Thách thức của nhà báo trẻ trong kỷ nguyên số
Phát huy tính tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm của nhà báo trẻ Tự hào là đảng viên mang màu áo Đoàn 200 nhà báo trẻ, thanh niên Việt Nam, Campuchia tham gia ngày hội giao lưu |
Nuôi dưỡng đam mê
Với hơn 40 năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS, giảng viên cao cấp Nguyễn Văn Dững - Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ thông tin và Truyền thông, chia sẻ: “Hiện nay, công nghệ, kỹ thuật số, trong đó có AI đang bùng nổ. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với nhà báo. Vì vậy, để thích ứng, trụ lại với nghề thì người làm báocần có nền tảng kiến thức về nghề, phải thường xuyên cập nhật công nghệ, kỹ năng tác nghiệp”.
PGS.TS, giảng viên cao cấp Nguyễn Văn Dững nguyên là Trưởng khoa Báo chí (Giờ là Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) |
PGS Nguyễn Văn Dững cho rằng, đối với nhà báo trẻ, trước hết cần thể hiện ý thức và thái độ nghiêm túc trong học tập, “không chấy chá”, “không lớt phớt”. Ông cũng kể lại câu chuyện ấn tượngcủa một nữ sinh viên với nỗ lực không ngừng trong nghề. 20 năm trước từng có một nữ sinh viên nói ngọng nhưng rất muốn “đầu quân” cho dự án mà ông đang triển khai. PGS Nguyễn Văn Dững đã đưa ra yêu cầu: “Tôi sẽ cho tham gia tập huấn làm báo mạng điện tử và tham gia làm website với điều kiện em phải luyện tập để sau ít nhất 6 tháng không còn nói ngọng nữa. Nếu em còn nói ngọng sẽ ra khỏi dự án và đề nghị nhà trường cho thôi học”.
Yêu cầu của PGS Nguyễn Văn Dững đã trở thành động lực để nữ sinh viên cố gắng, kiên trì, miệt mài và nỗ lực “sửa giọng”. Kết quả, chỉ sau 3 tháng, sinh viên đó hết nói ngọng, trở thành thành viên xuất sắc của nhóm, là một cây bút chắc tay ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường.
PGS Nguyễn Văn Dững trong 1 tiết dạy cho học viên |
PGS Nguyễn Văn Dững trầm ngâm nhớ lại: “Còn rất nhiều tấm gương sinh viên tiêu biểu khác. Có người học cao học dù giữ trọng trách Phó Trưởng ban Thời sự của một đài truyền hình lớn nhưng không vắng buổi học nào. Có người là Phó Tổng biên tập của một tờ báo miền núi phía Bắc, học caohọc, cứ tối lên xe khách, sáng đến trường học, lúc về lại lên xe đêm để sáng thứ 2 có mặt ở cơ quan làm việc. Hoặc bạn ở Tây Nguyên, học cao học vào cuối tuần nhưng tôi theo dõi không vắng, không muộn buổi học nào… Với tôi, đó là những nhà báo tuyệt vời. Họ nghiêm túc với nghề ngay cả khi đi học. Cũng chính họ là nguồn cung cấp thêm năng lượng, giúp tôi học hỏi và yêu nghề hơn”.
Trực tiếp dẫn dắt nhiều thế hệ nhà báo thành công từ ngôi trường báo chí lâu đời, theo thầy Dững, đã là nhà báo thì cần nắm vững nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp. Hơn thế, nghề báo đòi hỏi gắn với thực tiễn đang vận động từng ngày, không thể chỉ đèn sách mà nhà báo phải lao vào thực tế, lặn lội với nghề. Từ thực tế, nhà báo sẽ tích cóp, nhặt nhạnh tư liệu, chuyển tải nội dung đến độc giả một cách phù hợp. “Muốn làm nghề và trưởng thành với nghề, phóng viên cần nghiêm túc, chăm chỉ. Dù AI hay Big Data phát triển thì điều quan trọng nhất đối với người làm báo là phải yêu nghề và có trách nhiệm”, PGS Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh.
Thích ứng với kỷ nguyên số
Theo Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn, nguyên Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, truyền thông số hay truyền thông trên mạng xã hội chính là một bộ phận của truyền thông hiện đại. Muốn hay không chúng ta vẫn phải hòa nhập với nó. Với nhà báo, ở đâu có công chúng thì ở đó có chúng ta. Nhà báo phải tìm cách đưa thông tin đến với công chúng trên nền tảng đó.
Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn trong 1 chuyến đi công tác |
Thực tế, tin giả, thông tin xấu, độc thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin chính thống từ các phương tiện truyền thông. Vì vậy, nhà báo phải là những người có khả năng tiếp nhận, xử lý và phân phối thông tin ở yêu cầu cao hơn; trực tiếp phân tích, sàng lọc và đem đến những thông tin chính xác nhất cho công chúng.
Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các môn học thuộc chuyên ngành báo chí đều liên quan đến internet và mạng xã hội. Do đó, mỗi tiết học trên lớp, Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn luôn nhắc nhở sinh viên cách ứng xử với mạng xã hội sao cho phù hợp. Khi sử dụng nguồn tin trên mạng xã hội phải rất cẩn trọng, nhà báo cần có phương pháp thẩm định nguồn tin, phân tích thông tin, dữ liệu…
Theo Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn, đối với nghề báo, nếu không yêu, không tâm huyết thì sẽ không có sự sáng tạo, không có tác phẩm hay |
“Mỗi nghề đều đòi hỏi người làm nghề phải yêu và đam mê. Đối với nghề báo, nếu không yêu, không tâm huyết thì sẽ không có sự sáng tạo, không có tác phẩm hay. Ngoài ra, người làm báo phải không ngừng học hỏi, tiếp thu kiến thức mới, bắt nhịp hơi thở thời đại để mang đến những tác phẩm báo chí chất lượng, có ích cho độc giả”, Thạc sĩ Đinh Ngọc Sơn nhấn mạnh.