Tháng ba sôi nổi những công trình thanh niên…
Những người trẻ lan tỏa nghĩa cử cao đẹp Tập trung phát triển các phong trào sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên Người Việt Nam ở bất kỳ nơi nào đều là con cháu Lạc Hồng |
Số hóa di tích
Khởi động Tháng Thanh niên 2023, Huyện đoàn Phúc Thọ (Hà Nội) đã thực hiện gắn biển công trình thanh niên (quét mã QR) “Ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Phúc Thọ” tại di tích lịch sử Đền Hát Môn (xã Hát Môn), nhằm góp phần thúc đẩy, phát triển văn hóa, du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh.
Theo Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ Dương Thu Phương, đây là hoạt động nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn đời sống. Trong đó, công trình “Ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Phúc Thọ” tại di tích lịch sử Đền Hát Môn được thực hiện từ nguồn của Sở Du lịch Hà Nội.
Với công trình này, người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh quét mã QR là có thể tham quan, tìm hiểu toàn bộ Khu di tích quốc gia Hát Môn qua công nghệ ảnh 3D. Bên cạnh đó, du khách có thể tìm hiểu thông tin, tra cứu tài liệu dựa vào tính năng chỉ đường tích hợp trên ứng dụng.
Huyện đoàn Phúc Thọ tổ chức lễ gắn biển công trình thanh niên (Quét mã QR) Ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, quảng bá du lịch tại Đền Hát Môn |
Trong ứng dụng có sẵn các biển, bảng để giới thiệu từng hạng mục, du khách chỉ cần bấm vào các mục hiển thị có thể tìm hiểu thêm các tài liệu hoặc tranh, ảnh về hiện vật. Với thuyết minh tiếng Việt và có phụ đề bằng tiếng Anh, mô hình bảo đảm việc tra cứu, tìm hiểu thông tin nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng quảng bá hình ảnh di tích đến với du khách.
Bí thư Huyện đoàn Phúc Thọ Dương Thu Phương cho biết, đền Hát Môn là nơi mang nhiều dấu ấn lịch sử hào hùng của Hai Bà Trưng - 2 vị nữ tướng hào kiệt, những người đã làm rạng danh truyền thống anh hùng bất khuất của phụ nữ Việt Nam. Di tích Đền Hát Môn là một quần thể kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng ở phía Bắc làng cổ, trên một khu đất có thế "long chầu hổ phục", phía trước là gò con rùa và sông Hát chảy từ bên hữu sang bên tả. Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng hoá sinh vào cõi bất diệt.
Tự hào là nơi có di tích quốc gia đặc biệt, tuổi trẻ trong huyện luôn có ý thức tuyên truyền, quảng bá để đông đảo du khách biết và tới thăm quan. Trong đó, công trình “Ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Phúc Thọ” sẽ giúp bất kỳ ai khi truy cập ứng dụng đều có được thông tin bổ ích, cần thiết về di tích lịch sử này.
Đây cũng là cuốn cẩm nang du lịch số tiện ích tạo điều kiện thuận lợi để du khách khắp mọi nơi có thể trải nghiệm khu di tích mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng này, từ đó góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tại địa phương.
Góp sức trẻ thực hiện mô hình chợ 4.0
Cụ thể hóa chủ đề Tháng Thanh niên 2023 “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số”, Huyện đoàn Gia Lâm (Hà Nội) thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực. Trong đó, Huyện đoàn thành lập đội tình nguyện hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi số, gắn mã QR thanh toán điện tử.
Từ sự hỗ trợ của tuổi trẻ Gia Lâm nhiều hộ kinh doanh đã sử dụng mã QR trong thanh toán |
Theo Bí thư Huyện đoàn Gia Lâm Phạm Văn Phong, với mong muốn phát huy hiệu quả công nghệ số trong kinh doanh, dịch vụ, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, ngay từ tháng 2/2023, Huyện đoàn đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ các hộ kinh doanh mở tài khoản ngân hàng và đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến (ebanking).
