Chiến lược phát triển văn hóa của Hà Nội

Việc tổ chức "Ngày hội Văn hóa vì hoà bình" cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa gắn với các sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô hàng năm, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô.
Người dân, du khách hào hứng trải nghiệm văn hóa Hà Nội giữa trời thu Phát huy vai trò cán bộ, đảng viên trong phát triển văn hóa Hà Nội Báo chí phát huy vai trò, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa Hà Nội

Thông qua sự kiện “Ngày hội Văn hoá vì hoà bình”, Hà Nội không chỉ khẳng định vị thế của thành phố lịch sử, văn hóa mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước.

Ngày hội văn hoá lớn nhất Thủ đô, được kỳ vọng tạo ra hiệu ứng truyền thông đặc biệt, lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của Thủ đô đến với cả nước cùng với bạn bè quốc tế.

Ngày hội là dịp quy tụ giao lưu lớn nhất giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhân dân đại diện cho 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Hơn 8.000 người, bao gồm 5.000 người dân và đại diện các lực lượng từ các quận, huyện, thị xã tham gia vào các màn diễu hành, trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, bao gồm những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO và quốc gia công nhận, cùng những nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô.

Chiến lược phát triển văn hóa của Hà Nội
Văn hoá lễ hội của Hà Nội được tái hiện trên sân khấu đi bộ trong Ngày hội Văn hoá vì hoà bình

Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TT2 ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Mục đích của Kế hoạch nhằm quán triệt, tuyên truyền nội dung Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, đảm bảo xác định rõ nhận thức, trách nhiệm, hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa của thành phố; tập trung phát triển văn hóa, con người Hà Nội để phát huy tối đa nguồn lực văn hóa, con người tạo nên sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng quyết định, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô.

Mục tiêu chung đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Hà Nội là xây dựng và phát triển văn hóa, người Hà Nội toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động của phát triển kinh tế - xã hội, thiên tai, dịch bệnh và những tác động khác; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị, nông thôn, các đối tượng xã hội và đồng bào dân tộc.

Hà Nội tăng đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung, trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa để trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; có cơ chế chính sách đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Hà Nội.

Cụ thể, ở nhóm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giai đoạn đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 86-88%; làng văn hóa 65%; tổ dân phố văn hóa 75%; thôn, làng có nhà văn hóa 100%.

Tất cả các quận, huyện, thị xã có trung tâm văn hoá thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng; 70-73% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa.

Giai đoạn đến năm 2030, tỷ lệ công nhận danh hiệu gia đình văn hóa là 89-90%; làng văn hóa 70%; tổ dân phố văn hóa 80%. Tất cả các trung tâm văn hóa thể thao cấp huyện, các nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí theo quy định.

Ở nhóm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Hà Nội phấn đấu trên 95% di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, khoảng 70% di tích xếp hạng quốc gia được tu bổ, tôn tạo; hoàn thành chỉ tiêu được phê duyệt tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐND ngày 13/7/2012 của Hội đồng Nhân dân thành phố về Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, hàng năm, có khoảng 20% di tích cấp thành phố xuống cấp được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa, tập trung đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, di tích lịch sử (nhất là Hoàng Thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Cổ Loa, Đền thờ Ngô Quyền) giai đoạn 2021-2025…

Giai đoạn đến năm 2025, Hà Nội cũng đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện thể chế và sẵn sàng cho phát triển công nghiệp văn hóa có tính chuyên nghiệp; sản phẩm công nghiệp văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, đậm bản sắc văn hóa Hà Nội, cạnh tranh được với các nước trong khu vực; giữ vững và phát triển thương hiệu thành phố sáng tạo. Phấn đấu đóng góp khoảng 5% GRDP của thành phố.

Đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội trong top các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu và là thành phố sáng tạo có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á…

Chiến lược phát triển văn hóa của Hà Nội
Màn tái hiện "Ngày Chiến thắng" hoành tráng, hào hùng trong Ngày hội Văn hoá vì hoà bình được du khách thích thú, ngợi ca

Để thực hiện hiệu quả chiến lược này, Hà Nội đưa ra 11 nhiệm vụ và giải pháp quan trọng yêu cầu các cấp các ngành bám sát quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tiềm năng lợi thế của Thủ đô để chủ động thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố.

Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị xác định rõ nội dung mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm các sở, ban ngành, đoàn thể, ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện...

Theo nhận định của đại diện Sở Du lịch Hà Nội, những sự kiện lớn, công phu diễn ra trên địa bàn Thủ đô thu hút lượng khách rất lớn. Từ các sự kiện về âm nhạc, bóng đá với các ngôi sao, ca sĩ nổi tiếng thì sự kiện này cũng sẽ là một trong những bài học phát triển công nghiệp văn hóa cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Hoa Thành
Phiên bản di động