Nghệ thuật đương đại trong Nhà Quốc hội

Dự án nghệ thuật đường hầm Nhà Quốc hội đã hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ Đô và chào mừng khai mạc Kỳ họp thứ VI Quốc hội Khóa XIV.
nghe thuat duong dai trong nha quoc hoi

Thay đổi cách nghĩ về nghệ thuật

Gặp giám tuyển của dự án – hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn một sáng cuối tuần khi anh tranh thủ dẫn bạn bè, người thân tham quan dự án vừa mới hoàn thành tại toà nhà Quốc hội. Khi được mời đến xem, nhiều người tò mò liệu làm nghệ thuật cho các cơ quan nhà nước có phải đảm bảo được tính trang nghiêm, lịch sự và mang yếu tố truyền thống như thường thấy không.

Tuy nhiên, khi được chứng kiến tận mắt những tác phẩm nghệ thuật họ đã phải thay đổi cách nghĩ về nghệ thuật. Dự án với những tác phẩm đa dạng từ đồ họa mở đến chất liệu sắp đặt đa phương tiện, video - art trên lụa, nhiếp ảnh phù điêu, sắp đặt chạm khắc đồng tương tác, sắp đặt hàn sắt chuyển động…

Sự tương tác kết nối từ không gian cổ đại đến đương đại này, đã mang lại cho người xem một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, giống như một chuyến du hành kết nối mạch nguồn cảm hứng từ những địa tầng lịch sử huy hoàng trong quá khứ tới những cách nhìn đầy sáng tạo của những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại ngày hôm nay.

Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn hồ hởi cho biết, trong vòng hơn 3 tháng từ khi bắt tay vào thực hiện dự án, 15 nghệ sĩ với hơn 100 trợ lý kỹ thuật và những người thợ lành nghề ở hơn 10 xưởng rải rác trong khắp Hà Nội, Thái Bình và cả từ Huế đã nỗ lực làm việc không kể ngày đêm để thực hiện và hoàn thành những tác phẩm hoàn toàn mới, được thiết kếtheo địa hình ở khu vực đường hầm nhà Quốc hội.

Tác phẩm Cội nguồn dân tộc Việt của tác giả Triệu Khắc Tiến.

Tác phẩm Cội nguồn dân tộc Việt của tác giả Triệu Khắc Tiến.

Với những cụm tác phẩm sắp đặt không gian kích thước lớn, các tác giả đã phủ kín hơn 500 mét dài trong không gian 3 khu vực đường hầm nhà Quốc Hội, từ khu vực đường hầm nhỏ, đường hầm lớn và lối hầm nhà để xe. Những tác phẩm với đa dạng các chất liệu và cách thể hiện đã làm biến đổi hoàn toàn không gian lối đi hầm có sẵn của nhà Quốc hội trở thành một không gian nghệ thuật mang đậm tính ứng tác với ngữ cảnh của các thực hành nghệ thuật đương đại.

Hoạ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Lấy ý tưởng sử dụng cách tiếp cận đa dạng của các hình thức nghệ thuật đương đại, 15 nghệ sĩ của dự án đã dùng các tác phẩm của mình như một nỗ lực đối thoại và phản ánh những cách nhìn sáng tạocủa mình với những giá trị di sản văn hoá nghệ thuật và kiến trúc trong suốt bề dày của lịch sử dân tộc.

Một không gian thể hiện các cách nhìn về Di sản qua các thực hành của nghệ thuật đương đại sẽ là một kết nối lý tưởng với hai không gian Bảo tàng cổ vật Thăng Long và Tiền Thăng Long dưới chân toà Nhà Quốc Hội”. Dự án có 3 khu: Khu đường hầm chính với sự hiện diện tác phẩm của 15 nghệ sĩ trong các ô hốc tường; khu đường dẫn nhỏ với sự xuất hiện các hình ảnh đại diện tác phẩm của các nghệ sĩ và cuối cùng là khu đường hầm để xe với các tác phẩm hoành tráng tương tác với lịch sử và ngữ cảnh.

