Niềm vui của những chiến sỹ tiếp quản Thủ đô 70 năm trước

Ngày Thu tháng Mười năm 1954 đã khắc sâu trong tâm trí của những người lính và người dân Hà Nội như một biểu tượng của chiến thắng và hòa bình. 70 năm sau, những chiến sĩ trở về tiếp quản Thủ đô ngày đó lại tiếp tục là ngọn lửa truyền cảm hứng cho các thế hệ sau.
Góc nhìn của thế hệ Z về ngày giải phóng Thủ đô Những trái tim phương xa dành tình yêu cho Hà Nội Cuộc giải phóng và hành trình trung hưng Thăng Long - Hà Nội 70 năm giải phóng Thủ đô - dấu ấn từ mùa thu lịch sử

Chia sẻ về những ngày cùng đồng đội về tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước, ông Lê Nguyên Diệu (hiện ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) kể: "Lúc đó, tôi đang theo học tại trường Công an Trung ương thì Hiệp định Geneve được ký kết. Tất cả sinh viên trong trường dừng việc học, chia nhau đi nhận công tác. Tôi được phân công về Cục Cảnh vệ, sau đó cùng đoàn Công an Hà Nội về tiếp quản Thủ đô. Lúc đó, tôi mới 21 tuổi".

Ông Diệu
Ông Lê Nguyên Diệu

Ông Diệu kể, cánh quân của ông được lệnh tiếp quản Hà Nội theo hướng từ Hà Đông đi vào Hà Nội. Khi về phía Hà Nội, hiện ra trước mặt là Hà Nội một rừng cờ hoa, biểu ngữ khẩu hiệu, các kiểu chữ rất cầu kỳ, nhiều nhất là "Hồ Chí Minh muôn năm".

"Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân chỉnh tề diễu qua, những ánh mắt ướt lệ, những cánh tay giơ ra như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại... Tôi vô cùng xúc động. Xe lăn bánh trong nội thành Hà Nội tràn ngập cờ, hoa rực rỡ giữa nắng gió ngày thu. Người Hà Nội mặc đẹp, mang đủ nhạc cụ, vật dụng tạo âm thanh ra đập vang và nhảy múa tưng bừng. Đêm hôm đó, tôi không ngủ được.

Trải qua 70 năm, Hà Nội đã thay đổi nhiều, Thủ đô đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bộ mặt mới trên tất cả các lĩnh vực, trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục lớn nhất của cả nước. Sự thay đổi đó đã mang lại niềm tự hào, hạnh phúc rất lớn đối với chúng tôi” - ông Diệu hồi tưởng.

Trong căn nhà nhỏ ở tổ 29, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, ông Nguyễn Ngọc Ky - một cựu thanh niên xung phong chống thực dân Pháp dẫn chúng tôi trở về quá khứ.

Nhắc đến ký ức ngày tiếp quản Thủ đô, ông Ky xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc trở về Hà Nội trong tư thế người chiến thắng. Ngày 9/10/1954, đơn vị tập kết tại Đông Dương học xá. Sáng 10/10, họ hành quân qua phố Bạch Mai, Ô Cầu Dền, Hàng Bài, bờ Hồ và cuối cùng đến khu Đấu Xảo.

Ông Ky vẫn nhớ rõ, hình ảnh hai bên đường, người dân chào đón bộ đội với cờ hoa, tiếng đàn Accordion và những lời ca rộn rã. Trung đoàn 36 của ông may mắn được hành quân qua các phố chính, nơi tình cảm của người dân Thủ đô khiến những người lính xúc động.

Chiều hôm đó, đơn vị tổ chức lễ chào cờ tại sân vận động Cột cờ Hà Nội. "Lá cờ đỏ sao vàng bay trên đỉnh cột cờ là dấu mốc quan trọng, khẳng định Thủ đô Hà Nội đã hoàn toàn giải phóng" - ông Ky nhớ lại.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng quà thương binh Nguyễn Ngọc Ky nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Mai Hữu
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng quà thương binh Nguyễn Ngọc Ky nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: Mai Hữu

Sau đó, đơn vị ông chia thành nhiều nhóm giúp đỡ Nhân dân, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, tham gia xây dựng và dọn dẹp thành phố. Ông còn kể rằng, sau ngày 10/10, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đơn vị ông tiếp tục tập luyện duyệt binh, chuẩn bị cho lễ diễu binh ngày 1/1/1955 tại quảng trường Ba Đình. Sau đó, đơn vị rút khỏi Thủ đô, nhường lại nhiệm vụ cho các đơn vị khác.

