Quảng Nam: Chuyện về “Cồn Ma” án ngữ giữa biển Cửa Đại
Sau chưa đầy 10 phút, chiếc xuồng cao tốc 250 mã lực xé sóng Cửa Đại lao tới “Cồn Ma”. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần ra đây kể từ khi phát hiện nó nổi lên trên mặt nước. Nhưng mỗi lần bước chân lên lại có những cảm giác lạ lẫm. Sự biến dạng nhanh đến lạ kỳ của nó, khiến các nhà nghiên cứu khoa học cũng không tin vào những gì đang xảy ra trước mắt mình.
"Cồn Ma" án ngữ giữa cửa biển Cửa Đại. |
Bí ẩn "Cồn Ma" án ngữ cửa biển
Thực ra, đảo cát đã xuất hiện cách đây từ nhiều năm trước. Hồi đó ngư dân đi biển gọi là “cồn cô bác” (Cồn Ma). Họ cho rằng, ở ngoài “Cồn Ma” linh thiên lắm, ngư dân ít ai dám đến gần. Vị trí "Cồn Ma" hình thành bây giờ nhiều tàu thuyền đã bị đắm và cũng không ít nhân mạng đã nằm lại nơi này.
Những người lớn tuổi kể rằng, khi Cồn Ma sắp nổi lên mặt nước, tàu bè ra vào thường mất phương hướng rồi bị sóng lớn cuốn đi, dù họ ra vào cửa biển này hàng ngày và hiểu rõ từng con sóng, ngọn gió. Cái tên “Cồn Ma” cũng xuất hiện từ đó.
Giáo Sư Tanaka chỉ cho thấy dấu hiệu biến động diễn ra rất nhanh của đảo |
Ông Sáu Hùng, một lão ngư xấp xỉ tuổi 80, có ngót nghét 50 năm mưu sinh ở vùng biển Cửa Đại. Ông từng chứng kiến biết bao trận lở, bồi kinh hoàng ở Cửa Đại và kéo theo đó là sự xuất hiện rồi lại biến mất một cách kỳ lạ của “Cồn Ma” này. Với ông Sáu Hùng, đây là hiện tượng kỳ lạ nhất mà ông chứng kiến trong suốt cuộc đời mình.
“Những năm trước đây, cứ đến mùa đông, cồn bồi lấp luồng lạch bít lối tàu thuyền ra vào cửa biển, khiến ngư dân nằm nhà chơi dài không thể ra khơi đánh bắt. Nhiều người liều mình cho tàu ra nhưng hầu hết bị chìm mà không rõ nguyên nhân. Bà con Vạn (hội làm biển) góp tiền lập đàn tế lễ cầu xin cô bác. Và cứ sau mỗi lần tế lễ như vậy thì chỉ sau một đêm xuất hiện ngay một cái lạch sâu vừa đủ cho tàu thuyền ra vào an toàn. Mỗi lần như thế, ngư dân lại trúng biển” - ông Hùng nhớ lại.
Ông Lê Trí Tập và ông Nguyễn Sự nguyên trao đổi với nhóm GS quốc tế về sự biến đổi nhanh chóng của cồn cát |
Đi cùng đoàn công tác ra đảo lần này có ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, người khá tường tận quy luật thủy văn ở Cửa Đại. Ông Tập kể rằng, vào năm 1988, cồn cát này cũng đã từng xuất hiện, nhưng lúc đó nó gần bờ hơn. Tuy nhiên, sau 2 năm thì nó tự biến mất. Thời điểm đó chưa có thủy điện trên thượng nguồn nhiều như hiện nay, cũng chưa có những nghiên cứu, nhận định, đánh giá ghi chép các số liệu khoa học cụ thể về hiện tượng, mà chỉ phỏng đoán do cát từ sông mang ra bồi lấp.
Ông Tập cũng cho rằng, cồn cát này có rồi mất, mất rồi lại có theo chu kỳ 15 đến 20 năm sẽ lặp lại. Liệu lần này nó sẽ tồn tại vĩnh viễn, hay lại biến mất một cách bí ẩn như đã từng xảy ra trong quá khứ? Nhưng tính đến thời điểm này quy luật đó vẫn đang đúng.
