Hà Nội phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hoá

Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Ô nhiễm không khí không chỉ là hệ quả của đô thị hóa thiếu kiểm soát, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, môi trường và sức hấp dẫn của Thủ đô.
Hà Nội: Sắp xếp cán bộ, chọn người vì việc, không vì cơ cấu Hà Nội thông tin thứ tự ưu tiên lựa chọn lãnh đạo xã, phường mới Hà Nội nỗ lực không ngừng vì sức khỏe người dân

Lời tòa soạn

Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến, đang đối mặt với những thách thức lớn trong hành trình phát triển bền vững. Ô nhiễm không khí mịt mù, giao thông ùn tắc và áp lực từ quản lý đất đai trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng đã trở thành những vấn đề cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng sống, và hình ảnh của thành phố.

Trong chuỗi 3 bài viết này, chúng tôi phân tích thực trạng ô nhiễm không khí, đánh giá kế hoạch cấm xe máy vào năm 2030 như một giải pháp đột phá, và thảo luận vai trò của quản lý đất đai và sắp xếp đơn vị hành chính trong việc hỗ trợ các mục tiêu môi trường, giao thông.

Thông qua các dữ liệu, ý kiến chuyên gia và câu chuyện thực tế, chúng tôi hy vọng mang đến bức tranh toàn diện, đồng thời kêu gọi hành động từ chính quyền, doanh nghiệp và mỗi người dân để xây dựng một Hà Nội xanh, sạch, hiện đại.

Bài 1: Ô Nhiễm không khí tại Hà Nội - Thách thức và hành động

Hà Nội, trái tim văn hóa của Việt Nam, đang ngột ngạt trong khói bụi. Theo IQAir, ngày 7/1/2025, Hà Nội đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí (AQI) đạt 259, mức “rất không tốt”.

Bụi mịn PM2.5, loại hạt siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi, thường xuyên vượt ngưỡng an toàn của WHO (25 µg/m³) từ 2-4 lần, đặc biệt vào mùa đông. Ô nhiễm không khí không chỉ là hệ quả của đô thị hóa thiếu kiểm soát, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, môi trường và sức hấp dẫn của Thủ đô.

Bầu trời mịt mù của Thủ đô

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), giao thông đường bộ, đặc biệt là hơn 7 triệu xe máy và 1,1 triệu ô tô, 10 khu công nghiệp, 1.300 làng nghề đóng góp khoảng 46% lượng bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội.

Các công trình xây dựng, nạn đốt rơm rạ ở ngoại thành (chiếm 13% ô nhiễm) và rác thải tự phát làm trầm trọng thêm tình hình.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, khẳng định: “Nguyên nhân cốt lõi của ô nhiễm không khí là khói thải từ giao thông, bụi từ xây dựng và đốt rơm rạ. Thời tiết khô hanh chỉ khuếch tán vấn đề này”.

Dữ liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) cuối năm 2024 cho thấy, 29/30 quận, huyện có nồng độ PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia, với các quận nội thành như Ba Đình, Hoàn Kiếm chịu mức ô nhiễm cao nhất.

Hà Nội phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hoá
Trong thời gian qua, Hà Nội đã ghi nhận một số đợt ô nhiễm không khí nặng. Theo thông lệ, thời gian ô nhiễm tập trung từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Ảnh minh hoạ.

Đáng nói, nồng độ PM xuất hiện tại 29/30 quận, huyện, thị xã. Nguồn phát thải bao gồm nguồn từ giao thông chiếm 66,3% đối với PM 2.5 và hơn 54% đối với PM 10 (10 micron trở xuống); ngoài ra, đốt rơm rạ ngoài trời và hoạt động công nghiệp cũng được xác định là nguồn phát thải lớn hai loại bụi này.

UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến về kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến 2035 để ứng phó tình trạng "chất lượng không khí đang có chiều hướng suy giảm trên diện rộng". Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 75%-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình từ 51-100 (màu vàng).

Hà Nội cũng đặt chỉ tiêu đến năm 2030 kiểm soát nồng độ PM 2.5 trong không khí trung bình năm ở nội đô dưới 40 μg/Nm3 và dưới 35 μg/Nm3 đối với khu vực ngoại thành. Giá trị này vẫn cao hơn ngưỡng an toàn theo quy chuẩn quốc gia (dưới 25 μg/Nm3).

