Thanh niên dân tộc Nùng “tỏa sáng” nhờ Na núi đá

Những lần ngồi với cán bộ văn phòng Tỉnh ủy huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), các anh chị khoe mãi về gương một thanh niên đoàn thôn Làng Đồn, người dân tộc Nùng gắn bó và đang nỗ lực thoát nghèo trên mảnh đất Chi Lăng anh hùng. Đó là anh Phùng Văn Sô, sinh năm 1984.    
Sửng sốt "Na Nữ Hoàng" 1kg 1 quả Giữ vững thương hiệu Na Chi Lăng - Lạng Sơn Lãnh đạo thành phố gặp mặt 352 gương thanh niên tiên tiến, tiêu biểu làm theo lời Bác

Lần này về Chi Lăng, tôi hẹn gặp Sô - chàng trai thân hình vạm vỡ, màu da nhuốm nắng và ánh nhìn thân thiện đang chờ sẵn ở dưới chân núi đá – nơi anh Sô sẽ dẫn chúng tôi lên thăm vườn Na trĩu quả.

Chỉ tay lên phía núi xa, anh Sô đùa: Ở Chi Lăng có Na núi đất và Na núi đá. Vì Na núi đá được trồng trên những ngọn núi thẳng tắp của vùng này rất phù hợp nên có vị thơm, ngọt đặc biệt hơn hẳn. Na nhà tôi trồng trên những ngọn núi kia, nhà báo có trèo được không? – Mình cũng là thanh niên, bạn trèo được, mình trèo được! – Tôi “liều” đáp.

thanh nien dan toc nung toa sang nho na nui da

Nói là làm, 6 năm trở lại đây, anh Sô chịu khó học hỏi các kiến thức trồng cây ăn quả trên tivi, của những người có kinh nghiệm, đồng thời tham gia các lớp dạy nghề trồng Na cho thanh niên, nông dân do xã phối hợp tổ chức…Thấy tôi ngạc nhiên, Sô giãi bày: Trước kia Na không được “đẹp” như vậy đâu mà rất lâu ra quả, quả bé, thu hái mất nhiều thời gian, hiệu quả kinh tế thấp, chăm sóc khó vì Na trồng ở trên cao. Nhưng đây là cây trồng xóa đói giảm nghèo ở địa phương, lại nghĩ mình vẫn còn trẻ tuổi nên tôi quyết học hỏi kinh nghiệm, áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật để “chữa bệnh” cho Na.Nói rồi anh Sô cười lớn, dẫn chúng tôi chui qua những tán Na xòe kín mặt đất để lên tới sườn núi, nơi Sô “động viên” chúng tôi dừng ở đây là cảm nhận được vị Na núi đá rồi. Nhìn thấy những quả Na núi đá tươi rói, xanh nhạt lủng liểng ngay trước mắt, dường như mọi mệt nhọc của chúng tôi trong quãng leo núi đã tan biến.

Bằng những kiến thức đã học và trải nghiệm thực tế, đến nay gia đình anh Sô đã có hơn 500 cây na. Mỗi năm anh trồng thêm khoảng chục cây mới thay thế những cây già, cây gãy đổ…

thanh nien dan toc nung toa sang nho na nui da

Anh chia sẻ: Để Na ra quả đúng vụ, quả to, đẹp thì phải chịu khó làm cỏ, bón phân, cắt tỉa cành lá, không được bỏ bê việc chăm sóc cây... Hiện nay mọi người đều được tuyên truyền để áp dụng biện pháp bọc quả, bẫy ruồi Vàng hại Na. Nếu trước đây một vụ Na gia đình chỉ thu được khoảng 40 triệu đồng thì những năm gần đây, mỗi vụ Na có thể thu được từ 100 – 150 triệu đồng. Giờ đây tôi có thể chăm sóc 2 con và mua sắm đầy đủ vật dụng thiết yếu cho cuộc sống.

Riêng vụ Na 2019, trong khi mặt bằng chung Na tiêu thụ chậm do sức mua giảm, thì Na nhà anh Sô thu hoạch tới đâu, bán hết tới đó. Nói về vấn đề này, anh Sô chỉ cười: Thành quả nào cũng đều do lao động miệt mài, nếu cứ chông chờ, ỷ lại vào thiên nhiên sẽ không thể có kết quả như mong muốn được.

Không giữ “vốn” cho riêng mình, anh Sô đem kiến thức, kinh nghiệm chia sẻ cho nhiều thanh niên trong thôn, xã, nhất là những thanh niên có chí tiến thủ, ý định thoát nghèo, làm giàu từ cây đặc sản của quê hương. Anh Sô tâm sự: “Đến cuối năm 2019 là nhà mình phải thoát nghèo. Không cố gắng từng ngày thì xấu hổ với anh em bạn bè, bà con hàng xóm lắm”.

Nói rồi chúng tôi thấy ánh mắt của Sô hiện lên niềm vui và cả sự quyết tâm.

Kịp xuống chân núi khi sọt Na cuối cùng chạm đất, chúng tôi theo chân anh Sô ra chợ huyện. Ở đây các bà các mẹ đã tập trung từ sớm. Mỗi người vài ba thúng Na. Theo quan sát, Na được bày bán rất dân dã, không màu mè, kiểu cách. Đi đến đâu, anh Sô cũng niềm nở chào hỏi mọi người. Có điều lạ là mặc dù bán những mặt hàng giống nhau, nhưng ở chợ Na Chi Lăng tuyệt nhiên không có sự đấu đá, cạnh tranh như nhiều phiên chợ chúng tôi từng chứng kiến. Đứng khép mình vào một chỗ thân thuộc, anh Sô quệt vội những giọt mồ hôi dưới cái nắng cuối hè: Chợ ở đây họp khá sớm, người mua người bán không mặc cả nhiều và thường mua số lượng lớn. Người bán cũng rất vui vẻ để khách ăn thử Na, đồng ý sẽ mua, không mua cũng vui vẻ, hài lòng.

thanh nien dan toc nung toa sang nho na nui da

Thăm vườn Na của người thanh niên dân tộc Xứ Lạng, chúng tôi còn ngạc nhiên hơn về những sáng kiến rất đơn giản mà mang lại hiệu quả kinh tế của người dân tộc nơi đây, đó là những chiếc tời. Vào mua Na, những chiếc tời này hoạt động hết công suất. Anh Sô ví dụ cho chúng tôi, khi hái được một sọt na, người từ đỉnh núi sẽ thả sọt na theo tời đi xuống điểm tập kết Na ở ven đường. Như vậy vừa tiết kiệm được thời gian, vừa giảm tải công sức lao động mà an toàn cho người lao động. Để làm một cái tời như vậy, thì mấy nhà góp vào làm 1 cái sẽ thay thế sức của nhiều người - anh Sô cho hay.

Trong không khí chộn rộn của phiên chợ Na sáng, chúng tôi chào anh Sô và không quên mua về cho mình và bạn bè những quả Na núi đá tươi ngon – đặc sản núi rừng Xứ Lạng. Từ chuyến thực tế, chúng tôi tin rằng thời gian tới, mảnh đất Chi Lăng sẽ nuôi dưỡng được thêm nhiều thanh niên khởi sắc làm giàu từ cây Na.

Hoài An
Phiên bản di động