Quảng Nam: Biến ước mơ 'dòng sông lụa' thành hiện thực

Trong các nghề thủ công truyền thống tạo nên diện mạo cho vùng đất Quảng Nam xưa kia, nghề nuôi tằm - dệt lụa không chỉ góp phần cho sự phát triển hưng thịnh, mà còn tạo nên thương hiệu lụa Mã Châu vang danh một thời.    

Quảng Nam: Nông dân làm hạt nhân trong chiến lược phát triển du lịch 45 năm Gisela tìm Vương Vân: Chuyện của người đàn bà si tình gốc Đức Quảng Nam: Chuyện về “Cồn Ma” án ngữ giữa biển Cửa Đại Quảng Nam: Không cấp phép thêm bất kỳ dự án du lịch nào tại Cù Lao Chàm

Thời kỳ hưng thịnh của nghề nuôi tằm - dệt lụa, cả làng Mã Châu (Quảng Nam) thường xuyên có hơn 4.000 khung cửi đưa thoi ngày đêm. Có thời điểm, diện tích trồng dâu tằm cho làng lụa Mã Châu lên đến hàng ngàn hecta trải dài dọc hai bên bờ sông Thu Bồn.

quang nam bien uoc mo dong song lua thanh hien thuc
Làng Lụa Hội An (Quảng Nam)

Một nghề hoàng kim đang lụi tàn

Sông Thu Bồn như một dòng mạch tràn đầy sinh lực của mảnh đất Quảng Nam. Cách đây khoảng 300 năm, nhờ các bãi bồi ven sông đầy ắp phù sa, người nông dân đã phủ lên một vùng dâu trù phú xanh ngút tầm mắt.

Tiếng thoi đưa ở làng lụa Mã Châu bắt đầu thưa dần và lụi tàn từ cuối những năm của thập niên 1990 vì nhiều lý do. Các Hợp tác xã dâu tằm dần giải thể, nghề buôn tơ lụa thất bát, dẫn đến việc nuôi tằm, trồng dâu cũng dần lụi tàn. Dẫu vậy, người nông dân dân Duy Xuyên, Điện Bàn vẫn nhớ và trân trọng nghề xưa, họ âm thầm truyền kinh nghiệm giữ nghề cho con cháu.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân khiến nghề ươm tơ, dệt lụa ở Quảng Nam mai một là do cơ cấu sản phẩm không hướng tới nhu cầu thị trường; sản xuất không có tổ chức, không có các doanh nghiệp ươm tơ nên nông dân nuôi tằm từ khi mới nở; không đảm bảo được thị trường tiêu thụ sản phẩm kén tằm, công nghệ sản xuất lạc hậu, nên nghề trồng dâu, nuôi tằm không mang lại thu nhập tương xứng cho người nông dân.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam cho thấy, hiện trên địa bàn toàn tỉnh chỉ còn khoảng 11ha dâu, chủ yếu tập trung ở một số địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc với khoảng 50 hộ trồng, nhưng chủ yếu là nuôi tằm để bán thực phẩm.

quang nam bien uoc mo dong song lua thanh hien thuc
Hộ nuôi tằm lấy tơ hiếm hoi còn lại tại xã Điện Quang, TX Điện Bàn (Quảng Nam)

Tiếp xúc với hộ nuôi tằm lấy tơ hiếm hoi còn lại tại xã Điện Quang, TX Điện Bàn (Quảng Nam), bà Đỗ Thị Ba cho biết, gia đình làm nghề từ mấy chục năm nay, từ đời ông cố, cứ đời này truyền kinh nghiệm cho đời sau. Tuy nhiên, người nuôi tằm hiện nay bấp bênh lắm, “được mùa mất giá” là chuyện thường xuyên. Nhưng cũng chẳng mấy khi được mùa, vì khí hậu đã thay đổi không như ngày xưa, nắng nóng mưa gió thất thường, khiến hầu hết tằm không nhả tơ hoặc chết. 64 nong tằm giờ chỉ còn có mười mấy nong.

“Tôi làm có chừng đây con tằm mà chảy không biết bao nhiêu nước mắt, từ lúc đi hái dâu ngoài bãi, rồi về cho tằm ăn là ướt hết từ đầu đến chân, mỗi khi tằm bị bệnh là lại khóc hết nước mắt. Cũng vì muốn giữ lại nghề truyền thống của ông cha mà phải ráng, chứ nó cực quá, mà không hiệu quả” - bà Ba chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Lê Trí Thanh cho rằng, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam đã có một thời hưng thịnh, tuy nhiên dần dần đi vào tàn phai, để lại những tiếc nuối rất lớn không chỉ đối với người dân Quảng Nam, mà còn của cả nước. Đến thời điểm hiện tại, thị trường tơ lụa đang có dấu hiệu tốt, nhất là đã xuất hiện một số doanh nghiệp rất tâm huyết và có khả năng kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước chuyên về tơ tằm để phục hưng lại nghề này.

