SCIC lên tiếng về việc nhiều khoản đầu tư không hiệu quả
Theo báo cáo tại ngày 31/12/2017, tổng giá trị đầu tư bằng nguồn của Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là hơn 40.199 tỷ đồng, trong đó đầu tư ngắn hạn là 26.714 tỷ đồng, chiếm 66,5% tổng giá trị đầu tư, đầu tư dài hạn là 13.485 tỷ đồng chiếm 33,5% tổng giá trị đầu tư.
KTNN đánh giá, mặt làm được của SCIC là đã ban hành quy trình ra quyết định đầu tư. Các dự án đầu tư đều được tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án, phê duyệt chủ trương đầu tư theo thẩm quyền. Tuy nhiên, cơ cấu danh mục đầu tư của SCIC chưa hợp lý, chủ yếu là hoạt động gửi tiền có kỳ hạn. Cụ thể, tiền gửi có kỳ hạn là hơn 18.703 tỷ đồng, bằng 70% tổng mức đầu tư ngắn hạn.
KTNN cũng cho rằng, lợi ích của SCIC thu được chủ yếu từ cổ tức của một số ít doanh nghiệp SCIC nhận bàn giao như Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), FTel, Vinaconex... Trong khi đó, các khoản SCIC tự đầu tư hiệu quả thấp, tỷ suất sinh lời năm 2017 là 6,4% trên giá trị vốn đầu tư. Cụ thể như một số khoản đầu tư vào lĩnh vực nhiệt điện đã không mang lại hiệu quả như phương án ban đầu. Ví dụ, SCIC góp vốn vào Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng với tổng giá trị đầu tư là 489 tỷ đồng từ năm 2009, cổ tức đã nhận được từ năm 2013 - 2017 là 135 tỷ đồng.
Tương tự, việc góp vốn vào Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh với tổng giá trị đầu tư là trên 571 tỷ đồng từ năm 2009, nhưng đến nay, SCIC mới nhận được cổ tức với mức 5% tương đương với 25,7 tỷ đồng (cổ tức năm 2012).
Liên quan tới các khoản đầu tư chưa hiệu quả, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC cho biết: SCIC hiện có 2 khoản đầu tư, một là tiếp nhận từ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhận bàn giao và hai là đầu tư mới. Một số khoản đầu tư do SCIC chưa thoái vốn, nên chưa thể khẳng định ngay được. Bên cạnh đó, một số khoản đầu tư SCIC tiếp nhận do tồn tại tài chính từ trước, nhưng có phần vốn Nhà nước, nên theo quy định vẫn phải nhận và SCIC đang tiếp tục tái cơ cấu, cái nào trong danh mục Thủ tướng yêu cầu thoái vốn là thoái, cái nào tái cơ cấu xong thì mới thoái hoặc đưa vào diện giám sát đặc biệt, tức là có phân loại doanh nghiệp.
"Tổng danh mục vốn Nhà nước là 1 tỷ USD, trên thị trường hiện giá trị khoảng 5 tỷ USD, tức là vẫn bảo toàn vốn, không phải thất thoát”, ông Thành nhấn mạnh.
Nhắc lại khoản đầu tư vào Vinaconex, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC chia sẻ: Cách đây vài năm khi đầu tư vào Vinaconex hơn 2.000 tỷ đồng, dư luận đặt ra câu hỏi tại sao lại để tiền vào một công ty thua lỗ như thế. Tuy nhiên, nếu không đầu tư vào thời điểm ấy, công ty sẽ phá sản và vốn Nhà nước sẽ bị mất. Sau đó, Vinaconex đã dần dần vượt qua khó khăn, lợi nhuận được chia tăng dần.
Tính đến hết năm 2018, doanh thu của SCIC ước là 12.582 tỷ đồng, đạt 159% kế hoạch. Trong số này, cả 3 mặt hoạt động đều có doanh thu tăng trưởng và vượt kế hoạch. Cụ thể, doanh thu cổ tức ước là 3.399 tỷ đồng, đạt 138% kế hoạch, doanh thu bán vốn là 7.692 tỷ đồng, bằng 187% kế hoạch trong khi doanh thu tài chính đạt 1.480 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 của SCIC ước là 9.467 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước là 8.253 tỷ đồng, đạt 152% kế hoạch và tương ứng 130% so với cùng kì năm 2017. Trong năm 2018, SCIC dự kiến nộp ngân sách Nhà nước trên 6.990 tỷ đồng, đạt 154% so với kế hoạch.
SCIC hiện đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 14 doanh nghiệp, với tổng số vốn Nhà nước là hơn 4.055 tỷ đồng. Số vốn này tăng mạnh so với 2 năm trước liền kề (vốn tiếp nhận khoảng 1.000 tỷ đồng/năm). Đáng chú ý trong số này là một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam, Tổng công ty Ligoci...
Riêng về bán vốn, một trong những thương vụ lớn được lãnh đạo SCIC nhắc tới là triển khai bán vốn tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh hồi tháng 3/2018. Với thương vụ này, giá vốn chỉ là 145 tỷ đồng, nhưng đã bán được 2.330 tỷ đồng, lãi chênh lệch tới 2.185 tỷ đồng. Trong tháng 11/2018, SCIC đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex (VCG), với giá đấu thành công 28.900 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phần bán được là hơn 7.366 tỷ đồng. Với thương vụ này, giá vốn là 2.549 tỷ đồng, lãi chênh lệch hơn 4.800 tỷ đồng, vượt cao hơn nhiều so với mức dự kiến.