Quầy bánh trung thu dọc vỉa hè vắng vẻ chờ khách mua
Quầy bánh vắng vẻ phơi nắng, phơi mưa
Các ki-ốt với diện tích 15 - 20m2/gian hàng được dựng bằng khung sắt chắc chắn của nhiều hãng bánh Trung thu lớn đã sớm xuất hiện từ đầu tháng 8/2024 dọc vỉa hè của nhiều tuyến phố ở Thủ đô là thực trạng “đến hẹn lại lên”.
Ghi nhận của phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, giữa tiết trời “ẩm ương” những ngày tháng 8 ở Hà Nội, khi nắng rát, khi mưa đổ ào ào thì tại các tuyến phố nhiều người qua lại như: Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng), Thái Hà (Đống Đa), Kim Đồng (Hoàng Mai)… nhiều quầy bánh Trung thu được dựng lên sát nhau.
Sớm nhất phải kể đến hãng bánh Trung thu Kinh Đô. Tuy nhiên, tình trạng chung là hầu hết các quầy bánh đều ít khách hỏi mua, thậm chí không có khách.
Dãy ki-ốt bánh Trung thu "mọc sớm" trên vỉa hè đường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) |
Theo quan sát thì mẫu mã, hình thức bánh Trung thu được đổi mới hằng năm, có nhiều lựa chọn về khẩu vị và giá cả… tuy nhiên thời điểm này vẫn chưa có nhiều khách ghé mua.
Những năm trước, tình trạng dựng quầy bánh Trung thu diện tích lớn vào dịp này gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông khiến người dân hoang mang lo ngại. Chính quyền, lực lượng chức năng nhiều nơi cũng vào cuộc để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Điều kiện để được dựng quầy bánh Trung thu ở vỉa hè
Căn cứ tại Khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc cấm họp chợ mua bán hàng hóa trên đường bộ trong đó bán bánh Trung thu cũng là một trong những trường hợp bị cấm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nếu các quầy bánh mà đáp ứng được các điều kiện đưa ra như không được lấn chiếm vỉa hè, bán có thời hạn đảm bảo được an toàn giao thông tránh làm ảnh hưởng đến người dân thì có thể sẽ được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép bán tạm thời. Ở Hà Nội, cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Sở Giao thông vận tải TP.
Như vậy, quầy bánh Trung thu trên vỉa hè sẽ được cấp phép nếu đáp ứng các điều kiện như: Diện tích lấn chiếm trên vỉa hè phải khớp với diện tích đã xin cấp phép để tránh việc lấn chiếm, ùn tắc giao thông thậm trí còn gây ra tai nạn giao thông;
Ngoài việc dựng các quần bán bánh trên vỉa hè, các hãng bánh này cần có cơ sở, địa điểm kinh doanh, cơ sở sản xuất cụ thể theo quy định tránh trường hợp có vấn đề về chất lượng bánh cũng như trường hợp ngộ độc thực phẩm từ bánh để người dân mua bánh họ có thể tin tưởng và nếu gặp trường hợp đó họ còn biết chỗ nào để giải quyết.
Bên cạnh đó còn đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp bán bánh Trung thu trên địa bàn thành phố, bởi lẽ họ mất khá nhiều chi phí trong việc đầu tư địa điểm kinh doanh còn những quầy bánh chỉ cần xin phép và bán tại vỉa hè đỡ đi chi phí thuê địa điểm... Cho nên các quầy bánh Trung thu trên vỉa hè cần có địa điểm kinh doanh cụ thể rõ ràng.
Nhiều quầy dựng lên để "giữ chỗ" chứ chưa có dấu hiệu bày bán hàng |
Các quần bán bánh phải tuân thủ địa điểm bán đã được thỏa thuận với chính quyền sở tại và đã được cấp phép để tránh trường hợp không được mở tuyến phố này nhưng vẫn lần chiếm tự ý mở, đơn cử có những trường hợp chỉ được bán ở các tuyến phố A,B,C.. nhưng tại các tuyến phố X,Y,Z vẫn xuất hiện tràn lan những thương hiệu đó, khiến cơ quan chức năng không thể kiểm soát được tình trạng ùn tắc, tắc nghẽn giao thông.
Về chất lượng bánh, có thể khi sản xuất bánh không có vấn đề, chất lượng hoàn toàn tốt nhưng khi trưng bày trên các vỉa hè có thể phát sinh ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng bánh ví dụ như bụi bẩn, nắng nóng, mưa gió... Việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bánh và không ai có thể đảm bảo được về an toàn của bánh.
Chính vì vậy, bánh Trung thu cần có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng, có nhân rõ ràng, quan sát được bên trong là nguyên liệu gì… Chung quy là phải được bảo quản tốt đến tay người tiêu dùng.
Tình trạng có quá nhiều điểm, quầy bán bánh Trung thu trên vỉa hè đã và đang gây ảnh hưởng đến trật tự giao thông nên việc cấp phép của cơ quan có thẩm quyền cần phải khảo sát, xem xét kỹ lưỡng, khi các gian hàng được dựng lên thì lực lượng chức năng cũng cần phải quan sát quản lý, nhắc nhở, bảo đảm trật tự, vệ sinh môi trường và xử lý nghiệm các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra còn một số điều kiện khác do chính quyền địa phương hoặc do cơ quan khác cáp phép bán đề ra tuyệt đối phải tuân thủ để đảm bảo văn hóa, an toàn giao thông đường bộ.