giải phóng Thủ đô qua hồi ức của một lão tướng
Thiếu tướng Phan Văn Lai kể với phóng viên về một thời trai trẻ oanh liệt, hào hùng.

Trò chuyện thân tình, ông Lai không giấu trăn trở: “Chúng tôi giờ đã về hưu, tuổi cao, sức yếu, vậy ai sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng lừng lẫy này. Đó chính là thế hệ thanh niên trẻ”.

Thời khắc giải phóng Thủ đô qua hồi ức của một lão tướng
Thiếu tướng hy vọng vào thế hệ triển tiếp bước truyền thống cha anh hào hùng.

Theo ông, lớp trẻ bây giờ không còn phải cầm súng chiến đấu nữa nhưng phải nghiên cứu, phát minh và sáng tạo về khoa học, công nghệ để phục vụ cho việc phát triển, đưa đất nước ngày càng giàu mạnh, đời sống của Nhân dân được nâng cao và cải thiện. Đối với vấn đề an ninh quốc phòng, cần phải giữ vững được biên cương của Tổ quốc.

Thời khắc giải phóng Thủ đô qua hồi ức của một lão tướng
Thiếu tướng Phan Văn Lai và Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Doãn.

Ông chia sẻ thêm: "Thời chiến, lớp lớp thanh niên sẵn sàng lao ra chiến trường, sẵn sàng xả thân vì đất nước, sẵn sàng hi sinh nhưng hoà bình rồi thì lớp trẻ ngày nay sẵn sàng đem hết sức lực, tâm trí của mình để phục vụ cho việc xây dựng và phát triển, giữ gìn cho đất nước được hoà bình, ổn định. Tôi rất tin tưởng và trân trọng vào thanh niên Việt Nam. Các bạn luôn đặt trong tim tình yêu nước nồng nàn và khát vọng cao cả, nhất định sẽ xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc trên thế giới”.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động