Cửa ô Hà Nội – Chứng nhân lịch sử còn mãi

Người dân Thủ đô vẫn quen nói về Hà Nội với 36 phố phường và 5 cửa ô. Nhưng thực tế Hà Nội từng có bao nhiêu cửa ô? Những cửa ô này chính thức xuất hiện từ thời điểm nào trong lịch sử? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp ở trưng bày “Hà Nội và những cửa ô”.
Trưng bày 170 tài liệu lưu trữ về cửa ô Hà Nội

Sáng 7/10, kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1- Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức Trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề Hà Nội và những cửa ô”, nhằm giới thiệu lịch sử của các cửa ô Hà Nội.

Tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, cách đây 70 năm, ngày 10/10/1954, hình ảnh “Năm cửa ô đón mừng đón mừng đoàn quân tiến về” đã in đậm trong ký ức của bao người dân Thủ đô. Chặng đường vẻ vang của Thăng Long - Hà Nội là quá trình tiếp nối truyền thống của cha ông, tạo nên những dấu ấn lịch sử của Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình qua 70 năm xây dựng và phát triển.

Cửa ô Hà Nội – Chứng nhân lịch sử còn mãi
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn tham dự lễ khai mạc trưng bày

Theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, cửa ô là một nét đặc trưng riêng có của Hà Nội. Đây vốn là các cửa ngõ để ra vào kinh thành Thăng Long xưa, cũng là điểm giới hạn của đô thị tiếp giáp với các vùng phụ cận.

Ngoài vai trò là cửa ngõ kết nối giao thông, các cửa ô Hà Nội là nơi trấn giữ, bảo vệ kinh thành. Vì thế, nơi đây từng ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Hà Nội, đặc biệt các cửa ô còn là nơi chứng kiến đoàn quân chiến thắng, tiến vào giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

Cửa ô Hà Nội – Chứng nhân lịch sử còn mãi
Khách tham quan trưng bày

Trong lịch sử, Hà Nội từng ghi nhận có 21 cửa ô. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đô thị, những cửa ô xưa của đất Kinh kỳ đã biến mất. Trưng bày “Hà Nội và những cửa ô” giới thiệu 200 tài liệu, hình ảnh được lưu trữ tại Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO), Viện Thông tin Khoa học xã hội và đặc biệt là Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ lịch sử thành phố Hà Nội.

Thông qua các nguồn sử liệu, các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, các tài liệu viết bằng ngôn ngữ Hán Nôm và tiếng Pháp, trưng bày tái hiện lịch sử các cửa ô của Hà Nội; cung cấp một góc nhìn trực quan, sinh động nhất về các hoạt động đời sống xã hội xung quanh các cửa ô và sự biến mất của hầu hết các cửa ô vào những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Cửa ô Hà Nội – Chứng nhân lịch sử còn mãi
Ô Quan Chưởng xưa

Bên cạnh đó, trưng bày còn giới thiệu về quá trình tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954) và những bước phát triển của Thủ đô sau ngày đất nước thống nhất đến nay.

Cửa ô Hà Nội – Chứng nhân lịch sử còn mãi
Hình ảnh tại trưng bày

Trưng bày “Hà Nội và những cửa ô” tập trung vào 3 chủ đề:

Cửa ô xưa: Giới thiệu về lịch sử hình thành các cửa ô của Thăng Long - Hà Nội; kiến trúc; vai trò, công năng của các cửa ô Hà Nội; sự biến đổi về tên gọi và số lượng các cửa ô theo từng giai đoạn. Cùng với những tác động của người Pháp trong quá trình quy hoạch Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, các cửa ô Hà Nội đã dần bị phá hủy. Cửa ô Quan Chưởng là chứng tích còn lại duy nhất đến ngày nay, lưu dấu về sự tồn tại và hình dáng của các cửa ô của Thăng Long - Hà Nội xưa.

Cửa ô chiến thắng: Chủ đề kể lại câu chuyện lịch sử về sự kiện các đoàn quân bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô từ các cửa ô xưa tiến về tiếp quản Hà Nội vào tháng 10/1954, đặc biệt là Lễ chào cờ chiến thắng tại sân vận động Cột Cờ ngày 10/10/1954, với sự tham gia của các đơn vị quân đội Nhân dân tham gia tiếp quản thành phố; những tài liệu, hình ảnh về những ngày tiếp quản của quân dân Thủ đô trên các ngành: Nội chính, trước bạ, canh nông, giao thông, bưu điện, thuế…

Cửa ô Hà Nội hôm nay: Cửa ô xưa chứng kiến những bước phát triển, đổi thay của Hà Nội sau 70 năm ngày tiếp quản Thủ đô, là những chứng nhân lịch sử của Thăng Long - Hà Nội qua bao thăng trầm, biến đổi; cũng là nơi ca khúc khải hoàn, hân hoan đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Để từ đó Hà Nội từng bước thay da đổi thịt, ngày càng mở rộng phát triển, với những không gian, quy hoạch xứng tầm, với những con đường, đại lộ, cây cầu mới mọc lên, vươn xa. Thủ đô Hà Nội hôm nay cùng đất nước vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Chủ đề làm nổi bật sự thay đổi diện mạo của Hà Nội sau những thay đổi địa giới hành chính; Những định hướng Quy hoạch Thủ đô của Đảng và Nhà nước đã giúp Hà Nội phát triển vững trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa; được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999); là thành viên của mạng lưới Thành phố sáng tạo (30/10/2019).

Cửa ô Hà Nội – Chứng nhân lịch sử còn mãi

Trưng bày kéo dài đến hết ngày 30/10.

Thái Sơn
Phiên bản di động