Ông Ky chia sẻ, dù không sinh ra tại Hà Nội, nhưng từ khi về tiếp quản Thủ đô, ông đã quyết định ở lại và dành cả cuộc đời gắn bó với nơi này. Ông chứng kiến quá trình xây dựng lại Hà Nội từ những ngày đầu sau khi giải phóng.

"Tôi đóng quân ở Bạch Mai, lúc đó khu vực này có tuyến đường sắt dành cho xe lửa vận chuyển hàng quân sự qua Trường Chinh vào sân bay Bạch Mai. Khu vực đó không cho phép người dân qua lại, và chúng tôi thường ra Ngã Tư Sở để luyện tập ban đêm. Con đường từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông khi ấy còn bao quanh bởi đồng ruộng, không có nhà cửa hay phố xá. Khu vực Nguyễn Chí Thanh hay gò Đống Đa, từ đường Sơn Tây nhìn sang Bách Khoa đều chỉ là những thửa ruộng. Nhà cửa trong thành phố đa số là nhà một tầng, chỉ lác đác mới có nhà hai tầng. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào lúc đó tấp nập hơn các khu khác", ông Ky kể lại.

Nhắc về Hà Nội thời kháng chiến chống Mỹ, ông Ky nói rằng con đường từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông vẫn còn thưa thớt nhà cửa, hai bên là ruộng. Người dân chủ yếu di chuyển bằng tàu điện và xe đạp, nhưng xe đạp lúc đó rất ít, chỉ những gia đình có điều kiện mới sở hữu. Hà Nội khi ấy chỉ có vài khu tập thể như Cao Xà Lá, Trung Tự, Kim Liên... Nước máy cũng chưa dẫn vào tận nhà.

"Sau 70 năm, Hà Nội đã thay đổi toàn diện. Thủ đô hiện nay phát triển về mọi mặt, trở thành trung tâm của chính trị, văn hóa và giáo dục cả nước" - ông Ky nói.

Các thành viên trong đoàn cùng nhớ lại lịch sự những ngày cách mạng qua bức ảnh kỷ niệm của ông Đảng
Ông Thái Sơn Đâng cùng lãnh đạo quận Hoàng Mai nhớ lại lịch sử những ngày tiếp quản Thủ đô qua bức ảnh kỷ niệm

Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng thương binh Thái Sơn Đâng (ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) còn nhớ như in kỷ niệm ngày tiếp quản Thủ đô.

Chia sẻ với đoàn công tác của quận Hoàng Mai trong không khí những ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô (10/10), ông Đâng chia sẻ: "Tháng 1/1953, tôi nhập ngũ. Trải qua nhiều đơn vị công tác, tôi làm trợ lý quân nhu ở Sư đoàn phục vụ chiến đấu chiến dịch Điện Biên Phủ, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi cùng đồng đội về tiếp quản Thủ đô.

Nhớ những giờ phút tiếp quản Thủ đô hào hùng, rực rỡ cờ hoa, tôi vẫn còn xúc động. Lúc đó, chúng tôi tự hào lắm. Ai cũng rạng rỡ, reo hò. Mặc dù không sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, nhưng sau khi tiếp quản Thủ đô, tôi chọn nơi này để tiếp tục cống hiến cho đất nước.

Trở về thời bình, tôi tiếp tục công tác trong lực lượng quân đội. Nghỉ hưu về địa phương, tôi lại tham gia làm trưởng ban công tác mặt trận, tham gia chi hội cựu chiến binh… Tôi vui mừng khi những người lính như tôi luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, đồng thời thêm tự hào khi Thủ đô nói riêng, đất nước ta nói chung ngày càng phát triển, giàu mạnh".

Hoa Thành
Phiên bản di động