Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh "xanh hóa" xe buýt
Hành khách đi xe buýt đang tăng trở lại
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, tính chung 5 tháng đầu năm 2023, số lượt hành khách vận chuyển trên địa bàn thành phố đạt 150,1 triệu lượt người, tăng 25,1% so với cùng kì năm trước; Doanh thu đạt 7,7 nghìn tỉ đồng, tăng 24,1%.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, riêng 154 tuyến buýt của thành phố đã phục vụ khoảng 188 triệu lượt hành khách, đạt 92,2% so với kế hoạch và tăng 92,2% so với cùng kì 2022. Tổng doanh thu toàn mạng buýt ước đạt 232,9 tỉ đồng, đạt 58,5% so với kế hoạch, tăng 75,5% so với cùng kì 2022.
Sản lượng xe buýt phục hồi tốt trong 5 tháng đầu năm 2023. Ảnh minh hoạ |
Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trong tháng 5, hoạt động vận chuyển hành khách tiếp tục đạt khá do nhu cầu đi lại tăng cao trong kì nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài.
Cũng trong 5 tháng qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã điều chỉnh lộ trình theo yêu cầu tổ chức giao thông chung của thành phố đối với 1 tuyến buýt (tuyến số 59); Điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình đối với 9 tuyến buýt (47A, 23, 145, 146, 74, 88, 60A, 142, 143), hợp lý hóa biểu đồ đối với 2 tuyến (159, 162).
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, trong năm 2023, ngành Giao thông vận tải sẽ thuê tư vấn đánh giá tổng thể hiệu quả mạng lưới các tuyến; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp lý hóa luồng tuyến, biểu đồ chạy xe nhằm tránh ùn tắc, giảm thời gian chuyến đi của hành khách và tăng tính kết nối giữa xe buýt với đường sắt đô thị.
Về hạ tầng, đơn vị sẽ nghiên cứu, tổ chức thí điểm 1-2 làn đường ưu tiên cho xe buýt, rà soát, đầu tư đồng bộ hệ thống nhà chờ xe buýt; Cùng với đó, xây dựng phương án vé liên thông đa phương thức cho hệ thống vận tải hành khách công cộng; Cơ cấu lại giá vé xe buýt (vé lượt, vé tháng) phù hợp với cự ly đi lại của hành khách…
Để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng dịch vụ, có thể đánh giá chất lượng từng phương tiện, chuyến đi, Sở Giao thông vận tải cũng đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội khẩn trương rà soát, đánh giá lại hiệu quả từng tuyến (sản lượng, doanh thu, trợ giá), tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ.
Nỗ lực “xanh hóa” xe buýt
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, Hà Nội cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm chuyển đổi năng lượng xanh.
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh tại Quyết định số 876/QÐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, tất cả xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, tất cả xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Ðối với Hà Nội, Chương trình đã đề ra lộ trình cụ thể: Giai đoạn 2025-2030, toàn bộ xe buýt được đầu tư mới, hoặc thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh; Thị phần của vận tải công cộng tại Hà Nội phải đạt từ 45-50%. Ðến năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt ít nhất 50%; Toàn bộ xe ta-xi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Ðến năm 2050, toàn bộ xe buýt, xe ta-xi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tuyến buýt điện E07 lộ trình Long Biên-Bờ Hồ-Khu đô thị Vinhomes Smart City của Vinbus |
Báo cáo của Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có 132 tuyến buýt trợ giá với hơn 2.034 xe, trong đó 277 xe (chiếm 13,6% tổng số đoàn phương tiện) sử dụng nhiên liệu sạch (xe buýt điện là 138 xe của Công ty TNHH Vận tải sinh thái Vinbus vận hành trên 9 tuyến và 139 xe sử dụng khí CNG của Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến); Cùng với đó là 1.248 xe buýt chạy dầu diesel đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 có tuổi đời phương tiện khoảng 4 năm.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương, tỷ lệ 13,6% xe buýt sử dụng năng lượng xanh là sự nỗ lực của cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Đặc biệt, các tuyến buýt điện do Vinbus vận hành còn là những tuyến buýt điện đầu tiên của Đông Nam Á. Như vậy, Hà Nội đã đi trước so với kế hoạch trong Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Điểm nhấn không thể phủ định là việc liên tục đầu tư, đổi mới đoàn phương tiện đã và đang góp phần quan trọng, trực tiếp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng dịch vụ. Ở góc độ doanh nghiệp, việc chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu thân thiện với môi trường cũng được nhiều đơn vị vận tải của Thủ đô chú trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, nỗ lực “xanh hóa” xe buýt của Thủ đô đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cùng với chi phí đầu tư cao thì nguồn điện cũng đang là khó khăn lớn đối với việc chuyển đổi xe buýt điện. Theo tính toán, các trạm nạp điện xe buýt phải có phụ tải lớn (trạm nạp công suất 120KW), nhu cầu tối thiểu khoảng 1.000KVA/tuyến với số lượng khoảng 12-13 xe buýt. Để chuyển đổi trên 1.700 xe buýt chạy dầu diesel hiện nay sang xe buýt điện cần tối thiểu khoảng 142.000KVA. Do đó, đơn vị điện lực khu vực cần hỗ trợ cung cấp nguồn điện bảo đảm công suất và an toàn cho nhu cầu sạc điện phục vụ xe buýt.
Trước những khó khăn này, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh, thành phố kiên quyết, kiên trì mục tiêu tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng và đang khẩn trương rà soát, lập quy hoạch mạng lưới xe buýt. Lộ trình triển khai chủ trương chuyển đổi năng lượng xanh sẽ bám sát quy hoạch này và bám vào quy hoạch điện của Tổng công ty Điện lực Hà Nội bởi việc phát triển xe buýt điện còn phụ thuộc nhiều vào nguồn điện; Quyết tâm nhưng phải bảo đảm tính khả thi và có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị. Thành phố chia sẻ khó khăn với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để có những cơ chế, chính sách phù hợp, vướng đâu gỡ đó.