Thiết kế chính sách việc làm cho người nghỉ việc khi tinh gọn bộ máy

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm đến việc thiết kế các cơ chế, chính sách việc làm như hỗ trợ đào tạo lại nghề, ưu tiên tuyển dụng tại các doanh nghiệp hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công mà không phải trả lương từ ngân sách Nhà nước để hỗ trợ những người nghỉ việc khi tinh gọn bộ máy...
Huyện Mê Linh tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy Cấm chuyển giao, hủy trái phép tài liệu khi sắp xếp bộ máy Các tỉnh sau sáp nhập tổ chức Đại hội Đảng bộ trước 31/10

Chiều 25/3, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8. Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 có 8 Chương với 61 điều (giảm 1 Chương, 33 điều so với dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8).

Thiết kế chính sách việc làm cho người nghỉ việc khi tinh gọn bộ máy
Phó Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ quan tâm đến hai nội dung là phát triển kỹ năng nghề trong kỷ nguyên số và quyền có việc làm cho những người sau sắp xếp khi tinh gọn tổ chức bộ máy.

Theo Phó Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, dự thảo luật lần này chưa có nhiều thông số, cũng như chưa tiếp cận vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay.

“Trước đây chúng ta mới đề cập đến khoảng hơn 100.000 người bị ảnh hưởng khi sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy ở cấp Trung ương. Bây giờ chúng ta lại tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy với cấp tỉnh, xã và bỏ cấp huyện thì con số ảnh hưởng có thể là 100 nhân với 2 hoặc nhân với n. Chúng tôi cũng chưa thấy thông báo số người ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy này”, bà Thanh nói.

Lãnh đạo Quốc hội cho rằng, cán bộ, công viên chức nghỉ do sắp xếp hiện không chỉ 2-3 năm mà có thể lên đến 10 năm. Bộ Nội vụ cần thống kê cụ thể trong số này nhóm nghỉ trước 2 năm, 5 năm, 10 năm là bao nhiêu. Mức độ đào tạo và trình độ chuyên môn của những người này ra sao để có biện pháp giải quyết phù hợp.

Bà Thanh đề nghị trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) lần này lưu ý sâu hơn vấn đề xây dựng mô hình việc làm linh hoạt và các cơ chế, chính sách cho những người bị ảnh hưởng sau sắp xếp, tinh gọn, phải rời khu vực công sang khu vực tư.

Theo bà Thanh, những người nghỉ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tới đây không phải là những người cao tuổi mà là những người đang vào độ tuổi chín về kinh nghiệm. Do vậy, bà đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục quan tâm đến việc thiết kế các cơ chế, chính sách như hỗ trợ đào tạo lại nghề, ưu tiên tuyển dụng tại các doanh nghiệp hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công mà không phải trả lương từ ngân sách Nhà nước…

Ngày 18/3, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo chỉ đạo chung của Chính phủ, 63 tỉnh và thành phố đã giảm 343 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp tỉnh, đạt tỷ lệ 29%, cùng với 1.454 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (giảm 17,5%).

Cùng với đó, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng như chính quyền địa phương đã giảm rất rõ rệt.

Trong thời gian tới tiếp tục tập trung triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, khẩn trương, hiệu quả.

Theo bà Trà, hiện cả nước có 63 tỉnh, thành, dự kiến sau sắp xếp sẽ giảm khoảng 50% đơn vị hành chính cấp tỉnh; 10.035 đơn vị hành chính cấp xã, tới đây sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 xã, mỗi xã “gần như là một huyện nhỏ”. Ngoài ra, cả nước hiện có 696 đơn vị hành chính cấp huyện, sẽ không còn sau khi Hiến pháp sửa đổi được thông qua.

"Dự kiến, chúng ta sẽ hoàn thành toàn bộ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 30/6 để đến ngày 1/7, các đơn vị hành chính cấp xã được vận hành theo tổ chức mới.

Chúng ta cũng sẽ tập trung hoàn thiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoàn thành trước ngày 30/8 để có thể thực hiện được ngay việc vận hành đơn vị hành chính cấp tỉnh bắt đầu từ ngày 1/9", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin.

Hậu Lộc

Bình luận

Phiên bản di động