Thoả sức trải nghiệm miền di sản Sơn Tây - xứ Đoài

Sự giao thoa giữa trầm tích văn hoá xứ Đoài và những chấm phá, sáng tạo trong hoạt động du lịch khiến "Miền di sản Sơn Tây - xứ Đoài" trở thành điểm đến yêu thích đối với du khách. Bước sang năm 2024 với sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng hơn, du lịch Sơn Tây hứa hẹn sẽ mang tới những trải nghiệm đa dạng, độc đáo.
Diện mạo tươi sáng tại xã kiểu mẫu đầu tiên của Sơn Tây Sức sáng tạo làm giàu thêm văn hoá Sơn Tây

Văn hoá là động lực phát triển

Những năm vừa qua, thị xã Sơn Tây (Hà Nôi) càng ngày càng trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Sơn Tây đã trở thành điểm hẹn yêu thích của những người đam mê khám phá cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cùng với trải nghiệm các giá trị sâu lắng về mặt văn hoá, lich sử.

Thoả sức trải nghiệm Miền di sản Sơn Tây - xứ Đoài
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Đoàn công tác của Thường trực Thành ủy Hà Nội, mới đây đã đi khảo sát công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm và khu di tích Đền Và trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Về mặt thắng cảnh, thị xã Sơn Tây sở hữu một số cảnh quan thiên nhiên nổi bật, thu hút lượng lớn du khách khi đến với Sơn Tây có thể kể đến như: Hồ Đồng Mô (xã Sơn Đông), hồ Xuân Khanh (xã Xuân Sơn, phường Xuân Khanh), chùa Khai Nguyên, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Khu nghỉ dưỡng Glory Resort, Vườn Trăng (Moon Garden), điểm đến du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn, Quảng Tây resort, Thảo Viên resort (phường Trung Sơn Trầm), Làng Mít, Đồng Mô Camping (xã Cổ Đông), Asean resort..

Đáng chú ý, thị xã Sơn Tây có nhiều di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh phong phú và đa dạng, tiềm năng cho phát triển du lịch của thị xã. Các di tích lịch sử nổi tiếng của thị xã Sơn Tây là thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, Đền Và, chùa Mía, Đình Phùng Hưng, Đền và Lăng Ngô Quyền….

Ngoài ra, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 244 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê của Thành phố năm 2016, trong đó có 80 di tích được Nhà nước xếp hạng (19 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp thành phố), 65 lễ hội truyền thống, 1 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, 99 đạo sắc phong đã được UBND Thành phố công nhận là thư tịch quý. Có 78 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó có 65 lễ hội, 6 nghề thủ công, 5 tập quán xã hội và 2 trình diễn; Trong các di sản văn hóa phi vật thể có 1 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, 8 di sản được ưu tiên bảo vệ).

Thoả sức trải nghiệm Miền di sản Sơn Tây - xứ Đoài
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm quan không gian sáng tạo "Sơn Tây, miền di sản"

Hơn nữa, thị xã Sơn Tây còn nằm trong vùng cội nguồn văn hoá xứ Đoài, là vùng giao thoa giữa các nền văn hóa: Hòa Bình, văn Hóa Thăng Long - Hà Nội; với những tiềm năng trên thị xã Sơn Tây có thể liên kết các tour du lịch liên vùng với các danh thắng của các vùng khác như Suối Hai, Ao Vua... (Ba Vì), đền Hai Bà (Phúc Thọ), chùa Tây Phương (Thạch Thất), chùa Đậu (Thường Tín), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), chùa Thầy (Quốc Oai) hay khu suối nước nóng Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ)...

Trong định hướng phát triển, Sơn Tây sẽ trở thành trung tâm phát triển kinh tế du lịch vùng xứ Đoài. Triển khai Chương trình 06 và thực hiện Nghị quyết 09, thành phố Hà Nội cũng đang dành nguồn lực để thị xã khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Thường trực Thành ủy khảo sát thực tế công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm và khu di tích Đền Và. Đây là cơ sở rất quan trọng để lãnh đạo thành phố xem xét, chỉ đạo trước hết là công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng các cơ chế nhằm đạt được 3 mục tiêu: vừa bảo tồn, gìn giữ những giá trị vô giá của di tích; vừa phát huy tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời nâng cao điều kiện sống, bảo đảm sinh kế, gia tăng thu nhập cho người dân.

