Thả cá tiễn ông Táo: Bao giờ tình nguyện viên không phải nhặt rác?

Việc thả cá chép ngày 23 tháng Chạp để tiễn ông Công, ông Táo đã trở thành nét văn hóa đẹp trong truyền thống của người Việt. Sẽ không có gì đáng nói nếu gắn với nét văn hóa này, người dân có ý thức thả cá văn minh, không để lại rác để tình nguyện viên phải nhắc nhở và thu gom.
Chủ tịch nước và phu nhân cùng kiều bào thả cá tiễn ông Táo, dâng hương tại điện Kính Thiên Nhiều tình nguyện viên làm sạch môi trường ngày Tết ông Công ông Táo Người Hà Nội “không vứt túi nilon” khi tiễn ông Công ông Táo về trời

Chuẩn bị cho lễ ông Táo ngày 23 tháng Chạp, từ sáng sớm tại các khu chợ, người dân đã tranh thủ đi từ sáng sớm lựa chọn hoa tươi quả tốt cùng sắm sửa các lễ vật cần thiết như bộ áo mão, vàng mã và đặc biệt không thể thiếu cá chép.

Ghi nhận tại chợ Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), tình hình giao thông trên đường Vũ Trọng Phụng trở nên tấp nập từ 6h30’ sáng. Các cửa hàng, tiểu thương bày bán dọc trên phố tới chợ. Hàng hóa phổ biến trong ngày hôm nay là hoa quả tươi, vàng mã và xôi, gà, giò,.. Cá chép đỏ, vàng là mặt hàng bán rất chạy trong ngày hôm nay. Cá từ các làng nghề, trang trại chăn nuôi được các tiểu thương đặt hàng từ 1-2 tháng trước tết để chuẩn bị nguồn cung sẵn sàng cho ngày lễ.

Thả cá tiễn ông Táo: Bao giờ tình nguyện viên không phải nhặt rác?
Chợ Nhân Chính từ sớm đã rất đông người mua bán

Bà Trần Thị Mai (Thanh Xuân) cho biết: “Năm nay mua sắm cho 23 tháng Chạp có món tăng món giảm, nhưng cá chép năm nay lại rẻ hơn mọi năm tới một nửa. Tôi chỉ cần 15 ngàn là mua được ba con cá vừa nhỏ gọn lại đẹp. Đồ mã có chút tăng hơn so với mọi năm nhưng thôi kinh tế thị trường mà, mình cứ du di năm tăng năm giảm thôi”.

Thả cá tiễn ông Táo: Bao giờ tình nguyện viên không phải nhặt rác?
Người dân mua sắm đồ cần thiết phục vụ lễ cúng Ông Táo

Được biết, giá cá nhập từ các làng nghề, trang trại năm nay chỉ từ 60-80 ngàn/kg, thấp hơn một nửa so với những năm trước đại dịch. Năm nay, các hộ nuôi cá chép vàng rất vui mừng vì cá được mùa, khỏe đẹp và kịp đáp ứng nguồn hàng cho dịp Tết Nguyên Đán. Các tiểu thương cũng điều chỉnh giá cả bình ổn thị trường, giá chỉ dao động từ 15 ngàn/3 con tới 30 ngàn/3 con, phù hợp với thị hiếu mua sắm của người dân.

Thả cá tiễn ông Táo: Bao giờ tình nguyện viên không phải nhặt rác?

Tuy vậy, điều nhận thấy là dù đã được tuyên truyền nhiều, đa số người dân có ý thức bảo vệ môi trường, song cũng còn một số vẫn phải nhắc nhở về hành động thả cá thiếu văn minh. Qua quan sát của phóng viên, còn khá nhiều người dân ném túi nilon cá từ một khoảng cách xa rơi xuống sông, hồ hay quăng bát hương xuống nước khiến cho tàn tro nhang lan rộng trên mặt nước. Tình trạng này đã diễn ra tại các sông, hồ vào dịp lễ ông Táo rất nhiều năm nay, khiến cho một khối lượng lớn rác thải được xả trực tiếp vào nguồn nước.

