Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trên cả nước
Bảo đảm an toàn tuyệt đối, chu đáo về mọi mặt
Một ngày trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, các địa phương đã hoàn tất mọi khâu chuẩn bị. Tại Hà Nội, hơn 108.500 thí sinh đăng ký dự thi tại gần 200 điểm. Thành phố huy động khoảng 15.000 người coi thi cùng nhiều lực lượng khác như an ninh, thanh tra, thanh niên tình nguyện.
Là địa phương có nhiều thí sinh nhất, cảnh sát giao thông sẽ ứng trực 100% quân số, từ khi thí sinh đến làm thủ tục đến lúc làm xong bài thi cuối cùng.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 kiểm tra chuẩn bị thi tốt nghiệp tại Hà Nội. |
Hà Nội cũng lên các phương án ứng phó với các tình huống bất thường liên quan đến thời tiết hay gian lận thi cử.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, công tác chuẩn bị tại các điểm trường phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội đã cơ bản hoàn thành.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tiến hành kiểm tra để bảo đảm an toàn tuyệt đối, chu đáo về mọi mặt.
Giám đốc Sở cũng đã nhắc nhở kỹ đội ngũ cán bộ, giáo viên yêu cầu “3 chủ động, 4 đúng, 3 không” khi làm nhiệm vụ coi thi. Trong đó, “3 chủ động” là: Chủ động làm tốt công tác tuyên truyền; chủ động chuẩn bị các điều kiện phục vụ thi; chủ động thông tin báo cáo và xử lý thông tin. “4 đúng” là: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. “3 không” là: Không lơ là, chủ quan; không căng thẳng, áp lực quá mức; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.
Điểm mới trong chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là ngoài yêu cầu tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy chế như mọi năm, Ban Chỉ đạo quốc gia đặc biệt lưu ý các địa phương phương châm chu đáo, thân thiện với thí sinh và các lực lượng tham gia.
Như tại quận Ba Đình, UBND quận cũng đã thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quận Ba Đình năm 2024 do đồng chí Nguyễn Trung Dũng - Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã hoàn thành nhập dữ liệu thí sinh dự thi tự do thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn quận; đã in đủ phiếu báo dự thi và gửi cho thí sinh tự do trên địa bàn quận Ba Đình.
Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT về công tác chuẩn bị kỳ thi tại Trường THCS Thành Công |
Quận cũng đã điều động 174 cán bộ làm nhiệm vụ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (gồm 148 giáo viên coi thi, 02 đồng chí Phó Trưởng điểm thi, 02 đồng chí Thư ký điểm thi, 22 đồng chí thuộc tổ phục vụ điểm thi).
Với 100% các điểm thi đã lắp đặt hệ thống camera giám sát tại phòng bảo quản đề thi, bài thi; có giường cho cán bộ bảo vệ đề; đầy đủ máy phát điện, bảo đảm camera hoạt động liên tục. Các điểm thi đã hoàn thành bố trí khu vực để vật dụng cá nhân, các tài liệu và vật dụng không được phép mang vào phòng thi bảo đảm khoảng cách tối thiểu 25m theo quy định ; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ vật tư, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế.
Cô Ngô Thị Phượng - Phó Hiệu trưởng, Phó trưởng điểm thi Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) cho biết, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng đón thí sinh về làm thủ tục đăng ký dự thi chiều nay 26/6.
Trường THCS Thành Công kiểm tra an toàn hệ thống điện phục vụ cho kỳ thi |
Quyết tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác coi thi
TP HCM năm nay có hơn 90.000 thí sinh tại hơn 160 điểm thi, hơn 15.900 cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ.
Trước khi kỳ thi diễn ra một tuần, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các đoàn kiểm tra cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị ở tất cả khâu. Sở cũng xây dựng các phương án, tình huống có thể xảy ra để chủ động xử lý từ đầu.
Để thuận lợi cho việc di chuyển của thí sinh, các điểm thi được phân bố đều ở tất cả quận, huyện. Riêng 24 học sinh lớp 12 ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, sẽ đi tàu vào đất liền dự thi.
