Tăng cường phối hợp, tạo sự thông suốt, thống nhất trong toàn hệ thống tuyên giáo
Hệ thống tuyên giáo Thủ đô đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Nhịp cầu nối dân với Đảng Hệ thống tuyên giáo Thủ đô phải chủ động nắm bắt, dự báo kịp thời diễn biến những vấn đề lớn |
Đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống dịch
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng cho biết, 9 tháng năm 2021, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ động thông tin, tuyên truyền và triển khai thực hiện học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP, 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII. Trong đó, Ban đã tham mưu, tổ chức 3 hội nghị trực tuyến triển khai, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP Hà Nội...
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng báo cáo tại hội nghị |
Đáng chú ý, hệ thống tuyên giáo từ thành phố đến cơ sở đã có đóng góp quan trọng vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc tuyên truyền được triển khai đa dạng, đồng bộ, hiệu quả với nhiều hình thức qua hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động, báo chí, Zalo, fanpage, tọa đàm... giúp người dân nhận thức đúng về sự nguy hiểm của dịch bệnh và nâng cao ý thức phòng, chống dịch với phương trâm "ai ở đâu ở đó", "chống dịch như chống giặc", "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi nhà, thôn bản, xóm làng, khu phố là một pháo đài chống dịch"...
Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đã phối hợp với Ban Chỉ đạo 35 các cấp nắm bắt, phản ánh, tiếp nhận nguồn thông tin chính thống để chỉ đạo, định hướng kịp thời, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc chống phá chủ trương, thành quả công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố và cả nước...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác thông tin tuyên truyền giảm về quy mô, hình thức. Một số đơn vị chưa chủ động, thiếu sáng tạo, hạn chế hiệu quả tuyên truyền. Một số cộng tác viên dư luận xã hội ở một số thời điểm còn chưa chủ động nắm bắt, phản ánh kịp thời những sự việc nóng phát sinh; Sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo với một số cơ quan có lúc có việc chưa đồng bộ...
Thảo luận về kết quả công tác tuyên giáo 9 tháng đầu năm, đồng chí Đinh Thị Lan Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị quận Đống Đa cho biết: Trên cơ sở học tập kinh nghiệm các đơn vị bạn và kinh nghiệm trong năm 2020, Ban Tuyên giáo quận đã tăng cường các bài viết, thông tin tích cực tạo hiệu ứng với người dùng trên mạng xã hội; Tăng cường tuyên truyền gương người tốt việc tốt, các hoạt động chăm lo đời sống Nhân dân... góp phần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”. Ngoài ra, Ban chỉ đạo 135 của quận đã tăng cường tương tác với người dân qua trang fanpage của quận; Phản ánh kịp thời, hồi đáp các thông tin tới người dân sau khi được tiếp nhận…
Đại biểu tham luận tại hội nghị |
Theo đại diện Ban Tuyên giáo Quận ủy Hoàng Mai, là địa bàn rộng, dân cư đông, từ đầu đợt dịch thứ 4 tới nay, Hoàng Mai luôn là điểm nóng, liên tục xuất hiện các ca F0 trong cộng đồng. Tính từ đầu năm 2021, quận có 387 F0, chiếm 1/10 số ca của TP.
Trước tình hình đó, Quận ủy Hoàng Mai đã giao Ban Tuyên giáo quận triển khai tổ chức tuyên truyền mạnh tại cơ sở, trên cổng thông tin điện tử và trên 2 trang chính danh, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội; Đầu tư cơ sở vật chất và các dịch vụ liên quan tới mạng xã hội để cán bộ tuyên giáo tương tác nhanh, hiệu quả...
Cùng với đó, Ban Tuyên giáo quận đã tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền vận động người dân lập và duy trì 248 tổ tự quản, 540 chốt vùng xanh an toàn... Đến nay, quận Hoàng Mai đã qua 10 ngày không xuất hiện ca F0 trong cộng đồng, yên tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị 22 của UBND TP và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Trong ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, doanh nghiệp, người lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Hà Đông, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động TP chia sẻ, các cấp Công đoàn đã chủ động triển khai kịp thời nhiều hoạt động hỗ trợ, nhất là đối với người lao động ngoại tỉnh, gặp nhiều khó khăn. Về công tác tuyên truyền, ông Hà Đông cho biết, phương châm của tổ chức Công đoàn là đơn giản, dễ hiểu, chú trọng vận động người lao động thực hiện tốt quy định của chính quyền địa phương.
