Tăng cường tuyên truyền, đẩy nhanh công tác di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm

Việc sắp xếp, di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội rất cấp thiết nhưng đang bị chậm. Thành phố tiếp tục đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, đồng thời tiếp tục tuyên truyền tới các cơ sở để tăng sự đồng thuận, ủng hộ.
Hồ Tây những ngày rất “khác” Hà Nội: Công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 bám sát tiến độ đề ra Người dân nhường một phần đất cho mặt bằng dự án là biểu hiện rõ nhất trách nhiệm với Thủ đô

Chủ trương đúng đắn và cấp thiết

Chủ trương di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội rất đúng đắn và cấp thiết. Việc này không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm mà còn tạo dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, có điều kiện thực hiện các vấn đề liên quan đến dân sinh tốt hơn.

Theo UBND TP Hà Nội, việc di dời các cơ sở nhà, đất theo quy hoạch (đợt 1) nhằm làm cơ sở để các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phải di dời theo quy hoạch, qua đó góp phần sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình công cộng, bảo đảm hạ tầng xã hội, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị.

Tăng cường tuyên truyền, đẩy nhanh công tác di dời cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm
Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là một trong các cơ sở phải di dời

Thực hiện chủ trương này, đầu tháng 4/2023, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-BÐT về khảo sát công tác thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn 12 quận của thành phố.

Theo kế hoạch, đơn vị này sẽ khảo sát qua báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, 12 quận, đồng thời kết hợp khảo sát trực tiếp một số địa điểm cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn 12 quận của thành phố.

Cụ thể, Ban khảo sát tình hình triển khai thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và các quy định liên quan; Tình hình tổ chức thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 của HĐND thành phố về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1); Tình hình, kết quả thực hiện công tác di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đến hết tháng 12/2022; Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời của các cơ sở gây ô nhiễm; Tình hình, kết quả thực hiện công tác di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch đến hết tháng 12/2022; Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời của các cơ sở gây ô nhiễm; Công tác phối hợp giữa UBND quận với Sở Tài nguyên và Môi trường, các ngành liên quan trong triển khai tổ chức thực hiện di dời các cơ sở sản xuất theo quy định.

Ngoài ra, Ban cũng nắm bắt những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục; Đề xuất kiến nghị với thành phố.

Khảo sát tại quận Đống Đa cho thấy, trên địa bàn quận có tổng số 14 cơ sở nằm trong danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch. Đến hết tháng 12/2022, quận có 7 cơ sở đã ngừng hoạt động sản xuất; 1 cơ sở nằm trong danh mục nhà đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội - đợt 1 theo Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 8/7/2022 của HĐND thành phố; Còn lại 6 cơ sở đang thực hiện di dời.

Từ thực tiễn triển khai trên địa bàn, quận Đống Đa kiến nghị UBND thành phố có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý các dự án đường sắt sớm triển khai Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội; Lên phương án đền bù giải phóng mặt bằng tạo điều kiện để Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường có kinh phí để di dời ổn định sản xuất.

Gắn trách nhiệm, tăng cường vai trò chủ động của cơ quan quản lý nhà nước

Sau đợt khảo sát tình hình thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn thành phố, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội khẳng định, việc di dời đang chậm so với yêu cầu và kiến nghị cần đẩy nhanh, không thể chậm trễ hơn nữa.

Khu đất số 460 Trần Quý Cáp (phường Văn Chương, quận Đống Đa) được Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường cho thuê gây ô nhiễm môi trường
Khu đất số 460 Trần Quý Cáp (phường Văn Chương, quận Đống Đa) được Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường cho thuê gây ô nhiễm môi trường

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, giai đoạn 2003-2012, thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thành phố Hà Nội có 25 cơ sở thuộc danh sách phải thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường. Đến nay, 25/25 cơ sở đều đã hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường và được Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Quyết định chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm triệt để.

Bên cạnh việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, thực hiện các chủ trương di dời, UBND thành phố đã chủ động hướng dẫn di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị. Trong đó, 67 cơ sở công nghiệp thuộc đối tượng di dời do không phù hợp quy hoạch đã có Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ thương mại với diện tích 102,07ha; 27 cơ sở công nghiệp thuộc đối tượng di dời do không phù hợp quy hoạch đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, với tổng diện tích 38,6017ha.

Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đoàn Việt Cường cho biết, qua khảo sát thực tế, kết quả thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch còn hạn chế, chậm so với yêu cầu. Theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường của UBND thành phố ban hành từ năm 2010, việc xác định đối tượng di dời, lộ trình di dời hoàn thành xong trong năm 2015. Tuy nhiên đến năm 2016 mới di dời được 67 cơ sở và chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 27 cơ sở. Kết quả đạt được chủ yếu do sự chủ động thực hiện của các chủ đầu tư cơ sở sản xuất, còn vai trò chủ động của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế.

Sau đợt khảo sát, Ban Đô thị HĐND thành phố đã kiến nghị UBND thành phố khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác di dời; Chỉ đạo các sở, ngành của thành phố chủ động làm tốt hơn công tác tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích di dời các cơ sở gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch, trong đó bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp; Phân công rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp và chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ; Riêng đối với các cơ sở không phù hợp quy hoạch, UBND thành phố cần chỉ đạo liên ngành chủ động công bố công khai thông tin quy hoạch để đối tượng phải di dời biết và chủ động thực hiện...

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân cho rằng, để thúc đẩy nhanh việc di dời cơ sở gây ô nhiễm theo kế hoạch, UBND thành phố cần ban hành danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (đợt 1) bảo đảm đúng quy định; Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện bảo đảm rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì, trách nhiệm cơ quan phối hợp, rõ tiến độ, lộ trình thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Thành phố cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường không tiếp tục gia hạn sử dụng đất cho các cơ sở bị di dời; Tham mưu cơ chế quản lý khu vực các đơn vị đã di dời tránh tình trạng lấn chiếm, tập trung phế thải không đúng nơi quy định; Chủ trì cùng các sở, ngành, UBND 12 quận và 5 huyện có đề án thành lập quận (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) lên danh mục các cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp phải di dời không phù hợp quy hoạch theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các quận cần phối hợp làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến từng doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý; Hỗ trợ, hướng dẫn theo chức năng, nhiệm vụ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện di dời.

Diệu Linh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động