Tại Đà Nẵng, đến thời điểm này, Ban chỉ đạo thi thành phố và các đơn vị liên quan đang hoàn thiện các công việc theo chức năng, với quyết tâm cùng nhau thực hiện nghiêm túc và hiệu quả kỳ thi. Công tác hỗ trợ, tiếp sức mùa thi được đẩy mạnh, quan tâm tới các học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc, các em học sinh khuyết tật, để thí sinh được thuận lợi nhất trong quá trình tham gia kỳ thi.
Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho hay, năm nay, thành phố Đà Nẵng có tổng số 13.561 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 787 thí sinh tự do, 12.774 thí sinh đang học lớp 12, đăng ký tại 28 điểm thi với 2.256 nhân sự được huy động tham gia vào các khâu tổ chức kỳ thi.
Thiếu tá Đỗ Xuân Giang, Cục An ninh chính nội bộ (A03), Bộ Công an lưu ý Ban chỉ đạo thi thành phố Đà Nẵng |
Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với Công an thành phố đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại địa điểm in sao đề thi, các Điểm thi và địa điểm chấm thi; vận chuyển và bảo quản đề thi, bài thi an toàn, có phương án dự phòng, đề phòng tai nạn giao thông, cháy nổ; bố trí lực lượng tham gia đảm bảo an ninh, an toàn; tăng cường phòng, chống hiệu quả việc sử dụng công nghệ cao để gian lận trong các Kỳ thi; sẵn sàng các phương án dự phòng để xử lý mọi tình huống bất thường có thể xảy ra.
Tại tỉnh Quảng Nam, để chuẩn bị cho kỳ thi, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi, phân công nhiệm vụ… Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam đã thành lập Hội đồng thi số 34 - tỉnh Quảng Nam và phân công nhiệm vụ các thành viên Hội đồng thi.
Tất cả 56 điểm thi có đủ phòng thi để bố trí thí sinh đảm bảo quy định về số lượng, khoảng cách. Các điểm thi có thí sinh dự thi không đủ 3 môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp đều có đủ phòng chờ vào, phòng chờ ra. Các phòng thi, phòng chờ được bố trí điện, quạt đảm bảo ánh sáng và thoáng mát.
Đây là năm cuối cùng thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ (chương trình 2006). Từ năm sau, số môn thi, đề thi... sẽ được thay đổi để phù hợp với chương trình mới (2018). |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, các địa phương đều có sự chuẩn bị từ sớm. Kiểm tra thực tế ở nhiều nơi, ông đánh giá các tỉnh, thành, nhà trường đã làm rất tốt khâu hỗ trợ thí sinh, như ôn tập, củng cố kiến thức, có phương án liên lạc, giúp đỡ nếu cần thiết.
Các bộ, ngành cũng tham gia một số khâu của kỳ thi tốt nghiệp chu đáo. Ngành công an ngoài giúp đảm bảo an toàn giao thông, còn tổ chức các đợt tập huấn cán bộ coi thi nhằm nâng cao khả năng phát hiện gian lận thi cử, đặc biệt gian lận bằng thiết bị công nghệ cao.
Bộ Y tế cho biết đã sẵn sàng triển khai các kịch bản cứu hộ cứu nạn, cấp cứu thảm họa, kiểm soát dịch bệnh... Ngành điện lực bố trí người túc trực, đảm bảo không xảy ra sự cố điện trong kỳ thi.
"Có thể khẳng định công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã được thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng, sâu sát và toàn diện. Toàn quốc đã sẵn sàng để tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra trong 4 ngày: 26, 27, 28, 29/6/2024. Trong đó, ngày 26/6 thí sinh làm thủ tục dự thi; ngày 27 và 28/6 tổ chức coi thi; ngày 29/6 là ngày dự phòng. Về cơ bản, kỳ thi được giữ ổn định như giai đoạn 2020-2023, đặc biệt là giữ nguyên như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong Quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên phạm vi cả nước. Các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 gồm Toán, Ngữ văn, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận với thời gian 120 phút, 8 môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. |