Tác động đến sức khỏe và kinh tế

Ô nhiễm không khí gây ra khoảng 60.000 ca tử vong sớm mỗi năm tại Việt Nam, theo TS. Nguyễn Thị Trang Nhung, Đại học Y tế Công cộng, cho biết: “Khi nồng độ PM2.5 tăng 39,4 µg/m³ trong 7 ngày, số ca trẻ em nhập viện vì viêm phổi tăng 5,3%”.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, với sự gia tăng nồng độ bụi PM2.5, trung bình mỗi năm có thêm 1.062 ca nhập viện do bệnh tim mạch, 2.969 ca nhập viện do bệnh hô hấp.

Nếu hàm lượng PM10, PM2,5 tăng lên 10μg/m3 thì số ca nhập viện liên quan đến đường hô hấp của trẻ em Hà Nội tăng tương ứng là 1,4%; và 2,2%. Hàm lượng NO2 trung bình trong 7 ngày tăng lên 21,9 μg/m3 số ca nhập viện do viêm phổi sẽ tăng lên 6,1%.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe con người, đặc biệt với người già, trẻ em, người mắc các bệnh hô hấp, phụ nữ có thai. Đặc biệt, người có bệnh hô hấp sẽ cảm thấy khó thở hơn kèm theo đau tức ngực.

Hà Nội phát triển bền vững trong bối cảnh đô thị hoá
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Đỗ Đức Duy chủ trì một hội nghị về giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Nếu không khí càng ô nhiễm, tỷ lệ người nhập viện vì các bệnh hô hấp, tim mạch càng tăng lên. Vì vậy, bác sĩ Giáp khuyến cáo người có bệnh lý hô hấp không nên ra ngoài đường. Người bị hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần lưu ý tuân thủ và duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ, nếu có dấu hiệu khó thở, không tự kiểm soát được nên liên hệ với bác sĩ theo dõi. Khi ra ngoài, người dân nên sử dụng khẩu trang, lưu ý khẩu trang y tế không lọc được bụi mịn.

Theo bà Lê Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), trước thực trạng ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe con người, Bộ Y tế đã xây dựng sổ tay hướng dẫn phòng, chống tác động của ô nhiễm không khí tới sức khỏe bao gồm hướng dẫn chung và hướng dẫn cho các nhóm đối tượng người cao tuổi, trẻ em, những người có bệnh lý nền, người tham gia giao thông.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí theo các mức chỉ số chất lượng không khí AQI cho người bình thường, những người nhạy cảm và các mức độ nguy hại cụ thể với từng nhóm đối tượng để người dân có biện pháp dự phòng.

Là một người dân ở nội thành Hà Nội, chị Nguyễn Thị Linh (quận Ba Đình) than thở: “Cứ ra khỏi cửa nhà là mọi người đều phải đeo khẩu trang, hôm nào lỡ quên thì phải ghé gấp vào cửa hàng thuốc để mua vì không khí quá ngột ngạt”.

Về kinh tế, Ngân hàng Thế giới ước tính ô nhiễm không khí gây thiệt hại 13 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam, tương đương 4% GDP.

Ngành du lịch Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng khi bầu trời mịt mù làm giảm sức hút với du khách. Nhiều du khách chia sẻ, họ đi du lịch đều mong muốn đặt chân đến Thủ đô của các nước. Đến với Việt Nam, họ mong muốn có những kỷ niệm đẹp ở Hà Nội.

Tuy nhiên, nếu không phải vì chiến lược phát triển du lịch hấp dẫn, thì việc không khí ô nhiễm không thể níu chân họ ở lại lâu với Hà Nội. Trong các thành phố của Hà Nội thì không khí ở Hà Nội ngột ngạt hơn nhiều.

Hành động vì Hà Nội xanh

Hà Nội đã triển khai 34 trạm quan trắc không khí và chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Tuy nhiên, GS.TS Đặng Thị Kim Chi, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhận xét: “Chất lượng không khí vẫn xấu do hạ tầng giao thông kém và ý thức người dân chưa cao”.

Các giải pháp như kiểm định khí thải xe máy từ năm 2027 và phát triển giao thông công cộng cần được đẩy mạnh.

Trong bài phát biểu hồi cuối tháng 3/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Yêu cầu phải hành động ngay từ bây giờ, nhằm cải thiện các chỉ tiêu chất lượng không khí ngay trong tháng tới, quý tới, cuối năm để bảo vệ sức khỏe người dân”.

Ngay từ bây giờ, người dân cũng cần góp phần bằng cách sử dụng phương tiện công cộng và báo cáo hành vi đốt rác trái phép.

(Còn nữa)
Hoa Thành
Phiên bản di động