Quốc hội thông qua 3 luật về bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024

Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản cùng có hiệu lực từ 1/8/2024.
Hôm nay, Quốc hội “chốt” việc thi hành sớm 3 luật về bất động sản Thủ tướng yêu cầu sớm có quy định thi hành 3 luật về bất động sản

Ngày 29/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Theo đó, với đa số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã đồng ý để 3 luật liên quan đến thị trường bất động sản bao gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quy định trước đây.

Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Khoản 3 của Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của luật này sẽ có hiệu lực sớm từ 1/8 để đảm bảo đồng bộ, chặt chẽ khi nhận tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.

Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, nhiều ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành luật, điều chỉnh hiệu lực của 4 luật, tuy nhiên, băn khoăn việc bảo đảm các điều kiện để có thể thi hành luật.

Quốc hội thông qua 3 luật về bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024
Sáng 29/6, Quốc hội chính thức “chốt” 3 luật về bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024

Có ý kiến đề nghị giữ nguyên hiệu lực của các luật từ ngày 1/1/2025 để thời gian từ nay đến 1/1/2025, các cơ quan tập trung xây dựng các nghị định, thông tư một cách kỹ lưỡng, chất lượng và các địa phương được tiếp cận với các Nghị định, Thông tư đó để xây dựng các văn bản hướng dẫn của địa phương. Cũng có ý kiến đề nghị làm rõ việc chọn thời điểm có hiệu lực của các luật là từ ngày 1/8/2024.

Có ý kiến cho rằng, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm với đề xuất đó.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây.

Đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đồng thời, nhiều quy định trong các luật có thể áp dụng được ngay mà không cần văn bản hướng dẫn chi tiết.

Việc Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này.

Một số ý kiến đề nghị thận trọng và tính toán thời điểm luật có hiệu lực cho phù hợp do quan ngại về tiến độ, lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật thuộc trách nhiệm của địa phương; khối lượng văn bản giao cho các địa phương ban hành nhiều, nhiều văn bản phải căn cứ vào nghị định hoặc thông tư của bộ, ngành trong khi các văn bản này chưa được ban hành, đồng thời các văn bản của địa phương vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trường hợp luật được thông qua, thời gian cho các địa phương ban hành văn bản thuộc thẩm quyền rất gấp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nhận diện rõ và đánh giá một cách đầy đủ về rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh và có giải pháp phù hợp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là hoàn toàn xác đáng. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của các bộ, ngành, địa phương, không để xảy ra vướng mắc do thiếu hoặc chậm ban hành văn bản cụ thể hóa, không để xảy ra tình trạng thông tư chờ nghị định, văn bản của địa phương “chờ” văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn của Trung ương.

Hậu Lộc
Phiên bản di động