Sức hút "khó cưỡng" đối với du khách

Năm 2023, thị xã Sơn Tây đã triển khai hàng loạt hoạt động nhằm thu hút du khách đến với vùng đất đẹp đẽ này.

Trong đó, thị xã tổ chức thành công "Tết xứ Đoài" tại di tích Làng cổ ở Đường Lâm, tổ chức thành công các hoạt động kích cầu du lịch như: Lễ hội Chùa Ón, chào mừng lễ kỉ niệm 30/4 và 1/5 cũng như các hoạt động hưởng ứng chào mừng Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài tại di tích làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây và Văn Miếu Đường Lâm.

Ngoài ra, Sơn Tây tích cực tham gia các lễ hội, triển lãm về kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh và giá trị của di tích Làng cổ ở Đường Lâm và các di tích khác trên địa bàn Thị xã, thu hút đông đảo sự quan tâm của các công ty lữ hành trong và ngoài nước cũng như du khách của địa phương như: Lễ hội Du Lịch, Lễ Hội Ẩm Thực, Lễ hội quà tặng du lịch … do UBND TP Hà Nội tổ chức nhằm kích cầu các hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố.

Thoả sức trải nghiệm Miền di sản Sơn Tây - xứ Đoài
Thành cổ Sơn Tây là điểm nhấn quan trọng về văn hóa, du lịch, quân sự phía Tây Thủ đô

Trong đó đã giới thiệu không gian và những nét văn hóa đặc trưng của Làng cổ Đường Lâm đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó quảng bá, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khảo sát, kết nối với các điểm đến du lịch trên địa bàn, làm cơ sở xây dựng tour, tuyến, chương trình du lịch phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của du khách.

Đặc biệt, năm 2023, thị xã Sơn Tây lựa chọn phát triển các mô hình điểm về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cảnh quan nông nghiệp, du lịch ẩm thực, văn hóa lễ hội làng quê, mô hình homestay tại các làng nghề nông nghiệp về trồng trọt sạch an toàn, hữu cơ từ đó có kế hoạch giúp đỡ các tổ chức và các hộ dân phát triển các sản phẩm du lịch.

Thoả sức trải nghiệm Miền di sản Sơn Tây - xứ Đoài
Hàng vạn du khách tham gia lễ hội Trung thu Thành cổ - thị xã Sơn Tây

Kết quả đến nay trên địa bàn Làng cổ ở Đường Lâm đã có một số mô hình điểm ứng dụng theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục - du lịch học đường, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực... như mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp của Câu lạc bộ phụ nữ bảo tồn Làng cổ, mô hình trải nghiệm nghề làm kẹo, làm bánh truyền thống của hộ gia đình Hiền Bao; mô hình dạy nấu ăn các món truyền thống của nhà hàng Bếp Làng; không gian sáng tạo trải nghiệm Đoài Criative của hộ anh Khuất Văn Thắng; không gian sáng tạo truyền nghề sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát; Mô hình trải nghiệm trồng trọt nông nghiệp của Hợp tác xã du lịch Đường Lâm; Mô hình tham quan sản phẩm gà Mía của Hợp tác xã Đoài Phương; sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, sản phẩm OCOP ở thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn…các mô hình này hiện đang thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của du khách đến Sơn Tây.

Kết quả, trong năm 2023, khách du lịch đến thị xã Sơn Tây ước đạt 1.175.000 lượt khách. Trong đó có 470.000 lượt khách đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; 450.000 lượt khách tham quan tại các di tích Làng cổ ở Đường Lâm, Văn Miếu Đường Lâm, Thành cổ, phố đi bộ Sơn Tây). Bên cạnh đó, thị xã đón 22.400 lượt khách nước ngoài đến địa bàn.

Tối nay, 31/12, tại sân khấu chính - Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, thị xã tổ chức chương trình chào năm mới 2024, và phát động năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài 2024.

Chương trình sẽ có sự xuất hiện của ca sỹ Tuấn Hưng, ca sỹ Trần Vân Anh (Giải nhất tiếng hát truyền hình Hà Nội 2023). Đặc biệt cuối chương trình, Ban Tổ chức sẽ có màn bắn pháo bông (3 - 5 phút) trên nóc tòa nhà Trung tâm Văn hóa Thể thao Sơn Tây đón chào năm mới 2024

Vũ Cường
Phiên bản di động