Sông Hồng, núi Tản chính là 'tài nguyên đặc biệt' của Hà Nội

Hà Nội là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời. Vị trí địa lý gắn với sông Hồng, núi Tản chính là tài nguyên của Thủ đô cần phải được phát huy.
Hà Nội xác định 10 nhóm giải pháp, phấn đấu đi đầu trong phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng Trải nghiệm công nghệ thực tế ảo và các sản phẩm sáng tạo tuổi trẻ Cụm đồng bằng sông Hồng

Đây là quan điểm của GS.TS Đỗ Thị Minh Đức (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) được chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” được tổ chức sáng nay (21/3).

Vùng đất “thế rồng cuộn hổ ngồi”

Từ 1013 năm trước, vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, với tầm nhìn chiến lược, vua Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thành Đại La (tức Thăng Long), vùng đất có "thế rồng cuộn hổ ngồi", "núi sông sau trước", "chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước, nơi đóng đô bậc nhất của kinh sư muôn đời".

Bởi thế, khi Đại Việt được mở rộng (đời Lý, Trần) và chủ quyền được củng cố, vị thế địa chính trị của Thăng Long được nâng lên rất rõ nét. Dòng chảy lịch sử hơn ngàn năm không bị gián đoạn, mà vẫn chảy ngầm. Dưới thời thuộc Pháp, người Pháp xây dựng Hà Nội là thủ phủ Liên bang Đông dương. Phủ toàn quyền Đông Dương ở đây, mặc dù triều đình đóng ở Huế.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đưa Hà Nội trở lại vị thế là Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, và sau khi đất nước thống nhất, là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm về nguồn tài nguyên của Hà Nội, GS.TS Đỗ Thị Minh Đức (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), cho rằng, vị trí địa lý là tài nguyên vị thế của Hà Nội. “Vị trí địa lí tạo nên một dạng tài nguyên đặc biệt, được gọi là tài nguyên vị thế. Các công trình nghiên cứu về địa lí của một lãnh thổ, một quốc gia đều có đánh giá ý nghĩa của vị trí địa lý”, bà Minh Đức nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng khẳng định, cuộc mở rộng địa giới thành phố Hà Nội năm 2008 trả lại cho Hà Nội gần như toàn bộ diện tích tự nhiên của Hà Nội thời kỳ 1979-1990. Với sự mở rộng này, vị trí địa lí và tài nguyên vị thế của Hà Nội khác nhiều so với trước đó.

Sông Hồng, núi Tản chính là
GS.TS Đỗ Thị Minh Đức (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) trình bày tham luận tại hội thảo

“Ngày nay, nước Việt Nam có nền kinh tế phát triển hơn trước nhiều, mở cửa, hội nhập ngày càng toàn diện vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa trên thế giới và khu vực (khu vực Đông Nam Á, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).

Vị thế địa chính trị của Hà Nội được nâng cao hơn bao giờ hết, thực sự là nguồn lực phát triển của Thủ đô, đồng thời cũng tạo điều kiện để Hà Nội phát huy ảnh hưởng đối với đời sống mọi mặt của đất nước”, GS.TS Đỗ Thị Đức cho biết.

Sông Hồng, núi Tản là tài nguyên vị thế

Nhấn mạnh tầm quan trọng về vị thế tài nguyên, GS.TS Đỗ Thị Đức cũng chia sẻ, sông Hồng giữ vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của Thủ đô. Trước đây, Hà Nội được coi là thành phố ven sông Hồng, nằm ở hữu ngạn của sông.

Sông Hồng, núi Tản chính là
Cây cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng

Theo GS Đỗ Thị Đức, sông Hồng vốn là một sông có lũ lên nhanh, một năm có vài trận lũ, đỉnh lũ có thể trên 14m. Vì thế, đê sông Hồng đã từng được đắp lên cao hơn, to hơn. Ngày ấy, về mùa lũ, các loại xe ô tô, nhất là xe tải (tuy chưa có loại xe tải nặng như ngày nay) đều bị cấm lưu thông trên tuyến đê (nay là các đường An Dương Vương - Âu Cơ - Nghi Tàm - Hồng Hà - Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái...).

