Tháng 11/2022, Bộ Công thương trình Chính phủ nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu
Tại Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng được giao tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, Bộ Công thương phải rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn, lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trình Chính phủ trong tháng 11/2022.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong việc điều chỉnh ngay các chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu (chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí bảo hiểm, chi phí kinh doanh định mức…) cho phù hợp và sát với tình hình thực tế; xác định cơ sở pháp lý và thẩm quyền để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (nếu có).
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.
Trước đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, từ đầu năm 2022 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.
Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Sơn Hải cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm từ 50 - 100 đồng/lít, thậm chí có những thời điểm chiết khấu 0 đồng/lít tại kho đầu nguồn.
“Với chiết khấu như trên thương nhân như chúng tôi càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Chưa kể, chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động tại cửa hàng; chi phí hao hụt tồn, chứa, nhập, xuất; Chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí công cụ dụng cụ tại cửa hàng; Chi phí về điện, nước, chi phí trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm cháy nổ; chi phí về quản lý tại cửa hàng; Chi phi lãi vay vốn lưu động", ông Hạnh nói.
Nêu một loạt chi phí mà doanh nghiệp phải “gồng gánh”, ông Hạnh cho biết, giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít xăng từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng là 1.217 - 1.341 đồng/lít; Giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít dầu từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng là 1.130 - 1.254 đồng/lít.
“Với chi phí này, doanh nghiệp không có lãi. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu. Nhà nước có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh…”, ông Hạnh kiến nghị.
Còn theo tính toán của ông Ngô Trung Sơn, đại diện Doanh nghiệp xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội), với chiết khấu 0 đồng như hiện nay thì doanh nghiệp lỗ tương ứng khoảng 1.500 đồng/lít. Mức này với doanh nghiệp kinh doanh lớn sẽ lỗ rất nặng.
"Thực tế, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ không thể trụ nổi nếu tình trạng này kéo dài thêm 1 - 2 tháng, bắt buộc phải đóng cửa", ông Sơn cảnh báo và đồng thời cho biết chỉ khi chiết khấu khoảng 1.500 đồng/lít thì mới đủ cho doanh nghiệp trang trải các chi phí vận chuyển, nhân công, điện nước, hao hụt và trên 1.500 đồng/lít, doanh nghiệp mới có lãi.
Đại diện Doanh nghiệp xăng dầu Trung Sơn cho rằng, các quy định hiện nay còn bất cập, khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Hơn nữa, việc có nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp và người dùng phải gánh chịu.
“Các bộ, ngành cần sớm sửa đổi các quy định không còn phù hợp tại Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ đang áp dụng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu. Việc ban hành các quy định cần bám sát thực tiễn để tránh làm khó cho doanh nghiệp”, ông Ngô Trung Sơn kiến nghị.
Còn theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, diễn biến thị trường xăng dầu năm 2022 mang tính dị biệt, đây là năm đầu tiên có khái niệm chiết khấu âm, chiết khấu bằng 0. Từ trước đến nay, không có một cơ chế nào dẫn tới việc áp dụng chiết khấu bằng 0. Nếu căn cứ vào số liệu từ tháng 7/2022 trở lại đây, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động rất khó khăn.
“Xăng dầu là mặt hàng chịu sự quản lý của Nhà nước và phải đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Với chiết khấu 0 đồng như hiện nay thì không có doanh nghiệp nào tồn tại được, doanh nghiệp không thể bỏ tiền túi ra duy trì hoạt động trong thời gian dài. Câu chuyện chiết khấu là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp và trong hợp đồng không có quy định cụ thể", ông Bảo nêu thực tế.