Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên
Làm chủ công nghệ - Bứt phá thành công Vĩnh Phúc: Ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp học sinh, sinh viên CAM Startup 2023 "Bí kíp" xây dựng thương hiệu cá nhân cho người trẻ |
Thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Đề án), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Kế hoạch triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" của ngành Giáo dục năm 2023.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường kết nối, thay đổi phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV trong các cơ sở giáo dục. Thúc đẩy tạo môi trường hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu hình thành các dự án khởi nghiệp thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế, ưu tiên việc nghiên cứu, thực hành trải nghiệm trong các môi trường doanh nghiệp.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, tiếp tục hình thành các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức xây dựng cơ chế thí điểm phân bổ tỷ lệ sở hữu của nhà trường, giảng viên, người học và các đối tác đối với các tài sản, doanh nghiệp được hình thành từ kết quả nghiên cứu, các tài sản trí tuệ và cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo.
Theo Đề án này, sinh viên sẽ được hỗ trợ khởi nghiệp |
Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, kế hoạch yêu cầu trước hết tập trung vào công tác truyền thông. Theo đó, tiếp tục xây dựng nội dung, cập nhật thông tin, trên Fanpage của Chương trình: https://www.facebook.com/khoinghiepquocgiaHSSV và cổng khởi nghiệp: http://dean1665.vn.
Xây dựng các clip định hướng nội dung, hình thức triển khai công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp để các cơ sở giáo dục, đào tạo tuyên truyền cho HSSV. Truyền thông về Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ VI.
Đối với công tác hỗ trợ đào tạo, ngành Giáo dục củng cố, phát triển mạng lưới cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo, mạng lưới cán bộ tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông; hướng dẫn, giao nhiệm vụ phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ trong công tác tư vấn, phát triển các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại các địa phương.
Tổ chức đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo tập trung vào phương pháp giảng dạy và kỹ năng làm việc với sinh viên nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên.
Đối với việc tạo môi trường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp: Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ sở đào tạo hoàn thiện mô hình trung tâm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp tại 3 khu vực, tạo không gian dùng chung cho HSSV tại các cơ sở đào tạo. Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ không gian làm việc cho các nhóm HSSV đã có ý tưởng, dự án khởi nghiệp để vận hành các mô hình kinh doanh, sản xuất thử các sản phẩm mẫu. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ một số địa phương thí điểm xây dựng các Trung tâm giáo dục khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo hình thành hệ sinh thái hỗ trợ giáo dục khởi nghiệp.
Bộ GD&ĐT yêu cầu Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ liên quan, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đồng hành cùng với Đề án 1665 tổ chức hoạt động triển khai Kế hoạch này.
Các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng sư phạm chủ động phối hợp với các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai các nội dung của Kế hoạch.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong kinh phí triển khai thực hiện Đề án được cấp hằng năm; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; kinh phí sự nghiệp giáo dục, đào tạo; kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ; kinh phí sự nghiệp kinh tế; kinh phí xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.