Từ ngày có công trình thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, rồi thủy điện Tuyên Quang, không còn lũ cao nữa. Đê trở thành đường, các loại xe lưu thông bình thường trên các con đường đó quanh năm. Các nhà quy hoạch đô thị bớt nỗi lo về lũ, về các công trình làm hẹp dòng chảy sông, đã đề xuất quy hoạch các khu đô thị trên các bãi bồi ven sông Hồng.

Sông Hồng, núi Tản chính là

Mới đây, tháng 3/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Theo đó, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Đây là bước khởi đầu cho việc hiện thực hóa “giấc mơ” xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng.

Trước đây, chỉ có cầu Long Biên (được xây từ 1899-1902) với khả năng thông qua hạn chế, lại bị hư hại do bị không quân Mỹ ném bom phá hoại. Từ ngày có thêm cầu Chương Dương (năm 1985), đô thị hóa ở khu vực thị trấn Gia Lâm (cũ) đã tăng lên. Quận Long Biên được thành lập năm 2003 trên cơ sở diện tích và dân số của 10 xã, 3 thị trấn, là quận đầu tiên bên phía đông sông Hồng.

Cầu Nhật Tân được khánh thành tháng 1/2015 đã nối bờ Nam với bờ Bắc sông Hồng (hai bờ là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) và xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh). Tuyến cao tốc thuận tiện nối sân bay Nội Bài với nội thành Hà Nội qua cầu Nhật Tân. Điều này đã khiến tốc độ đô thị hóa nóng lên nhanh.

Như vậy, sông Hồng đang ngày càng thể hiện là một tài nguyên quý giá trong quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội. Cho đến thời điểm hiện tại (năm 2022), Hà Nội đã có 8 cây cầu qua sông Hồng: Long biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh và Văn Lang.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng chính phủ phê duyệt số 519/QĐ-TTg, ngày 31/3/2016, Hà Nội sẽ có thêm 10 cây cầu nữa bắc qua sông Hồng. Đó là các cầu Vân Phúc, Hồng Hà, Thượng Cát, Thăng Long mới, Tứ liên, Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Mễ Sở, Trần Hưng Đạo, Phú Xuyên, Ngọc Hồi.

Đồng tình với những luận điểm đưa ra trong tham luận của GS Đức, GS Trương Quang Hải, Viện trưởng Việt Nam học cho rằng, Hà Nội có thế “nhìn sông, tựa núi”. "Núi Tản (Ba Vì) là một biểu tượng của xứ Đoài xưa.

Từ ngày Hà Nội mở rộng (tháng 8/2008), nhiều ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị đã tính đến vị trí đặc biệt của núi Ba Vì, chẳng hạn như phát triển “trục Thăng Long. Vị trí đặc biệt của Ba Vì đã định hướng cho nhiều dự án phát triển đô thị dọc các trục đường 32, đại lộ Thăng Long nối trung tâm với vùng ngoại vi ở phía Tây, phía chân núi Ba Vì.

Trong định hướng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hồ Tây - Ba Vì được xác định là trục phát triển, kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh" - ông nhấn mạnh.

Với một vị thế đặc biệt nên Hà Nội cần phải khai thác lợi thế về tài nguyên vị trí địa lý. Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội là thành phố của sông hồ, gắn với hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa, tạo nên danh lam thắng cảnh đặc thù của Thủ đô văn hiến.

"Cần phải khai thác vị thế tài nguyên này của Hà Nội. Đây chính là một nguồn lực văn hóa quan trọng để Hà Nội phát triển ngành công nghiệp hóa", GS Trương Quang Hải một lần nữa nhấn mạnh.

Thái Sơn
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động