“Đoàn viên, thanh niên và nhân viên ngân hàng sẽ đến tận nhà các hộ kinh doanh để tuyên truyền và trực tiếp hỗ trợ mở tài khoản và tạo mã QR để thanh toán tiện lợi trong giao dịch. Ban đầu chúng tôi gặp đôi chút khó khăn bởi có hộ lo lắng bị lấy cắp thông tin. Tuy nhiên, khi được đoàn viên và nhân viên ngân hàng giải thích hầu hết các hộ đều phối hợp thực hiện”, Phó Bí thư Huyện đoàn Gia Lâm Phạm Văn Phong chia sẻ.
Các tiểu thương kinh doanh tại chợ được hướng dẫn đăng ký tài khoản ở ngân hàng, tải ứng dụng trên điện thoại thông minh để sở hữu một mã QR cho tài khoản cá nhân. Mã QR của mỗi tiểu thương cũng được in, dán ngay vị trí bán hàng để người mua dễ dàng thanh toán tiền.
Chị Nguyễn Thị Thanh, người kinh doanh thực phẩm xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Các bạn đoàn viên thanh niên đã đến hỗ trợ chúng tôi tải ứng dụng và sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Tôi thấy ứng dụng rất hữu ích, thuận tiện cho việc kinh doanh của gia đình, giúp chúng tôi giao dịch với khách hàng nhanh chóng”.
Sau khi hỗ trợ các hộ kinh doanh tại hai xã Phù Đổng và Dương Xá mở mã QR để thanh toán trong giao dịch, trong tháng ba, Huyện đoàn sẽ nhân rộng mô hình trong toàn huyện. Hoạt động này sẽ hỗ trợ người dân thuận tiện hơn trong mua sắm, đồng thời góp phần thực hiện kinh tế số tại địa phương.
Cùng với hỗ trợ cài đặt QR cho các hộ kinh doanh, các cơ sở Đoàn của huyện Gia Lâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và Nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số. Các đội hình thanh niên tình nguyện miệt mài đi từng ngõ hỗ trợ người dân, đảng viên cài đặt ứng dụng VNeid, sổ tay đảng viên điện tử để cùng góp sức xây dựng Thủ đô và huyện giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Biến điểm tập kết rác thành tranh tường bích họa
Công trình tranh tường bích họa của tuổi trẻ Hoàn Kiếm góp phần xây dựng nếp sống văn minh |
Với mục tiêu thực hiện các công trình, mô hình, phần việc có ý nghĩa thiết thực, đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần lan tỏa tinh thần tích cực trong đời sống xã hội, Quận đoàn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thực hiện công trình tranh tường bích họa và tủ điện an toàn tại khu vực số 39 Hàng Mành (phường Hàng Gai).
Bí thư Quận đoàn Hoàn Kiếm Trần Kim Huyền cho biết: “Nhận thấy khu vực số 39 Hàng Mành, tồn tại điểm tập kết rác thải sinh hoạt trái quy định gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh, Ban Thường vụ Quận đoàn và Đảng ủy, UBND phường Hàng Gai đã phối hợp chặt chẽ và thống nhất chủ trương để triển khai thực hiện công trình thanh niên “Tranh tường bích họa” và “Tủ điện an toàn". Đây là hoạt động thiết thực nhằm góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng văn minh đô thị”.
Sau thời gian thi công, công trình hoàn thành đã khoác "tấm áo" mới với sắc màu rực rỡ lên bức tường cũ. Tranh tường bích họa mang nhiều thông điệp về ý nghĩa cuộc sống. Công trình đã bước đầu góp phần làm chuyển biến nhận thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn trong công tác đảm bảo, giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường tại khu phố Hàng Mành nói riêng và Tổ dân phố số 4, phường Hàng Gai nói chung. Đây còn là hình thức tuyên truyền trực quan về nếp sống đẹp tại tổ dân phố.
Ngay sau lễ khánh thành, Quận đoàn Hoàn Kiếm đã bàn giao công trình cho Đoàn phường Hàng Gai phụ trách. Theo đó, Đoàn phường chủ động phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Đảng ủy - Chính quyền phường khai thác, sử dụng công trình hiệu quả. Các bạn trẻ cũng xây dựng phương án ứng trực, đảm bảo trật tự mỹ quan xung quanh công trình, góp phần xây dựng nếp sống văn minh.