Thế hệ trẻ ngày càng "mất kết nối" với gia đình
Điểm tựa gia đình đối với thế hệ trẻ |
Không muốn đóng vai "con ngoan"
Rời nhà lên Hà Nội học đại học từ năm 2020, Lâm Oanh (23 tuổi, quê Điện Biên) như "một chú chim sổ lồng" và ngắt liên lạc với gia đình. Dịp lễ Tết, Khánh Huyền cũng ở lại Thủ đô thay vì về quê cùng cha mẹ.
Ít ai biết Lâm Oanh lúc còn nhỏ là "đứa con ngoan" của cha mẹ, luôn sẵn lòng phụ giúp việc nhà và không dám làm gì phật ý người lớn. Bởi lẽ, nếu không nghe lời, điều chờ đợi cô sẽ là những trận đòn thật đau từ họ.
"Mình là con gái lớn trong gia đình. Do vậy cha mẹ kỳ vọng và giáo dục mình rất nghiêm khắc bằng đòn roi. Trước khi lên đại học, mình còn không dám nghĩ đến việc cắt tóc ngắn hay nhuộm tóc vì đơn giản là mẹ mình không thích", Lâm Oanh tâm sự.
Chia sẻ tiếp về câu chuyện của mình, Lâm Oanh kể: "Vì lối giáo dục "thương cho roi cho vọt" mà mình hình thành thói quen nói dối mỗi khi làm gì trái ý cha mẹ. Lớn lên, dù không bị đòn nữa, mình cũng không dám thể hiện chủ kiến và thường vô thức "đứng sau" người khác".
Vấn đề của Lâm Oanh với cha mẹ là một vấn đề mà nhiều người trong xã hội cũng mắc phải. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái sơ sinh, chưa thành niên là mối quan hệ tuyệt đối mạnh so với tuyệt đối yếu. Do vậy, cha mẹ dễ bị cám dỗ trong việc áp đặt con cái làm theo ý mình.
Ngược lại, con cái cũng là con người mà con người thì ai cũng có ý chí độc lập, sẽ đến lúc họ không muốn làm theo ý của cha mẹ nữa. Từ đây mà sự rạn nứt trong các mối quan hệ gia đình xảy ra.
![]() |
Nhiều người trẻ ngày càng "mất kết nối" với gia đình |
Với cô gái 23 tuổi, từ khi "ngắt kết nối" với cha mẹ, cô thấy "nhẹ nhõm hơn". Dù vậy, khi không còn các cuộc gọi "đầy áp lực" và những lời trách móc thường xuyên, Lâm Oanh vẫn cảm thấy không hạnh phúc.
"Trong thời gian cắt liên lạc với gia đình, mình đi chơi rất nhiều, ăn nhậu nữa. Tuy vậy, mình vẫn không thấy vui. Thời gian sau mình còn thấy bản thân bị vô cảm và quên đi cách thể hiện cảm xúc. Mình thấy mình khó kết nối trong mọi mối quan hệ", Oanh nói.
Sau đó, cô bắt đầu tìm hiểu bản thân bằng nhiều công cụ khác nhau, từ sinh trắc vân tay cho đến trắc nghiệm tính cách MBTI (phương pháp sử dụng hàng loạt các câu hỏi trắc nghiệm để phân tích tính cách con người). Thậm chí, có lần Lâm Oanh còn đi xem tarot để "lắng nghe thông điệp vũ trụ". Cộng thêm các kiến thức từ sách vở, cô gái trẻ dần hiểu bản thân hơn và cũng thấu hiểu sự khác biệt giữa cô và cha mẹ.
"Mình dần chấp nhận rằng cha mẹ cũng yêu thương mình. Mâu thuẫn ở đây bắt nguồn từ khác biệt thế hệ, cha mẹ lớn lên trong điều kiện quá khác so với mình nên không thể hiểu mình hoàn toàn. Từ đó, mình tập thấu hiểu cho cha mẹ và chia sẻ với họ nhiều hơn. Gần đây mình còn nói 'yêu mẹ' nữa, mẹ mình trợn cả mắt lên khi nghe mình nói thế", Lâm Oanh chia sẻ.
Cần sự yêu thương đúng cách
Tương tự như Lâm Oanh, Hải Bình (27 tuổi, giảng viên đại học) cho biết bản thân cũng từng bị "đóng khung" vào hình mẫu lý tưởng mà bố mẹ anh dựng lên.
"Cha mẹ mình là giáo viên nên rất biết cách định hướng cho con. Nhưng cũng vì vậy mà họ lại vô tình đóng khung mình vào một hình mẫu lý tưởng như họ muốn. Khi còn nhỏ, mình thường nhìn vào mắt mẹ để biết mình đang làm đúng hay sai. Do đó khi không có mẹ, mình thường hoang mang, không biết nên làm gì", Hải Bình kể lại.
