Tết ông Công, ông Táo: Giá cá chép tăng, sức mua ổn định
Thanh Hoá: Hối hả thu hoạch cá chép đỏ trước ngày ông Công ông Táo Khu “chợ nhà giàu” ở Thủ đô tấp nập người mua kẻ bán ngày ông Công ông Táo |
Thị trường vẫn nhộn nhịp
Tại chợ đầu mối Yên Sở (quận Hoàng Mai), từ đêm 20/1/2025 (rạng sáng 21 tháng Chạp), không khí mua bán đã bắt đầu nhộn nhịp. Đây là nơi cung cấp cá chép đỏ lớn nhất Hà Nội, phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô và các khu vực lân cận. Cá chép đỏ được vận chuyển từ các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Nam Định... và đổ về chợ từ sáng sớm, sau đó được phân phối đi khắp các chợ dân sinh trên địa bàn.
Chợ cá Yên Sở những ngày giáp Tết thêm rực rỡ với sắc cam đỏ của cá chép vàng |
Theo chị Thu Mai, một tiểu thương lâu năm tại chợ Yên Sở, giá cá chép đỏ năm nay tăng khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg so với năm trước.
“Cá chép đỏ loại 1 hiện có giá từ 130.000 đến 160.000 đồng/kg, trong khi loại 2 dao động từ 60.000 đến 90.000 đồng/kg. Giá tăng chủ yếu do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi bão Yagi năm 2024, khiến nhiều người nuôi giảm quy mô sản xuất”, chị chia sẻ.
Ngoài giá bán buôn tại chợ đầu mối, giá bán lẻ tại các chợ dân sinh phổ biến ở mức 15.000 - 20.000 đồng/con, tăng khoảng 5.000 đồng/con so với năm ngoái. Các loại cá được chia thành nhiều kích cỡ, từ cá nhỏ 20-25 con/kg đến cá vừa 10-15 con/kg. Những con cá to, khỏe mạnh, có màu đỏ đậm và không bị trầy xước luôn được người mua ưa chuộng.
Hàng tầng lớp chậu cá chờ các mối đặt hàng tới nhận |
Không chỉ cá chép vàng, nhiều gia đình vẫn muốn dùng cá chép thường để tiễn Ông Táo |
Anh Trần Việt Hà, một khách hàng tại chợ Cống Vị (quận Ba Đình), cho biết: “Tôi thường chọn cá Tam Dương vì màu sắc đẹp và bơi khỏe. Năm nay giá cao hơn nhưng đây là lễ quan trọng nên tôi vẫn chọn những con cá tốt nhất để cúng”.
Lượng khách lẻ mua cá năm nay vẫn ổn định |
Một số tiểu thương khác tại chợ Yên Sở nhận định, cao điểm tiêu thụ cá là từ đêm 21 đến sáng 22 tháng Chạp. Đây là lúc các thương lái gom hàng để phục vụ ngày chính lễ. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương cũng bày tỏ lo ngại về việc khó tiêu thụ hết lượng cá nhập về.
“Năm nay giá thu mua tại ao đã cao, nếu không bán hết trong ngày 23 tháng Chạp, chúng tôi sẽ lỗ nặng. Những con cá ế phải bán với giá rẻ hoặc thả phóng sinh để giảm thiệt hại”, một người bán chia sẻ.
Nhiều tiểu thương e dè không nhập nhiều cá do giá nhập tăng cao hơn năm trước |
Để đảm bảo cá khỏe mạnh đến tay người tiêu dùng, các tiểu thương đều phải lựa chọn kỹ từng con, kiểm tra phần mang và thả cá vào bể nước có sục oxy. Họ cũng khuyến nghị người mua khi mang cá về nên để trong nước giếng hoặc nước hồ để cá thích nghi tốt hơn, tránh cho vào nước máy vì clo có thể làm cá yếu và chết.
Đồ cúng giá tăng nhẹ
Bên cạnh cá chép đỏ, các mặt hàng đồ cúng như vàng mã, xôi, gà, giò chả cũng trở nên sôi động hơn dịp này.
Tại chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân), bà Lê Xuân Thảo, một tiểu thương bán đồ hàng mã, cho biết: “Năm nay, giá bộ đồ cúng ông Công, ông Táo truyền thống tăng khoảng 10.000 - 20.000 đồng so với năm ngoái, dao động từ 65.000 đến 165.000 đồng tùy loại. Tuy nhiên, khách vẫn mua đều, chủ yếu chọn các bộ tầm trung”.
Các quầy đồ lễ sẵn sàng phục vụ khách mua |
Hoa quả, trầu cau cũng là những món không thể thiếu trên mâm cúng |
Đồ cúng sẵn như gà luộc, xôi gấc cũng thu hút đông đảo người mua. Một con gà ngậm hoa hồng giá từ 200.000 đến 400.000 đồng, xôi ép khuôn có giá từ 50.000 đến 100.000 đồng. Chị Hồng Minh, một khách hàng tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình), chia sẻ: “Dịp Tết rất bận rộn nên tôi thường chọn mua đồ cúng sẵn. Dù giá cao hơn so với tự làm nhưng rất tiện lợi và đảm bảo vệ sinh”.
Nhìn chung, thị trường Tết ông Công, ông Táo năm nay tuy chịu nhiều ảnh hưởng từ thời tiết và biến động kinh tế, nhưng vẫn giữ được không khí sôi động. Đây không chỉ là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính với truyền thống mà còn là thời điểm để thị trường tiêu dùng khởi sắc, chuẩn bị cho một năm mới an lành và sung túc.