"Cồn Ma" linh thiêng lắm
Tôi nhớ lần đầu đặt chân lên “Cồn Ma” là vào lúc nhá nhem tối cũng bởi sự hiếu kỳ không thể cưỡng lại khi mới phát hiện ra nó. Biển đêm mát lạnh, ánh sáng từ những con thuyền đánh cá phía xa khơi như một thành phố nổi lung linh trên mặt biển. Vừa đưa máy ảnh lên thì trời nổi mưa giông, đành chạy vội tá túc tại "chào rớ" của ngư dân Mai Văn Trúc gần đó. Trong ánh sáng mờ mờ của cây đèn bão, ông Trúc đang quỳ lạy bốn hướng và luôn miệng lẩm nhẩm khấn vái. Khấn xong, ông bắt đầu thả rớ chìm xuống biển rồi xách đèn treo giữa rớ.
Qua tính toán, chỉ sau 24h cát bồi thêm gần 1m và cao khoảng 1,2m |
Ông Trúc nhìn tôi giải thích: "Từ đây ra “Cồn Ma” chỗ mô cũng có cô bác (ma) linh thiên lắm. Mỗi tối thả rớ mà quên thắp nhang thì y rằng sáng ra không có nổi cái móng, đói móp mỏ. Có vài lần, tau đi đám về say xỉn quên thắp hương vái cô bác, khuya tỉnh dậy cùng vợ kéo lên thấy cá ngập rớ, ước cũng phải vài tạ. Hai vợ chồng hì hục trút cá rồi chèo bào đổ cá vào thúng chai. Cứ nghĩ trời đãi, mừng quá không thấy mệt làm quần quật luôn tới sáng. Chuẩn bị gọi người tới cân cá, nhưng khi nhìn lại toàn là cát trắng phơ, đúng là ngã nghiệp”.
Ảnh mới chụp ngày 24/4 cho thấy đảo đang bồi rất nhanh |
Chuyện làm rớ của ngư dân ở biển Cửa Đại những năm trước kia, mỗi đêm trúng vài tấn cá là chuyện thường. Còn bây giờ theo như lão ngư dân Sáu Hùng thì từ ngày có cái “Cồn Ma” án ngữ, dân đi biển tệ lắm, đêm nào trúng lắm cũng chỉ được 500 ngàn. Còn thì cứ đều đều một vài trăm đủ đong gạo nuôi miệng. Làm biển thì ai cũng muốn chọn nơi nhiều cá thả rớ, mười mấy năm trước còn ra tận ngoài Cù Lao Chàm, nhưng chừ cái cồn cát ni gần xịt, biết là ngoài ấy cá nhiều nhưng không ai dám cả gan ra đó.
Thấy tôi có vẻ không tin, ông giải thích tiếp, “mi thấy đó, thằng Vũ Nhôm, Vũ Nhựa chi đó vừa giàu có, vừa mang hàm tá túng to bự, khuynh đảo cả chính quyền từ Đà Nẵng đến Sài Gòn. Hắn đi mô cũng được đón rước rần rần, hô mây gọi gió tứ tung hết. Vậy mà từ khi hắn lấn biển, lấy trộm cát ở cồn này về đổ lên Đa Phước, chưa tới năm bị bắt liền, cồn này linh lắm đừng liều”.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm câu trả lời về việc cát ở đâu về đây bồi lấp thành cồn cát khổng lồ này? |
Những câu chuyện bí ẩn và ly kì của “Cồn Ma” mà tôi nghe được từ các lão ngư mưu sinh nghề biển nơi Cửa Đại vẫn chưa rõ thực hư. Cũng có thể chỉ là những giai thoại truyền miệng để cảnh cáo những kẻ có ý định muốn xới tung đảo cát vì lợi nhuận. Cứ thấy cát nổi lên là ước lượng bao nhiêu triệu mét khối, rồi xin dự án để xâu xé, chia chác bòn rút ruột biển.
Trong chuyến ra Cồn Ma trước đó, vừa đặt chân lên cồn cát, ông Trần Văn Tân, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phải trầm trồ ngạc nhiên về sự lộng lẫy của nó, phía góc đảo, một đàn sếu biển đang vùi mình tắm cát trong khung cảnh thanh bình của biển. “Đẹp như vậy, mà vừa rồi có một doanh nghiệp nào đó mới gửi văn bản đến tỉnh xin đấu thầu hút cát, nạo vét tạo luồng lạch. Hoành tráng thiệt!”. Tôi buột miệng hỏi, quan điểm của tỉnh như thế nào hả anh? Ông Tân cười rồi nói “còn lâu”!