Thiếu than sản xuất điện, Việt Nam tính mua thêm than từ Australia

Trong bối cảnh thiếu than cho sản xuất điện, Việt Nam dự kiến nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn than mỗi năm từ Australia.
Khơi thông các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Thông tin này được Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu tại cuộc làm việc với Đại sứ Australia tại Việt Nam bà Robyn Mudie, chiều 1/4.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tìm thêm nguồn nhập khẩu, đảm bảo đủ than cho sản xuất điện trong nước.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện nay nhu cầu tiêu thụ than trên thế giới đang tăng nhanh trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Nhu cầu tăng nhanh, đứt gãy chuỗi vận tải xảy ra cục bộ ở nhiều nơi đã gây ra nhiều khó khăn đối với hoạt động cung ứng than cho sản xuất điện ở nhiều nước trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công thương đánh giá cao năng lực khai thác và xuất khẩu than đá của Australia (lên tới hơn 200 triệu tấn than/năm với giá trị xuất khẩu khoảng gần 40 tỷ USD/năm).

Thiếu than sản xuất điện, Việt Nam tính mua thêm than từ Australia
Kho than tại Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1. (Ảnh: EVN)

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Đại sứ Australia hỗ trợ kết nối các nhà cung cấp của Úc với các Tổng Công ty nhà nước của Việt Nam như Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để cung ứng mỗi năm khoảng 5 triệu tấn than cho sản xuất điện ở Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị Đại sứ Australia hỗ trợ thúc đẩy để tổ chức ngay cuộc họp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên để sớm thống nhất các hợp đồng mua bán than, đưa các chuyến hàng than đá từ Australia về Việt Nam ngay trong tháng 4 này.

Bên cạnh việc cung cấp khối lượng than ổn định, chất lượng tốt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng lưu ý và đề nghị phía Australia xem xét, cung ứng than cho Việt Nam với giá hợp lý để có giá thành sản xuất điện ở mức phù hợp, đảm bảo mục tiêu đủ điện cho sản xuất và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội của Việt Nam.

Trước đề nghị của lãnh đạo Bộ Công thương Việt Nam, Đại sứ Robyn Mudie khẳng định phía Australia có đủ năng lực sản xuất, khai thác, chế biến, công nghệ, cơ sở hạ tầng để cung cấp than cho Việt Nam.

Đại sứ Australia cho biết sẽ ngay lập tức chuyển yêu cầu của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về nước và tổ chức ngay cuộc họp giữa cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cung cấp, nhập khẩu than của hai nước như phía Việt Nam đề nghị.

Trước đó, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do tình hình cung cấp than cho sản xuất điện của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc chưa đủ theo hợp đồng mua bán than đã ký, nên dự báo có thể thiếu hụt khoảng 3.000MW nhiệt điện than trong năm 2022.

Trong quý I/2022, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký (tương ứng tỷ lệ 76,76%).

Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát.

Trong bối cảnh đó, đại diện các tập đoàn đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công thương về việc có thể huy động bổ sung khoảng 3.700MW để bù đắp vào sản lượng nhiệt điện than thiếu hụt. Trong đó, dự kiến huy động nguồn năng lượng tái tạo khoảng 1.000MW, nguồn thủy điện khoảng 300MW, nguồn điện khí khoảng 1.200MW, nguồn nhiệt điện than khoảng 1.200MW.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động