Tết Độc lập – Tết đoàn viên
Vui Tết Độc lập tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Tết Độc lập, trở về sum vầy bên gia đình Tết Độc lập trong tâm thức bạn trẻ |
Nhà nhà vui Tết đoàn viên
Tết năm nay, chị Hồng Vân (Gia Lâm – Hà Nội), kiều bào đã định cư 20 năm ở Anh được tận hưởng không khí Tết Độc lập tại quê hương. Điều đặc biệt hơn, ngày này, anh chị em họ hàng đông đúc đã cùng trở về, tụ họp quây quần bên mâm cơm khiến chị như được sống lại những ngày thơ ấu.
“Dù xa quê hương nhưng nỗi nhớ và tình yêu Hà Nội vẫn luôn trong tôi. Lần trở về này, tôi ngạc nhiên vô cùng khi Hà Nội ngày một khang trang và đẹp hơn. Đại gia đình tôi ở nơi tôi sinh ra có kinh tế đủ đầy, mọi người đều có nghề nghiệp ổn định. Đó là những điều khiến tôi cảm thấy ấm áp và không còn trăn trở khi nghĩ về quê mình từ phương trời xa” – chị Vân nói.
Với nhiều gia đình ở thành phố, Tết Độc lập chính là dịp các thành viên trong gia đình có dịp quây quần, đoàn viên |
Còn với người dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình đều ăn Tết Độc Lập, 2/9 từ lâu đã trở thành Tết đoàn viên. Với họ, đây cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, mừng ngày Quốc khánh. Trong tất cả các gia đình, con cái đi làm ở xa đều về để sum họp ăn Tết lớn thứ hai (sau Tết Nguyên đán). Những gia đình có điều kiện thì mổ trâu, mổ bò rồi làm cơm để mời anh em bạn bè hàng xóm cùng về chung vui… Giống như Tết cổ truyền, người dân ai cũng tất bật chuẩn bị mâm cơm dâng lên bàn thờ tổ tiên cùng với lời cầu nguyện sức khỏe, gia đình êm ấm, mùa màng bội thu, quê hương đất nước ngày càng phát triển...
Đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình đón Tết Độc lập |
Để chuẩn bị cho những mâm cơm ngày Tết Độc lập, hàng xóm chung tay mổ lợn, trâu, bò và gói bánh uôi, thổi xôi ngũ sắc... mỗi gia đình đều hướng đến một Tết Độc Lập ấm no, vui vẻ hạnh phúc.
Tết Độc lập trên xứ Mường Hòa Bình là dịp để con cháu nhớ về cội nguồn, trở về với quê hương và lưu giữ những nét đẹp phong tục.
Đồng bào Yên Bái "ăn Tết to"
Hòa chung không khí đón mừng Quốc khánh trên cả nước, tại nhiều làng quê ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái như: Văn Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải… người dân lại thường tổ chức ăn tết rất to.
Tại xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) từ nhiều năm nay, người dân đã có truyền thống làm cỗ mừng Tết Độc lập 2/9 để con cháu trong gia đình, họ hàng hoặc người thân ở phương xa về sum họp. Theo người dân ở xã này, 2/9 là ngày tết lớn nhất trong năm của họ.
Đáng chú ý, tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, không khí đón Tết Độc lập 2/9 trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch từ khắp nơi đổ về. Từ nhiều ngày nay, cờ hoa, áp phích, khẩu hiệu đã được treo để chào đón Quốc khánh 2/9 và quảng bá các hoạt động trong một lễ hội lần đầu tiên được tổ chức ở huyện này.
Nhiều gia đình cùng nhau tới Mù Cang Chải (Yên Bái ) dịp 2/9 |
Theo ông Lê Xuân Dương, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và văn hóa huyện Mù Cang Chải, sau các hoạt động vào dịp Quốc khánh 2/9, tại đây tổ chức 2 sự kiện gồm: "Lễ hội Mùa vàng năm 2024" và "Lễ hội Sơn tra" - lần đầu tiên được tổ chức, khai mạc vào tối 6/9. Điểm nhấn của sự kiện là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Huyền thoại sơn tra”, cùng với màn biểu diễn đường phố của 6 đoàn, biểu diễn các điệu dân vũ của dân tộc Mông, Thái; xe chở mô hình quả sơn tra (táo mèo) và các sản phẩm chế biến từ loại cây này.
Cũng trong dịp này, huyện Mù Cang Chải sẽ công bố quyết định của Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) công nhận các lễ hội của huyện như: “Lễ hội Mùa vàng”, Festival dù lượn “Bay trên miền danh thắng”, “Lễ hội giã bánh dày” và quyết định công nhận những cây di sản Việt Nam.
Festival "Bay trên miền danh thắng- mùa vàng" năm nay tiếp tục được đầu tư quy mô lớn, dự tính thu hút, chào đón hơn 2.000 lượt khách tới tham dự. Sự kiện cũng nhận được sự hưởng ứng và tình cảm nồng nhiệt từ Nhân dân địa phương, mọi du khách trong và ngoài nước dịp 2/9 năm nay.