Say đắm với Tết của người Mông
“Tết quê hương” – Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân trước thềm năm mới |
Gìn giữ nét đẹp ngày Tết của đồng bào
Những ngày cuối năm, không khí mùa Xuân đang nhuộm thắm đất trời bản Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La) - nơi còn giữ vẹn nguyên những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Khi những cây đào bung sắc hồng rực rỡ cũng là lúc các gia đình người Mông như Tráng A Lồng, A Giàng, A Đua, A Sếnh, A Chu… nghỉ ngơi để bước vào “tháng Tết”.
): Một góc làng người dân tộc Mông trong sương sớm (Ảnh: Anh Đức) |
Như đã nói trở trên, Tết của người Mông không giống với Tết cổ truyền của người Kinh. Ngày Tết của đồng bào không chỉ diễn ra trong vài ngày mà người Mông ăn Tết trong một tháng, bắt đầu từ ngày 30/11 Âm lịch. Các nghi lễ đón Tết của người dân tộc Mông rất độc đáo, tình tứ. Chính nhờ những nét đặc sắc rất riêng nên nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng nhờ vào Tết cổ truyền.
Diện lên mình bộ trang phục truyền thống sặc sỡ với hoa văn màu đỏ - đen bắt mắt, Tráng A Chu (người dân bản Hua Tạt) hào hứng kể về Tết: “Cũng như các dân tộc, công việc chuẩn bị cho Tết vào trước ngày 30/11 Âm lịch, sửa sang, thay mới ban thờ và làm bánh dầy món bánh truyền thống trong ngày Tết của người Mông. Trước khi làm lễ cúng tổ tiên, từng dòng họ trong bản cử thanh niên trai tráng, chặt được một cây to cao mang về dựng ở cuối bản, nơi có đủ mặt bằng cho cả họ tập trung lại và đan cỏ tranh thành hai sợi dây dài trang trí vòng tròn trên cây. Đây được gọi là lễ “Sầu su” tổ chức vào ngày cuối cùng Âm lịch của tháng 12”.
Đối với nghi lễ tâm linh trong ngày Tết, người Mông đặc biệt chú ý đến ban thờ trong nhà. Ban thờ của đồng bào Mông giản dị như cuộc sống của họ. Ban thờ để chính giữa hướng đường, chỉ với một tờ giấy trắng tự làm ra, dán lên tường cùng các hình thù trang trí, biểu tượng cho sức khỏe. Điều lạ, trên ban thờ vào dịp Tết của người Mông, ngoài con gà, 2 chiếc bánh dầy và một ít hoa quả, họ còn thờ cái cuốc, xẻng, rìu, súng săn chuột… (những vật dụng giúp họ trong sản xuất, săn bắn).
Lý giải về điều này, Tráng A Chu cho hay: “Người Mông quan niệm những vật dụng đó cũng như con người, cũng phải để nghỉ ngơi. Như vậy, năm sau nó mới có sức khỏe để cày, bừa, săn nhiều chuột, giúp con người khỏi bị đói rét”.
Thỏa sức chơi xuân
Điều đặc biệt thú vị là vai trò của người đàn ông trong gia đình Mông mỗi dịp Tết được thể hiện một cách rõ nét, đàng hoàng. Không còn là hình ảnh người đàn ông chếnh choáng hơi men tại phiên chợ huyện, thay vào đó là bóng dáng trụ cột, chỗ dựa vững chắc của gia đình.
Sáng mùng 1, ngày đầu tiên của năm mới, khi ông mặt trời còn ngái ngủ và đàn chim chưa cất tiếng hót đón bình minh, cánh đàn ông người Mông sẽ là những người dậy khỏi giường sớm nhất trong gia đình để làm hết mọi công việc thay người phụ nữ, từ nhóm bếp, nấu cơm, chuẩn bị thức ăn cho lợn, gà, trâu, bò…
Tiết mục múa đặc sắc của Mông trong ngày Tết |
Giải thích về việc này, ông Tráng A Cao (Bí thư Đảng ủy thôn Hua Tạt) gật gù kể: “Người Mông quan niệm nếu gia đình nào tổ chức ăn Tết vào các ngày 27, 28 hoặc 29 hay 30 trong tháng 11 Âm lịch thì ngày hôm sau sẽ là mùng một Tết, không nhất thiết cứ phải ăn Tết vào tối 30/11 Âm lịch. Do vậy, khi những tiếng gà gáy đầu tiên vang lên trong sáng ngày hôm sau thì cũng sẽ là thời điểm đánh dấu những phút giây đầu tiên bước sang năm mới và sẽ coi đó là ngày mùng 1 Tết”.
Người Mông quan niệm, đàn ông là trụ cột của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Không chỉ vậy, sáng mùng một Tết, sau khi chờ đàn ông trong gia đình dậy sớm nhóm bếp, cho lợn, gà ăn xong thì người phụ nữ cũng dậy để làm những công việc nhỏ hơn như hứng nước và dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón anh em họ hàng gần xa đến chung vui năm mới”.
Chị Thào Thị Ly ở bản Hua Tạt, chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, những cô gái người Mông đã được bố mẹ dạy bảo phải tập dậy sớm nhóm bếp, lấy nước, nấu cơm. Có như vậy sau này về nhà chồng mới được lòng mẹ chồng và họ hàng bên đó. Sáng mùng 1 Tết này, sau khi những người đàn ông được coi là trụ cột trong gia đình dậy sớm làm xong các công việc quan trọng trước thì tiếp sau đó, chúng tôi mới ra khỏi giường để hứng những giọt nước sạch nhất về sử dụng với mong muốn năm mới mọi thành viên trong gia đình đều mạnh khỏe, may mắn”.
Bên cạnh những nghi lễ tâm linh, ý nghĩa lớn nhất trong dịp Tết đối với đồng bào Mông là vui chơi. Trong các ngày Tết, nam thanh, nữ tú xúng xính trong những bộ quần áo mới và diện các đồ trang sức đẹp nhất. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên sườn đồi ngút ngàn cùng những tiếng leng keng của đồng bạc trên người các chàng trai, cô gái đi chơi xuân.
Trong dịp Tết, người Mông thích tụ tập để chơi các trò chơi dân gian và rất nhiều hoạt động vui chơi. Họ cùng nhau thi trình diễn trang phục truyền thống, văn nghệ, thi đấu thể thao. Các tiết mục văn nghệ như múa, hát, kịch, biểu diễn nhạc cụ dân tộc được dàn dựng công phu, mang đậm bản sắc dân tộc. Các môn thi thể thao dân tộc thường được tổ chức trong dịp này như: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tulu... Bên cạnh đó, người Mông còn tổ chức các môn thể thao hiện đại như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông… làm tăng không khí đoàn kết, sôi nổi của ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Trẻ em dân tộc Mông (Ảnh: Anh Đức) |
Nở nụ cười tươi như gió mùa xuân, anh Tráng A Chu mời mọc: “Người Mông quan niệm khách đến nhà trong dịp Tết là may mắn nên chúng tôi rất mong khách tới. Đến với đồng bào Mông ở xã vùng cao Hua Tạt vào dịp Tết này, ngoài việc được chứng kiến những phong tục, nghi lễ độc đáo, như: Kiêng gọi nhau, kiêng tiêu tiền, kiêng ăn rau... trong ngày mùng 1 Tết, khách phương xa còn được thưởng thức bầu không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc, hòa mình vào sắc màu e ấp của hoa đào, hoa mơ, hoa mận hay được học cách ném những trái pao (tiếng Mông gọi là pó po) cùng những thiếu nữ xinh đẹp xúng xính trong bộ váy áo rực rỡ”.