Sự suy giảm dân số của Trung Quốc có thể tác động đến thế giới

Trung Quốc có thể tiến một bước gần hơn đến việc mất đi vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới vào tay Ấn Độ sau khi dân số nước này giảm lần đầu tiên kể từ những năm 1960.
Tranh cãi về văn hóa “nằm yên” của giới trẻ Trung Quốc Áp thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm gỗ xuất xứ Trung Quốc Trung Quốc: Các cặp vợ chồng mới cưới được nghỉ phép 30 ngày có lương

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vào năm 2022, dân số của Trung Quốc đã giảm xuống còn 1,411 tỷ người, giảm khoảng 850.000 người so với năm trước.

Lần cuối cùng dân số Trung Quốc ghi nhận giảm là vào năm 1961, một nạn đói đã cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người trên cả nước.

Sự sụt giảm lần này là kết hợp nhiều yếu tố: Hậu quả sâu rộng của chính sách một con mà Trung Quốc đưa ra vào những năm 1980 (nhưng sau đó đã bị bãi bỏ); sự thay đổi thái độ đối với hôn nhân và gia đình ở giới trẻ Trung Quốc; bất bình đẳng giới và những thách thức trong việc nuôi dạy trẻ em ở các thành phố lớn đắt đỏ của Trung Quốc.

Sự suy giảm dân số của Trung Quốc có thể tác động đến thế giới
Dân số Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 1961 (Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, nó có thể gây ra những hệ lụy sâu sắc trên toàn cầu bởi Trung Quốc đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai.

Tại sao điều này đang xảy ra

Sự suy giảm dân số một phần là kết quả của chính sách một con của Trung Quốc, trong hơn 35 năm giới hạn các cặp vợ chồng chỉ được sinh một con. Những phụ nữ bị bắt gặp đi ngược lại chính sách này thường bị cưỡng bức phá thai, phạt nặng và có thể bị trục xuất.

Được báo động bởi tỷ lệ sinh giảm trong những năm gần đây, chính phủ đã loại bỏ quy tắc này. Vào năm 2015, chính phủ đã cho phép các cặp vợ chồng có hai con và vào năm 2021, con số này được nâng lên thành ba. Tuy nhiên, sự thay đổi về chính sách và những nỗ lực khác của chính phủ, chẳng hạn như cung cấp các ưu đãi về tài chính, gần như không tác dụng vì nhiều lý do.

Trong đó, chi phí sinh hoạt và giáo dục đắt đỏ, giá bất động sản tăng vọt là những yếu tố chính. Nhiều người, đặc biệt là ở các thành phố lớn phải đối mặt với tình trạng tiền lương trì trệ, ít cơ hội việc làm hơn và kiệt sức vì thời gian làm việc nhiều khiến việc nuôi một đứa con vừa khó khăn vừa tốn kém chứ chưa nói đến ba đứa con.

Sự suy giảm dân số của Trung Quốc có thể tác động đến thế giới
Ngay cả sau khi Trung Quốc đảo ngược chính sách một con, tỷ lệ sinh vẫn không như mong đợi (Ảnh: AP)

Những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do những suy nghĩ cố hủ thường đặt phần lớn công việc nhà và chăm sóc con cái lên vai người phụ nữ. Tuy nhiên những người có trình độ học vấn cao và độc lập về tài chính ngày càng không sẵn sàng gánh vác gánh nặng bất bình đẳng này. Bên cạnh đó, phụ nữ cũng cho biết họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc dựa trên tình trạng hôn nhân, ví dụ như người sử dụng lao động thường miễn cưỡng trả tiền nghỉ chế độ thai sản.

Do vậy, một số tỉnh và thành phố tại Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng các biện pháp khuyến khích tăng tỷ lệ sinh như tăng thời gian nghỉ sinh con và mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ em. Song nhiều nhà hoạt động xã hội và phụ nữ nói rằng như vậy vẫn chưa đủ.

Điều này có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc

Dân số giảm có khả năng làm tăng thêm các vấn đề về nhân khẩu mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Dân số của đất nước đang già đi và lực lượng lao động bị thu hẹp, gây áp lực to lớn lên thế hệ trẻ.

Theo thống kê, số người già tại Trung Quốc hiện chiếm gần 1/5 dân số. Một số chuyên gia cảnh báo rằng đất nước này có thể đang đi theo con đường tương tự như Nhật Bản, quốc gia đã bước vào ba thập kỷ trì trệ kinh tế vào đầu những năm 1990 do già hoá dân số.

“Nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển đổi quan trọng, không còn khả năng dựa vào lực lượng lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh để thúc đẩy công nghiệp hóa và tăng trưởng. Khi nguồn cung lao động bắt đầu giảm, tăng trưởng năng suất sẽ cần phải tăng lên để duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế”, Giám đốc kinh tế của HSBC Châu Á Frederic Neumann cho biết.

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2022 – một trong những thành tích tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ, do nhiều tháng đóng cửa vì dịch COVID-19 và sự suy thoái lịch sử trên thị trường bất động sản.

Lực lượng lao động bị thu hẹp có thể khiến việc phục hồi trở nên khó khăn hơn khi quốc gia này nối lại hoạt động du lịch ra nước ngoài và từ bỏ nhiều hạn chế nghiêm ngặt vốn được duy trì trong vài năm qua.

Điều này có ý nghĩa gì đối với thế giới

Với vai trò thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, những thách thức của Trung Quốc có thể có tác động đối với phần còn lại của thế giới.

Đại dịch đã cho thấy các vấn đề trong nước của Trung Quốc có thể ảnh hưởng như thế nào đến thương mại và đầu tư, với việc phong tỏa và kiểm soát biên giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Sự suy giảm dân số của Trung Quốc có thể tác động đến thế giới
Tỷ lệ sinh giảm của Trung Quốc có thể có tác động đối với phần còn lại của thế giới (Ảnh: Getty)

Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại không chỉ kéo theo tăng trưởng toàn cầu mà còn có thể đe dọa tham vọng vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu nói rằng có thể trong cái rủi vẫn có cái may.

Bà Mary Gallagher, Giám đốc Viện Quốc tế tại Đại học Michigan, viết trên Twitter: “Đối với việc biến đổi khí hậu và môi trường, dân số ít hơn là một lợi ích chứ không phải là một tai họa.”

Ông Peter Kalmus, một nhà khoa học về khí hậu tại NASA, lập luận rằng không nên coi sự suy giảm dân số là “một điều khủng khiếp”, thay vào đó chỉ ra rằng “sự nóng lên toàn cầu và mất đa dạng sinh học đang tăng nhanh theo cấp số nhân”.

Chính phủ Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực khuyến khích các gia đình tăng tỷ lệ sinh như tăng thời gian nghỉ thai sản và cung cấp các khoản khấu trừ thuế cùng 1 số đặc quyền khác.

Vào tháng 10, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết “cải thiện chiến lược phát triển dân số” và giảm bớt áp lực kinh tế đối với các gia đình.

“Chúng tôi sẽ thiết lập một hệ thống chính sách để tăng tỷ lệ sinh sản và giảm chi phí mang thai, sinh con và nuôi dạy trẻ. Chúng tôi sẽ theo đuổi chiến lược quốc gia chủ động nhằm đối phó với tình trạng già hóa dân số, phát triển các chương trình và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cũng như cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho người cao tuổi sống một mình”, ông Tập cho biết.

Một số nơi thậm chí còn đưa ra các ưu đãi bằng tiền mặt để khuyến khích sinh nhiều hơn. Ví dụ như ngôi làng ở phía nam tỉnh Quảng Đông đã đưa ra thông báo vào năm 2021 rằng họ sẽ trả cho những cư dân thường trú có trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi rưỡi lên tới 510 USD/một tháng (tổng cộng có thể lên tới hơn 15.000 USD) cho mỗi đứa trẻ. Những nơi khác thì cung cấp trợ cấp bất động sản cho các cặp vợ chồng có nhiều con.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa có kết quả, với nhiều chuyên gia và người dân nói rằng cần có nhiều cải cách quốc gia sâu rộng hơn. “Để khuyến khích sinh con, trước tiên bạn phải giải quyết những lo lắng của những người trẻ tuổi”, một người dùng trên mạng xã hội bình luận.

“Lương của chúng tôi quá thấp, trong khi tiền thuê nhà quá cao và áp lực tài chính quá nặng nề. “Chi phí sinh hoạt và sức khỏe của tôi đã khó khăn rồi huống chi là việc có con”, một bình luận khác cho biết.

Trương Quỳnh Anh
Phiên bản di động