Sớm đưa Luật Đất đai mới đi vào cuộc sống
Năm yếu tố đột phá trong Luật Đất đai mới Kỳ vọng vào Luật Đất đai mới |
Chiều 1/2, tại buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, ngày 18/1/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện luật, trong đó có những nội dung đáng chú ý.
Nội dung thứ nhất là tổ chức xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Theo ông Ngân, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, của Bộ trưởng, của HĐND cấp tỉnh và UBNDcấp tỉnh. Theo đó, kế hoạch đã rà soát kỹ lưỡng những điểm, những điều trong luật giao Chính phủ ban hành quy định chi tiết.
"Chúng tôi dự kiến có 9 nghị định. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 nghị định, Bộ Tài chính sẽ tham mưu ban hành 2 nghị định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 nghị định. Dự kiến sẽ ban hành 6 thông tư, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường có 4 thông tư, Bộ Tài chính 1 thông tư và Bộ Nội vụ 1 thông tư", Thứ trưởng Lê Minh Ngân chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân. |
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết sẽ có 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu. Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phải quy định chi tiết, còn 1 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND ban hành. Trong kế hoạch đã nói rất rõ, phân biệt rất rõ và có quy định thời gian để chuẩn bị.
Cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật thì việc giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm cả những luật có liên quan đến đất đai mà trong quá trình sửa đổi luật chúng ta chưa sửa đổi trực tiếp cùng Luật Đất đai thì sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tính đồng bộ.
Thứ hai, với các nghị định liên quan đến công tác quản lý đất đai, các bộ, ngành có liên quan cũng tiếp tục rà soát. Các địa phương cũng tiếp tục rà soát các quy định, các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, để sửa đổi, bổ sung, ban hành đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Nội dung thứ ba là chuẩn bị cho công tác tổ chức phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành luật, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành của Trung ương và các cơ quan thông tấn, truyền thông để phổ biến đến các đối tượng thực sự chịu tác động của luật.
"Làm sao để các điểm mới của Luật Đất đai, nội dung và các văn bản hướng dẫn thi hành được các đối tượng chịu tác động của luật và toàn thể nhân dân đều biết đến và quá trình quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp được thuận lợi nhất, đảm bảo tính khả thi", ông Ngân nói.
Nội dung thứ tư là kế hoạch triển khai các giải pháp, nguồn lực để thực hiện Luật Đất đai.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất với Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước như: Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, điều tra đánh giá cơ bản về đất đai, duy trì hệ thống thông tin đất đai. Đối với các địa phương cũng tập trung nguồn lực, trước hết là cho các quỹ phát triển đất, đảm bảo tạo ra quỹ đất để thực hiện tổ chức đánh giá việc sử dụng đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư...
Đồng thời, các địa phương tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Đảm bảo cho Luật Đất đai với các văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như các chính sách mới được triển khai thực hiện một cách đồng bộ sau khi luật có hiệu lực.