Công đoàn cũng đã công khai các số điện thoại đường dây nóng trên mạng xã hội và các điểm trong khu công nghiệp để người lao động có thể liên lạc khi cần hỗ trợ. Cùng với tuyên truyền trên hệ thống fanpage, các cấp Công đoàn cũng đã thành lập trên 1 nghìn nhóm Zalo với hơn 100 nghìn thành viên tham gia để kịp thời truyền đạt thông tin, chỉ đạo.
Về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Trần Thị Mai Dung cho biết: Sở đã thực hiện xuyên suốt hệ thống phần mềm khai báo y tế, quản lý dữ liệu dân cư, từ đó giúp theo dõi, truy vết hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là thời gian sau giãn cách xã hội. Tính đến 18h ngày 4/10, toàn thành phố đã có gần 3,5 triệu điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng PC-Covid (đạt tỷ lệ 52%); Tổng số địa điểm quét mã QR đến ngày 5/10 là 542.345; Trung bình 7 ngày qua mỗi ngày có 358.118 lượt quét mã QR trên phạm vi toàn thành phố.
Đáng chú ý, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Tổng đài 1022 để tiếp nhận, xử lý thông tin và hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt nhiều kết quả tích cực...
Tăng cường nắm bắt tư tưởng, đời sống Nhân dân
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Kết luận hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai nêu rõ, hội nghị là dịp để ngành Tuyên giáo học tập, trao đổi các bài học kinh nghiệm cũng như bàn giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian tới.
Đánh giá về kết quả công tác tuyên giáo 9 tháng năm 2021, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, đến nay, ngành Tuyên giáo đã thực hiện được 3/4 đầu việc đề ra trong năm 2021; Trong đó, nhiều việc chưa có tiền lệ, tạo dấu ấn rõ rệt của ngành Tuyên giáo với vai trò đi trước mở đường.
Một kết quả nổi bật là Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, tạo hiệu ứng lan tỏa tới từng quận, huyện, cơ sở, doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là hiệu quả từ các quyết sách phòng, chống dịch của thành phố. "Từ ngày 27/4 đến nay, đã có hơn 147 nghìn tin, bài liên quan đến công tác phòng, chống dịch của TP Hà Nội", đồng chí Bùi Huyền Mai cho biết.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai yêu cầu ngoài 11 nhóm nhiệm vụ đã được thống nhất, Ban Tuyên giáo các Quận, Huyện, Thị ủy cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả, nhằm tạo chuyển động thật sự trong cả hệ thống và dòng chảy truyền thông, đặc biệt ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, sự cố truyền thông; Chia sẻ các cách làm hay, sáng tạo hiệu ứng lan tỏa trong toàn thành phố; Cùng đó, tăng cường nắm bắt tư tưởng, đời sống trong Nhân dân để chủ động xử lý các vấn đề phát sinh.
"Quý III bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế không chỉ trên địa bàn Thủ đô mà ở cả nước. Khi đời sống kinh tế khó khăn sẽ nảy sinh các vấn đề tư tưởng trong Nhân dân, vì vậy, rất cần được quan tâm để vừa tạo ra hiệu ứng thống nhất về tinh thần, vừa phá vỡ âm mưu của các thế lực thù địch", Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lưu ý.
Đồng chí cũng đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu và đổi mới trong hoạt động tuyên giáo; Tổ chức các hội nghị trực tuyến kết hợp trực tiếp; Đổi mới trong tuyên truyền về các thông điệp, chỉ thị của thành phố, để tăng tính thuyết phục, tạo sự thông suốt, thống nhất trong toàn hệ thống tuyên giáo.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai khẳng định, ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ luôn sẵn sàng vào cuộc giúp đỡ mọi khó khăn vướng mắc, vấn đề khó cho các đơn vị, nhằm hướng tới mục tiêu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị quan trọng của TP trong thời gian tới...