Thi trên máy tính không cho phép “thử và sai”

Năm 2021, Bộ GD-ĐT bắt đầu chuẩn bị các điều kiện cho phương thức thi THPT trên máy tính cùng với thi trên giấy.
Thi THPT bằng máy tính liệu có khả thi? Cần chuẩn bị gì để thi THPT quốc gia trên máy tính?

Theo ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), kỳ thi THPT được tổ chức theo xu hướng càng ngày càng gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém, nhưng kết quả vẫn bảo đảm độ tin cậy.

Trao đổi với PV, ông Mai Văn Trinh cho biết, cùng với thi trên giấy phương thức thi trên máy tính cũng bắt đầu được chuẩn bị. Trong giai đoạn 2021-2025, phương thức và tổ chức thi sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2020 và tập trung vào 2 vế là tích cực và tăng cường hơn nữa việc xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi phong phú, chuẩn hóa hơn; và hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổ chức thi trên máy tính. Cùng với duy trì thi trên giấy, Bộ đang từng bước tính toán để tổ chức thi trên máy tính.

Ông Mai Văn Trinh Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

PV: Xin ông đánh giá về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, cụ thể là chất lượng của kỳ thi để các trường đại học tiến hành tuyển sinh?

Ông Mai Văn Trinh: Qua 6 năm đổi mới, kỳ thi 2020 dù diễn ra trong điều kiện dịch COVID-19, với nhiều khó khăn thách thức, nhưng vẫn tổng kết lại là một kỳ thi thành công theo đánh giá nhiều phía từ học sinh, gia đình học sinh và rộng hơn là người dân và toàn xã hội cũng như các trường đại học. Với kết quả này, công tác tuyển sinh của các trường đại học cũng đang được tiến hành và rất thuận lợi. Kỳ thi 2020 có thể gọi là sự thành công tổng hợp của cả một giai đoạn điều chỉnh, đổi mới kỳ thi theo Nghị quyết 29.

Trong giai đoạn tới sau 2020, chúng ta tiếp tục thực hiện chương trình phổ thông hiện hành. Theo lộ trình, năm học 2025-2026 mới có lứa học sinh lớp 12 đầu tiên thi theo chương trình phổ thông mới. Kết quả kỳ thi 2020 đã đạt được các mục tiêu chính sau, thứ nhất, là kết quả có độ tin cậy để tiến hành xét tốt nghiệp THPT. Phân tích kỹ sẽ thấy, tỷ lệ tốt nghiệp THPT phản ánh rất trung thực trực trạng, chất lượng dạy học của các địa phương, vùng miền. Thứ 2, đây là năm đầu tiên thực hiện đối sánh giữa kết quả thi tốt nghiệp THPT với kết quả học bạ. Hai kết quả so sánh này gửi thông điệp mạnh đến các địa phương, theo đó việc nhận diện đúng chất lượng giáo dục, quản lý giáo dục sẽ có tác động với các địa phương thể hiện ngay ở năm học tới đây trong việc điều chỉnh đánh giá trong nhà trường theo hướng khách quan hơn. Thứ 3 là việc hỗ trợ công tác tuyển sinh cho các trường đại học.

PV: Sau khi kỳ thi THPT 2020 được giao về cho các địa phương tự chủ, giai đoạn tiếp theo từ 2021-2025 phương thức thi sẽ được triển khai như thế nào?

Ông Mai Văn Trinh: Dựa trên thành công này, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì kỳ thi trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, về cơ bản giữ ổn định năm 2020 về phương thức thi, về tổ chức bài thi, chấm thi… Từ năm 2020, các địa phương được định vị rõ và nâng cao vai trò chủ trì, triển khai kỳ thi. Đặc biệt, kỳ thi năm 2021 sẽ giữ nguyên và giữ ổn định như năm 2020. Thông điệp này sẽ được gửi đi mạnh mẽ, rõ ràng để học sinh, nhà trường và xã hội yên tâm với giáo dục và học tập.

Trong giai đoạn 2021-2025, phương thức và tổ chức thi sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2020 và tập trung vào 2 vế là tích cực và tăng cường hơn nữa việc xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi phong phú, chuẩn hóa hơn; và hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tổ chức thi trên máy tính. Cùng với duy trì thi trên giấy, Bộ đang từng bước tính toán để tổ chức thi trên máy tính. Điều này phù hợp với xu hướng chung của phát triển của công nghệ và kế thừa kinh nghiệm quốc tế nhưng cách làm và triển khai phải có lộ trình.

Để tổ chức thi trên máy tính, điều đầu tiên phải có là quy chế thi trên máy tính và phải có hệ thống cơ sở vật chất, bao gồm máy tính, đường mạng, các thiết bị giám sát, thiết bị an ninh và phần mềm điều hành thi. Đội ngũ cán bộ coi thi cũng được đào tạo để vận hành hệ thống. Thứ 4 là chuẩn bị cho học sinh tâm lý sẵn sàng, cụ thể là kỹ năng sử dụng máy tính, sử dụng các phần mềm trong kỳ thi.

Đặc biệt, sẽ phải có bước thử nghiệm và mở rộng dần hình thức thi trên máy tính. Để đảm bảo tổ chức thi trên giấy và thi trên máy tính vẫn có tính trung thực, đảm bảo độ tương đồng và công bằng cho quyền lợi của học sinh. Quan trọng nhất không gây shock với học sinh và giáo viên.

Chuẩn bị phương án thi trên máy tính cùng với thi trên giấy.

PV: Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về phương thức thi trên máy tính và những chuẩn bị đang được triển khai cho phương thức thi này?

Ông Mai Văn Trinh: Việc tổ chức thi trên giấy và trên máy tính không để xảy ra bất bình đẳng giữa học sinh các vùng miền khác nhau. Mô hình thi như năm 2020 đã đặc biệt chú trọng điều này để tạo tâm lý cho học sinh “đi thi như đi học”, khi học sinh đi thi ngay tại trường học của mình. Đây là điều rất có ý nghĩa, trong đó với các học sinh ở vùng khó đã được tạo điều kiện đi thi, tạo thuận lợi và tâm lý thoải mái.

Chúng ta kế thừa thành công của kỳ thi năm 2020 để duy trì, ổn định phương thức này cho giai đoạn tiếp theo, nhất là giai đoạn vẫn đang tiếp tục triển khai sách giáo khoa hiện hành. Đồng thời, điều chỉnh về mặt kỹ thuật chưa thật hoàn thiện để kỳ thi diễn ra tốt hơn.

Năm 2021, chúng ta tập trung duy trì phương thức thi trên giấy tốt và chuẩn bị những điều kiện để sẵn sàng đưa vào thử nghiệm thi trên máy tính, như xây dựng các trung tâm khảo thí với các hệ thống máy móc thiết bị và phần mềm, đồng thời tập huấn giáo viên và làm quen cho học sinh với phương thức thi trên máy tính… Chúng ta đã xác định được hướng đi đúng thì sẽ quyết tâm làm, nhưng làm phải chắc chắn, không cho phép “thử và sai”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: VOV
vov.vn
Phiên bản di động