Năm yếu tố đột phá trong Luật Đất đai mới
Kỳ vọng vào Luật Đất đai mới Năm nhóm vấn đề mới của Luật Đất đai (sửa đổi) |
Sau 4 kỳ họp cho ý kiến và thảo luận, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trong Luật Đất đai (sửa đổi), có nhiều điểm thay đổi đột phá.
Thứ nhất, quan điểm tiếp cận trong quản lý đất đai của luật này có sự khác biệt cơ bản so với trước. Trước đây sử dụng nhiều biện pháp quản lý hành chính mang tính chất áp đặt nhưng Luật Đất đai (sửa đổi ) lần này chuyển sang hướng sử dụng nhiều hơn các cơ chế về thị trường để đảm bảo yếu tố về mặt lợi ích được điều tiết theo cơ chế thị trường. Điển hình như việc bỏ khung giá đất và xây dựng bảng giá đất phải sát với giá trị thị trường và được công bố, cập nhật hàng năm.
Thứ hai, trong Luật Đất đai (sửa đổi), việc định giá đất quy định rất rõ về phương pháp, cách thức, nguyên tắc và dựa trên những nguyên tắc đó thì Chính phủ sẽ ban hành ra những nghị định hướng dẫn cụ thể. Đây là cơ sở để chúng ta tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà hiện nay công tác định giá đất đang vướng.
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân |
Thứ ba, Luật Đất đai (sửa đổi) đã hướng đến giải quyết một vấn đề rất lớn liên quan đến chính sách đền bù, bồi thường khi mà người dân bị thu hồi đất.
Trước đây, người dân thường không bằng lòng khi thu hồi đất vì thường là chúng ta sẽ xác định giá đất không được sát với giá trị của thị trường, hoặc là bồi thường tái định cư thì cũng không đảm bảo cho người dân có một chỗ ở tương xứng với nơi ở cũ.
Luật Đất đai (sửa đổi) đã đáp ứng được nhu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW là bồi thường, tái định cư phải giúp cho người dân có thể có những điều kiện đảm bảo cuộc sống, điều kiện về sinh hoạt và việc làm bằng hoặc là có thể tốt hơn nơi ở cũ.
Thứ tư, Luật Đất đai (sửa đổi) đã tập trung vào giải quyết là phương thức chuyển giao đất đai giữa các chủ thể.
Theo đó, đất đai đưa vào sản xuất kinh doanh thì thực hiện theo phương thức, trường hợp nào thì giao tiếp trực tiếp, trường hợp nào thì phải thực hiện thu hồi và trường hợp nào thì thông qua phương thức thỏa thuận.
Đặc biệt là khi thực hiện các phương thức thu hồi và chuyển giao đất đai cho các hoạt động có mục đích kinh doanh thì thường là phải thực hiện thông qua đấu thầu, đấu giá để đảm bảo rằng chúng ta sẽ phân phối được lợi ích địa tô tăng lên nhằm đảm bảo lợi nhuận hài hòa.
Thứ năm, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rất rõ cơ chế, phương thức xử lý những vấn đề tồn đọng như là công nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người dân có đất nhưng mà lại không có các loại giấy tờ hoặc là có đất đã sử dụng mà không tuân thủ pháp luật nhưng mà nó lại phù hợp với quy hoạch, phù hợp với thực tế. Thậm chí là có những trường hợp được cấp đất không đúng thẩm quyền nhưng đến nay thì vẫn là phù hợp với quy hoạch, phù hợp với thực tế.
"Đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm mà bấy lâu nay người dân rất quan tâm thì trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra các phương thức xử lý khá rõ", ông Cường chia sẻ.
Kỳ vọng giải quyết được tốt hơn những vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai Cơ chế bồi thường, tái định cư được quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã được quy định khá rõ. Thứ nhất là việc xác định giá đất phải rất sát với giá thị trường. Nguyên tắc đầu tiên là phải sử dụng phương pháp so sánh để xem là thị trường đang giao dịch bao nhiêu. Như vậy phải xác định giá đất sát với giá thị trường. Còn nếu như giá đất đó không sát với giá thị trường thì khi đó sử dụng bảng giá đất và nhân với hệ số. Bảng giá đất đã được xác định là công bố hàng năm và sát với thị trường, không còn tình trạng thấp như trước kia. Như vậy, việc xác định giá đất để bồi thường, tái định cư trước hết là sẽ đảm bảo không quá thấp, không có sai lệch và tương đối phù hợp. Trong Luật Đất đai (sửa đổi) đã hướng đến việc bảo vệ cho người dân có đất bị thu hồi và đảm bảo cho người dân có được lợi ích thỏa đáng. Như vậy, tôi kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được tốt hơn những khiếu kiện liên quan đến đất đai. Vấn đề thứ hai liên quan đến nguồn gốc đất đai không rõ ràng, rất dễ diễn ra tranh chấp. Để giải quyết bất cập này, Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rất rõ về việc xác định cấp giấy chứng nhận cho những người dân có nguồn gốc về đất đai, thậm chí người ta đã sử dụng đất từ lâu đời rồi nhưng mà không có giấy tờ hoặc là có thể sử dụng nó một giai đoạn nào đó chưa phù hợp thì trong luật đã đưa ra phương án xử lý, giải quyết. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, trong Luật Đất đai đã nhấn mạnh “Nhà nước có trách nhiệm phải cấp giấy chứng nhận cho những người có điều kiện”. Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân. |