Quốc hội sẽ họp bất thường sau Tết Nguyên đán 2025
Chiều 16/1, nhân dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức gặp mặt nguyên lãnh đạo Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội đã nghỉ hưu ở khu vực phía Bắc.
Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, được Quốc hội cụ thể hóa thành các luật, nghị quyết, được Chính phủ triển khai hết sức quyết liệt, đất nước chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc gặp mặt. |
Cụ thể, chung ta đã đạt được mục tiêu tăng trưởng là 7,09%, hoàn thành và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu. Quy mô nền kinh tế khoảng 474 tỷ USD; xuất nhập khẩu đạt khoảng 786 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay…
“Có thể khẳng định năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Để đạt được mục tiêu trên là do chế độ chính trị của đất nước chúng ta ổn định; mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được đảm bảo, an sinh xã hội được tăng cường”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội, công tác chăm lo cho người nghèo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Thủ tướng Chính phủ chủ trì cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt mục tiêu từ năm 2024 đến hết ngày 31/12/2025 phải xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Các nguyên lãnh đạo Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội đã nghỉ hưu ở khu vực phía Bắc. |
Quốc hội cũng quyết nghị cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, sau nghỉ Tết nguyên đán, Quốc hội sẽ họp kỳ họp bất thường vào trung tuần tháng 2 nhằm hoàn thiện đồng bộ thể chế phục vụ triển khai hiệu quả chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy thật sự tinh - gọn - mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có được những kết quả này, Quốc hội khóa XV được kế thừa, phát huy thành tựu, bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước để tiếp tục hoàn thành tốt chức năng cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội cũng đã thẳn thắn nhìn nhận những hạn chế trong các hoạt động của Quốc hội thời gian tới, đồng thời cho rằng, năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước, là năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm phấn đấu cao nhất để tăng tốc, bứt phá, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, Quốc hội còn 3 kỳ họp với nhiều công tác lập pháp khác.
Vì vậy, với tinh thần phải đổi mới mạnh mẽ cho hoạt động Quốc hội, đặc biệt là năm 2025, để chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc cũng như bầu cử Quốc hội khóa XVI và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong các nguyên Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban thường vụ, cán bộ, công chức ở Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội luôn sẵn sàng lắng nghe và luôn đổi mới để cho hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của Quốc hội được tốt hơn.
Theo dự kiến, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung trình Quốc hội xem xét, thông qua đối với 7 nội dung cấp thiết để triển khai, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; Công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có). Ngoài ra, có 3 nội dung khác Chính phủ đề xuất trình tại kỳ họp này, gồm: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự án Luật Quản lý và đầu tư vốnnNhà nước tại doanh nghiệp; về tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thiĐự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Về thời gian và hình thức họp, dự kiến Quốc hội họp khoảng 4,5 ngày, khai mạc sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2/2025. Có bố trí thời gian Quốc hội nghỉ họp để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua (dự kiến Quốc hội nghỉ họp từ 2 - 3 ngày). Trường hợp trình Quốc hội dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… thì thời gian Quốc hội dự kiến họp thêm khoảng 2 ngày (thảo luận Tổ 0,25 ngày/nội dung; thảo luận Hội trường 0,5 ngày/nội dung; ghép thảo luận trong cùng 1 buổi đối với một số nội dung...). Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị quyết để phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 300 luật chuyên ngành và luật về tổ chức bộ máy và hơn 5.000 văn bản dưới luật bị tác động, ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy. |