Sâu keo mùa thu cắn nát hơn 3.300 héc ta ngô ở Điện Biên

Loài sâu hại mới với tên gọi sâu keo mùa thu đã xâm nhiễm vào Điện Biên từ tháng 3/2019. Đến nay, sâu keo đã phát tán ra nhiều địa phương thuộc tỉnh Điện Biên, tàn phá hơn 3.300 héc ta ngô, gây thiệt hại không nhỏ cho vụ ngô xuân.
Trao 80 con bò giống trị giá 1, 2 tỷ cho hộ nghèo vùng cao Xuất hiện động đất 4 độ richter tại Điện Biên Điện Biên phát hiện quả bom chưa nổ dưới lòng suối

Ngày 24/5, Bà Triệu Thị Lê, phó Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Điện Biên cho biết: Toàn tỉnh đang có khoảng 3.380ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại với mật độ phổ biến là 1-4 con/m2, mật độ cao 10-15 con/m2. Cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài, sâu keo đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cây ngô của địa phương.

dien bien hang nghin hec ta ngo bi sau keo mua thu pha hoai hoai
Loài sâu này lây lan rất nhanh và gây hại nghiêm trọng tại các vùng bị xâm nhiễm.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), sâu keo mùa thu có tên là Spodoptera frugiperda, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ.

Trước khi xuất hiện ở Việt Nam, sâu keo mùa thu đã xuất hiện tại rất nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc nước giáp ranh với Việt Nam.

Sâu keo mùa thu là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có khả năng lây lan rất nhanh và gây hại trên 300 loài thực vật như: ngô, lúa, mía, rau,… Trong đó thức ăn ưa thích nhất của chúng là cây ngô.

Cục BVTV đã có công văn thông báo và yêu cầu các tỉnh theo dõi sát phát hiện loài sâu keo xuất hiện để kịp thời xử lý.

dien bien hang nghin hec ta ngo bi sau keo mua thu pha hoai hoai

Đã có hơn 3 nghìn héc ta ngô tại tỉnh Điện Biên bị sâu keo mùa thu phá hoại.

Tại Điện Biên, Chi cục BVTV tỉnh Điện Biên đã có công văn chỉ đạo các trạm theo dõi phát hiện loại sâu keo mùa thu từ đầu tháng 3/2019. Đến ngày 20/3 đã phát hiện đối tượng sâu hại có đặc điểm nghi ngờ là sâu keo mùa thu. Chi cục BVTV Điện Biên đã chủ động lấy mẫu gửi đi giám định và kết quả xác định cho thấy các mẫu chính là sâu keo mùa thu.

Trước khả năng lây lan, phát tán nhanh chóng của sâu keo mùa thu, Điện Biên đã yêu cầu trạm BVTV và UBND các huyện, thị, thành phố tuyên truyền đến người dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi nương ngô để sớm phát hiện và xử lý kịp thời sâu keo.

Tuy nhiên, do đặc thù là sâu keo là loại sâu đẻ trứng liên tục và phán tán nhanh nhờ vào gió nên việc phòng trừ loại sâu này không thể triệt để như các loại sâu khác.

“Sâu keo mùa thu, sâu non có khả năng kháng thuốc, trưởng thành có thể di chuyển, phát tán xa. Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức tập huấn cho bà con nông dân chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp như: Làm đất, luân canh, bắt ổ trứng, dùng bả chua ngọt để bẫy con trưởng thành…” - Bà Triệu Thị Lê cho biết.

Hiện tại, qua kiểm tra một số huyện, tại các xã đã tổ chức phòng trừ (có xã đã phun đến 3 lần thuốc) cho thấy hiệu quả phun phòng cao, tỷ lệ sâu keo chết từ 80-95%. Theo tổ chức FAO, sâu keo không phải là đối tượng đặc biệt nguy hiểm mà nó chỉ là đối tượng khó phòng trừ, vậy nên người dân không nên quá lo lắng về loại sâu keo này.

Trần Trung
Phiên bản di động