Những tác phẩm ấn tượng

Trong số đó, nổi bật là tác phẩm “Vọng niệm” của Phan Hải Bằng được làm bằng chất liệu trúc chỉ. Phan Hải Bằng cho biết, tác phẩm của anh được thể hiện bằng loại hình nghệ thuật Trúc Chỉ - nghệ thuật giấy và xơ sợi của Việt Nam kết hợp với các các kỹ thuật của các loại hình nghệ thuật khác như khắc gỗ, sơn mài, nghệ thuật ánh sáng…các bức tranh đã tái hiện các hệ thống hoạ tiết hoa văn của mỹ thuật thời Nguyễn và chúa Nguyễn cùng với các hình thức cách điệu từ những hình ảnh quen thuộc như hoa lá, mây, nước… đặc trưng của Việt Nam.

Hay huyền thoại Âu Cơ - Lạc Long Quân đẻ ra trăm trứng là nguồn cảm hứng cho tác giả Triệu Khắc Tiến thể hiện tác phẩm về đề tài truyền thống - cội nguồn đất nước. Hình tượng quả trứng được dát vàng trên đầu chóp mô phỏng cấu trúc vảy cá, tựa như những vân sóng lấp lánh ánh trăng trên mặt biển, hàm chứa sự khởi nguyên của nền văn minh lúa nước; kết hợp với hệ thống mô típ họa tiết, hoa văn trang trí qua các thời đại gửi gắm những tinh hoa của khối trầm tích văn hóa Việt, vang vọng một quá khứ vàng son của cha ông.

Thành quả của sự cộng tác giữa nghệ sĩ với các nghệ nhân trong quá trình thực hiện tác phẩm này, từ khâu tiện mộc làm cốt gỗ, đánh vải, làm vóc đến cẩn vỏ trai, vỏ trứng, tô son, dát vàng thiếp bạc… là một minh chứng sinh động giúp tìm kiếm những hướng đi khả quan cho các làng nghề thủ công truyền thống trong nhịp sống hiện đại, cũng như đóng góp những hình thức biểu đạt mới, sáng tạo, làm phong phú thêm ngôn ngữ tạo hình độc đáo, đậm bản sắc văn hóa dân tộc của chất liệu sơn mài Việt Nam.

Tác giả Vũ Kim Thư với tác phẩm “Những không gian nhỏ” được sắp đặt với hộp đèn gỗ, giấy Dó, giấy Washi Nhật bản và mực nho. Những không gian nhỏ là một câu chuyện về Hà Nội được lắp ghép bởi nhiều hình ảnh từ quá khứ đến hiệntại. Trong những hình ảnh này, người ta nhìn thấy phố cổ năm xưa trộn lẫn với hình ảnh phố mới, như nhà tập thể, nhà mặt phố ngày nay cùng tồn tại, lẩn khuất trong đó là cả những hoài niệm mơ màng về những ký ức của Hà Nội thâm trầm thuở trước.

Hy vọng trong sự hỗn độn của Hà Nội trong mơ không theo thứ tự thời gian ấy, người xem có thể thấy một điều gì đó thân quen, như thấy mình trong đó. Thân quen từ cái ban công nhà ở, chậu cây, dây phơi quần áo hay một quán cóc vỉa hè hoặc có thể có cảm giác giống như nhìn một bản đồ Phố cổ Hà Nội nhằng nhịt từ trên cao. Tác phẩm này dựng nên một không gian 3 chiều, khiến người xem có cảm giác thực hiện một chuyến chu du đi sâu vào bên trong mỗi tác phẩm.

Đặc biệt, tại khu hầm để xe, các tác giả Nguyễn Thế Sơn, Vũ Xuân Đông và Phạm Khắc Quang đã lấy ý tưởng một chuyến hành trình ngược dòng lịch sử tương tác với lối đi dẫn vào hầm để xe, tác phẩm sử dụng chất liệu thép tấm để tạo hình những hoạ tiết về chủ đề những phương tiện và phương thức di chuyển cổ xưa trong đời sống vật chất và cả trong đời sống tâm linh của người Việt.

Sử dụng công nghệ cắt CNC hiện đại của ngày hôm nay, các tấm thép đã được thổi hồn trở thành những chiếc xe ngựa, voi, cả hình ảnh rồng phượng cùng thuyền bè như bước ra từ những bản khắc kinh Phật hay những hình ảnh trạm khắc dân gian trên đình chùa từ thời Lê, Mạc… Những chiếc bánh xe được thiết kế chuyển động kết hợp đan xen với các hoạ tiết hình tượng xe ngựa, thuyền rồng hoà quyện cùng hệ thống vân mây cổ sẽ dẫn người xem vào một không gian tương tác ngược dòng lịch sử của các phương tiện di chuyển.

Theo LĐTĐ
Phiên bản di động