Kỳ vọng vào Luật Đất đai mới
Năm nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi) Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức được thông qua |
Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 với tỷ lệ tán thành cao.
Có thể nói, trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, có lẽ chưa dự án nào trải qua quy trình đặc biệt như dự án Luật Đất đai lần này khi trải qua 4 kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều buổi làm việc do Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì.
Theo đánh giá, Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) |
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 vừa qua và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025 đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Tương tự, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cũng nhận định, việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã giải quyết được những vướng mắc từ thực tế; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất…
Một trong những yêu cầu đặt ra để Luật Đất đai (sửa đổi) phát huy hiệu quả ngay sau khi có hiệu lực, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần khẩn trương xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết ban hành; hướng dẫn việc chuyển tiếp đúng quy định, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung…
Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. |
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam kỳ vọng, Luật Đất đai sẽ được triển khai và thực hiện phù hợp với thực tiễn và đi vào cuộc sống, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu chính đáng của cử tri.
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng, để Luật Đất đai (sửa đổi) thật sự đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, người dân và doanh nghiệp thì việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Đồng thời tập trung tuyên truyền luật này sâu rộng đến các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.
Mặt khác, cần tiếp tục quán triệt, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai từ cơ sở, đảm bảo nguồn lực này phải được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả nhất.
Muốn vậy, theo đại biểu Xuân thì phải tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiểm toán trong lĩnh vực này; xây dựng hoàn thiện và số hóa cơ sở dữ liệu đất đai, nhất là cơ sở giá đất, cơ sở đất đai do cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước quản lý, đất đai là tài sản công, thị trường bất động sản...
Ngoài ra, mỗi cơ quan, tổ chức và người dân phải nghiên cứu, nhận thức đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình đối với đất đai, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng đất để thực hiện cho đúng và hiệu quả.
Đồng thời, cơ quan dân cử, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát huy vai trò giám sát trong quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương, đơn vị nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai một cách hiệu quả nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.