Tại hồ Tây, từ 8h sáng, các bạn trẻ thuộc nhóm tình nguyện Keep Việt Nam Clean và trường BVIS đã tổ chức chia đội tới các địa điểm để thu gom rác thải từ nghi thức thả cá chép. Đặc biệt, sư thầy Thích Tịnh Giác và các Phật tử chùa Phúc Sơn (Gia Lâm) cũng có mặt để giúp đỡ từ sớm. Người dân tới rải tro nhang và thả cá được các Phật tử và sư thầy hỗ trợ đem cá ra thả nơi xa bờ để đảm bảo cá có thể hòa nhập môi trường và sống khỏe. Tro nhang sẽ được mọi người gom lại và được sư thầy làm phép, thả ở một nơi khác để đảm bảo môi trường sống sạch cho cá tại hồ Tây.

Thả cá tiễn ông Táo: Bao giờ tình nguyện viên không phải nhặt rác?
Thầy Thích Tịnh Giác và các Phật tử giúp người dân thả cá và thu gom túi nilon

Thầy Thích Tịnh Giác chia sẻ: “Bản thân thầy đã làm công việc này vào dịp ông Công ông Táo đã mười mấy hai chục năm ở đây. Năm nào tôi cũng cố gắng giúp đỡ bà con để đảm sạch đẹp đúng nghi thức tâm linh. Phóng sinh phải văn minh và có ý thức, từ cái tâm của mình, cho cả giống loài mình phóng sinh và môi trường để nó tồn tại.”

Cầm những túi cá chép được người dân nhờ thả, đi ủng cao su lội nước ra xa bờ và nhẹ nhàng thả cá vào nước cùng hạnh nguyện an lành. Thầy đem trả túi nilon lại cho người dân và nhắc nhở từng người: “Quý vị đem về tái sử dụng, ai cần thì cho người ta, mình tái sử dụng cái còn sử dụng được ấy là tiết kiệm và cũng là bảo vệ môi trường của mình. Tôi năm nay lục thập hơn rồi, còn phát nguyện giúp quý vị ngày nào thì tôi giúp, nhưng sau này mà tôi không còn thì quý vị phải tự ý thức làm sao mình giữ lễ tâm linh một cách văn minh sạch đẹp.”

Thả cá tiễn ông Táo: Bao giờ tình nguyện viên không phải nhặt rác?
Các Phật tử chùa Phúc Sơn thu gom, phân loại và làm sạch túi bóng để tái chế sử dụng
Thả cá tiễn ông Táo: Bao giờ tình nguyện viên không phải nhặt rác?
Tại cầu Đuống, những chiếc tải được các tình nguyện viên để sẵn với hàm ý nhắc nhở người dân thu gọn túi nilon sau khi thả cá
Thả cá tiễn ông Táo: Bao giờ tình nguyện viên không phải nhặt rác?
Trên cầu Long Biên, các bạn trẻ đứng cả ngày để nhắc nhở người dân thả cá nhưng đừng thả túi nilong xuống sông
Thả cá tiễn ông Táo: Bao giờ tình nguyện viên không phải nhặt rác?
Đến khi nào những tình nguyện viên này không phải nhắc nhờ người dân giữ gìn môi trường mỗi dịp tiễn ông Táo

Thả cá chép tiễn ông Táo về trời là một nét đẹp tín ngưỡng của người Việt, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường nước đáng báo động thời kỳ những năm trở lại đây là một hồi chuông thúc giục từng cá nhân chúng ta cần phát huy ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất. Việc tuyên truyền và ý thức hành động của mỗi người đều góp phần làm sạch hơn cảnh quan và môi trường sống một cách đơn giản và đầy hiệu quả.

Tùng Lâm - Bảo Phương
Phiên bản di động