Hài hòa lợi ích và các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu

Chính phủ và các Bộ, ngành đã và đang tích cực vào cuộc triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công thương đề nghị loạt bộ, ngành góp sức hạ nhiệt vấn đề nguồn cung xăng dầu Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh xăng dầu chai lọ tự phát

Hé mở lý do doanh nghiệp xăng dầu thua lỗ

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, từ đầu năm 2022 đến nay, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Sơn Hải cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất thấp, có thời điểm từ 50 - 100 đồng/lít, thậm chí có những thời điểm chiết khấu 0 đồng/lít tại kho đầu nguồn.

“Với chiết khấu như trên thương nhân như chúng tôi càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. Chưa kể, chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người lao động tại cửa hàng; chi phí hao hụt tồn, chứa, nhập, xuất; Chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí công cụ dụng cụ tại cửa hàng; Chi phí về điện, nước, chi phí trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm cháy nổ; chi phí về quản lý tại cửa hàng; Chi phi lãi vay vốn lưu động", ông Hạnh nói.

Nêu một loạt chi phí mà doanh nghiệp phải “gồng gánh”, ông Hạnh cho biết, giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít xăng từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng là 1.217 - 1.341 đồng/lít; Giá thành thực tế phải chi phí cho 1 lít dầu từ khâu vận chuyển, kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ tại cửa hàng là 1.130 - 1.254 đồng/lít.

“Với chi phí này, doanh nghiệp không có lãi. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu. Nhà nước có quy định yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh…”, ông Hạnh kiến nghị.

Hài hòa lợi ích và các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang gặp khó khăn vì chi phí

Còn theo tính toán của ông Ngô Trung Sơn, đại diện Doanh nghiệp xăng dầu Trung Sơn (Hà Nội), với chiết khấu 0 đồng như hiện nay thì doanh nghiệp lỗ tương ứng khoảng 1.500 đồng/lít. Mức này với doanh nghiệp kinh doanh lớn sẽ lỗ rất nặng.

"Thực tế, hầu hết doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu sẽ không thể trụ nổi nếu tình trạng này kéo dài thêm 1 - 2 tháng, bắt buộc phải đóng cửa", ông Sơn cảnh báo và đồng thời cho biết chỉ khi chiết khấu khoảng 1.500 đồng/lít thì mới đủ cho doanh nghiệp trang trải các chi phí vận chuyển, nhân công, điện nước, hao hụt và trên 1.500 đồng/lít, doanh nghiệp mới có lãi.

Đại diện Doanh nghiệp xăng dầu Trung Sơn cho rằng, các quy định hiện nay còn bất cập, khiến doanh nghiệp rất khó khăn. Hơn nữa, việc có nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn đến tăng chi phí cho doanh nghiệp và người dùng phải gánh chịu.

“Các bộ, ngành cần sớm sửa đổi các quy định không còn phù hợp tại Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ đang áp dụng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu. Việc ban hành các quy định cần bám sát thực tiễn để tránh làm khó cho doanh nghiệp”, ông Ngô Trung Sơn kiến nghị.

Còn theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, diễn biến thị trường xăng dầu năm 2022 mang tính dị biệt, đây là năm đầu tiên có khái niệm chiết khấu âm, chiết khấu bằng 0. Từ trước đến nay, không có một cơ chế nào dẫn tới việc áp dụng chiết khấu bằng 0. Nếu căn cứ vào số liệu từ tháng 7/2022 trở lại đây, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động rất khó khăn.

“Xăng dầu là mặt hàng chịu sự quản lý của Nhà nước và phải đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Với chiết khấu 0 đồng như hiện nay thì không có doanh nghiệp nào tồn tại được, doanh nghiệp không thể bỏ tiền túi ra duy trì hoạt động trong thời gian dài. Câu chuyện chiết khấu là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp và trong hợp đồng không có quy định cụ thể", ông Bảo nêu thực tế.