Dù vậy, sâu bên trong Hải Bình vẫn tồn tại một con người khác, nổi loạn hơn và đầy khao khát thể hiện bản thân. Năm lớp 11, Bình nói với mẹ: "Con không muốn đóng vai đứa con ngoan nữa".
Từ đây, Bình bắt đầu "trượt dài". "Sau ngày đó, mình từ học sinh đứng nhất, nhì lớp trở thành một học sinh cá biệt. Mình còn cắt tóc, trốn học đi chơi điện tử, đánh nhau để thể hiện bản thân với cha mẹ", Hải Bình kể.
Dù vậy, thâm tâmHải Bình vẫn muốn làm cha mẹ vui lòng. Đến giữa năm lớp 12, Bình bắt đầu tập trung học tập để đậu đại học và "không làm mất mặt cha mẹ". Sau đó, Bình lựa chọn đi du học tại Anh để tự tách ra khỏi gia đình.
Trở về Việt Nam sau 8 năm xa nhà và hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Anh, Hải Bình cho biết bản thân vẫn "chưa thực sự thoát khỏi sự kìm kẹp của cha mẹ".
"Lúc về nước, mình đã đi làm rồi nhưng đi đâu cũng phải xin phép và không dám thể hiện ý kiến với cha mẹ", Hải Bình nói.
![]() |
Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn khi người trẻ chủ động phát tín hiệu và cha mẹ tự tháo gỡ những gò bó trong quan niệm của chính mình trong khi xử lý các vấn đề |
Nhận ra vấn đề của bản thân, Hải Bình bắt đầu hành trình tìm hiểu bản thân và thay đổi tư duy. Nam giảng viên đại học chọn thay đổi mình rồi đối thoại với cha mẹ để đôi bên cùng thấu hiểu nhau. Bởi theo anh, khi mối liên hệ giữa mình và cha mẹ không tốt thì rất khó kết nối với xã hội.
Phân tích về vấn đề "mất kết nối" của người trẻ và gia đình, chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên (Trung tâm tư vấn và trị liệu các vấn đề tâm lý Mindcare) so sánh sự ưu tiên ở hai nền văn minh Đông và Tây.
Ở phương Tây, họ ưu tiên sự độc lập, tự do cá nhân. Còn ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, người ta ưu tiên sự gắn bó với gia đình và cộng đồng. Đây vừa là sự yêu thương vừa là sợi dây ràng buộc con cái với gia đình. Dẫn đến việc con đã lớn mà "cuống rốn chưa lìa". Cha mẹ phương Đông luôn muốn chăm sóc, giám sát dù con đã lớn.
Ở trường hợp của Lâm Oanh và Hải Bình, chuyên gia Phạm Thảo Nguyên cho rằng cả hai bạn trẻ rất may mắn khi chọn con đường đúng là trở về kết nối với cha mẹ.
Hướng tiếp cận tìm hiểu kiến thức cơ bản rồi tự soi lại mình là cách tốt nhất để thế hệ trẻ tự chữa lành những mối quan hệ của mình; từ đó tìm hiểu cha mẹ, chia sẻ kiến thức, góc nhìn với họ để họ có thời gian tự thay đổi bản thân. Nói một cách đơn giản là bạn đã phát tín hiệu yêu thương cho cha mẹ và cho họ biết bạn đang chờ đợi sự yêu thương từ họ.
"Các bạn trẻ với vai trò là người được tiếp cận với kiến thức hiện đại, phát triển và học tập trong điều kiện tốt hơn cha mẹ cần có trách nhiệm hơn trong việc tìm ra vấn đề thay vì trách móc thế hệ đi trước và mong họ sẽ sống đúng ý mình.
Một điều đặc biệt quan trọng là sự cởi mở của cha mẹ với con cái. Nếu các bậc cha mẹ không có các khung định hướng quá nghiêm khắc, những thước đo đánh giá ngặt nghèo thì việc kết bạn với con không hề khó khăn. Các con sẵn sàng bao dung với mọi vấn đề của cha mẹ nếu như cảm nhận được thành ý và tình yêu từ cha mẹ mình và không chịu những áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn.
Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn khi người trẻ chủ động phát tín hiệu và cha mẹ tự tháo gỡ những gò bó trong quan niệm của chính mình trong khi xử lý các vấn đề. Khi đó, gia đình sẽ thực sự trở thành cái nôi hạnh phúc và quan trọng nhất đối với một con người", chuyên gia tâm lý Phạm Thảo Nguyên nhấn mạnh.