Chính phủ và các bộ ngành đồng loạt vào cuộc gỡ vướng

Từ thực trạng khó khăn hiện nay để không bị gián đoạn nguồn cung, cung ứng đầy đủ kịp thời xăng dầu đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đề nghị các bộ ngành phải nhanh chóng vào cuộc để sớm ổn định tình hình.

Hài hòa lợi ích và các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường xăng dầu

Thực tế, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành các cấp cùng các doanh nghiệp đầu mối cũng đã nỗ lực, cố gắng rất lớn để đảm bảo được nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, nhất là giai đoạn phục hồi hậu COVID-19. Trong đó, Bộ Tài chính cũng đã nhiều lần giảm các loại chi phí, thuế đối với các mặt hàng xăng dầu nhằm giảm áp lực chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Cuối tháng 10 vừa qua, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã có cuộc họp với các Bộ: Công thương, Tài Chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về các vấn đề liên quan đến điều hành xăng dầu. Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương điều chỉnh ngay các chi phí liên quan trong công thức giá cơ sở cho phù hợp và sát với tình hình thực tế.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành các cũng đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn. Mới đây nhất, trong văn bản gửi tới Bộ Công An, Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Công thương đã đề nghị các đơn vị có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.

Cũng trong ngày 4/11, Bộ Công thương có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam về việc bảo đảm duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chỉ đạo 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu (Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn) cần duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; Có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, hỗ trợ cung ứng cho các thương nhân đầu mối (kể cả các thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng dài hạn với nhà máy) để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt tại các khu vực bị thiếu hàng cục bộ; Điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.

Liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, ngày 4/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công thương. Cũng ngay trong chiều cùng ngày, Bộ Công thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11 thì những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Còn về vấn đề tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương cũng có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cụ thể các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết cụ thể đối với từng doanh nghiệp mà đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn bảo lãnh và thanh khoản.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã chỉ đạo cụ thể các ngân hàng thương mại xem xét giải quyết cụ thể đối với từng doanh nghiệp mà đang khó khăn trong việc tiếp cận vốn bảo lãnh và thanh khoản.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước luôn quan tâm đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu. Tại chỉ thị đầu năm Thống đốc đều yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Trong tháng 3/2022, trước sự biến động phức tạp của xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn, xem xét tạo điều kiện tăng thêm hạn mức tín dụng cấp cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng hợp nhanh số liệu từ các ngân hàng cho thấy, tổng hạn mức cấp cho 16 doanh nghiệp xăng dầu hiện nay là 103 nghìn tỷ đồng, mới sử dụng đến khoảng 58 nghìn tỷ đồng, và hạn mức chưa sử dụng còn 44 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, với sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, hy vọng những khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua sẽ cơ bản được giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Nên giao quản lý xăng dầu về Bộ Công thương?

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính có ý kiến sẽ đề nghị Chính phủ sửa Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu theo hướng giao toàn diện vấn đề xăng dầu về cho Bộ Công thương quản lý, kể cả quyết định giá và chi phí định mức nhằm đảm bảo vấn đề nguồn cung chủ động.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc cho rằng, việc giao tính toán giá, chi phí xăng dầu về cho Bộ Công thương là hoàn toàn hợp lý.

Theo ông Giang Chấn Tây, Bộ Công thương có đủ năng lực để quản lý từ chính sách đến thực tiễn và giá cả xăng dầu. Nếu được giao toàn quyền và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành giá xăng dầu, Bộ Công thương sẽ phải tìm lời giải một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề khan hiếm cục bộ xăng dầu.

"Bản chất vẫn là do giá tính đúng, tính đủ, có chính sách phù hợp, chắc chắn thị trường sẽ vận động đúng theo quy luật của nó", ông Giang Chấn Tây nhận định.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo vấn đề này, theo đúng lĩnh vực Phó Thủ tướng được phân công phụ trách.

Theo Thủ tướng, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan đánh giá lại, trên cơ sở đó tính phương án theo hướng thống nhất, quy về một đầu mối, hướng là giao cho Bộ Công thương quản lý.

Hậu Lộc
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động