Cơ may sống lại rực rỡ

Hai năm trở lại đây, tỉnh Quảng Nam có chủ trương khôi phục lại nghề trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa. Theo đó, đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, làng nghề, doanh nghiệp đã đưa ra cái nhìn đa chiều, toàn cảnh về bức tranh làng nghề dâu tằm, tơ lụa của Quảng Nam, cũng như những hướng đi khả dĩ nhằm vực dậy một nghề đang lụi tàn nhưng có cơ may sống lại rực rỡ.

Trong chuyến khảo sát thực địa tại các bãi dâu trồng thí điểm dọc bờ sông Thu Bồn. Nhìn những vườn dâu mơn mởn xanh mướt dưới cái nắng như đổ lửa, ông Lê Thế Vũ, Giám đốc Công ty Dâu tằm tơ lụa Quảng Nam tỏ ra rất vui mừng, ông Vũ cũng chính là người đề xuất và tiên phong thực hiện dự án khôi phục lại nghề trồng dâu - dệt lụa của Quảng Nam, đang muốn cụ thể hóa, “biến” Thu Bồn trở lại thành dòng sông lụa như ngày nào.

“Nghề trồng dâu - dệt lụa của Quảng Nam đã một thời vang danh thế giới, để mai một thì tiếc lắm. Vẫn biết, còn nhiều khó khăn khi bắt tay vào thực hiện, đây là cả một chặng đường dài đi tìm lại sự huy hoàng đã mất. Đã có thiên thời, địa lợi, nhân hòa chỉ cần sự quyết tâm vào cuộc của chính quyền, doanh nghiệp, sự ủng hộ của người nông dân thì cơ hội thành công là rất khả quan” - ông Vũ chia sẻ.

quang nam bien uoc mo dong song lua thanh hien thuc
Ông Lê Thế Vũ (áo xanh) kiểm tra vườn dâu trồng thí điểm tại Gò Nổi, Điện Bàn (Quảng Nam)

Cách mà ông Lê Thế Vũ đang tiếp cận nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống không giống lắm cách làm của một doanh nhân. Ông đi từng bước đi nhỏ, chậm nhưng chắc, vốn liếng kiến thức về dâu, tằm, tơ là khá sâu rộng, tâm huyết thì ông có thừa. Ông Vũ cho rằng, phải lấy lại được niềm tin của người nông dân trước đã, không vội được, vì hầu hết họ đã bỏ nghề từ lâu và cũng không còn mặn mà với cái nghề vất vả, bấp bênh mà thu nhập thì chẳng mấy đồng, trong khi họ có nhiều cơ hội việc làm khác có thu nhập cao hơn.

“Muốn có sự bảo đảm chắc chắn thì phải khơi dậy được sự đam mê nghề đã ăn vào máu thịt của người nông dân Quảng Nam từ bao đời nay, họ chính là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của dự án. Nhưng mấu chốt vẫn là nông dân phải sống được bằng nghề, thậm chí làm giàu từ trồng dâu - dệt lụa ngay trên chính đồng đất quê hương của mình”, ông Vũ chia sẻ.

Dự án khôi phục nghề trồng dâu - dệt lụa của tỉnh Quảng Nam khá quy mô và đầy tham vọng đó là soán ngôi "thủ phủ" dâu tằm của Lâm Đồng hiện nay, trở thành một trong những "thủ phủ" dâu tằm tơ của thế giới, như đã từng có trong lịch sử sau 5 năm nữa.

quang nam bien uoc mo dong song lua thanh hien thuc
Chính quyền tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực khôi phục lại nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống đang bị mai một

Ông Vũ dẫn chứng, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) người dân trồng 1ha dâu thu nhập bằng 3ha cà phê, trong khi đó thổ nhưỡng của Quảng Nam ưu việt hơn bởi những bãi bồi ven sông Thu Bồn, Vu Gia vô cùng màu mỡ, thích hợp cho điều kiện cây dâu phát triển. Cùng một loại dâu, nhưng trồng ở Quảng Nam cho sản lượng cao gấp nhiều lần Bảo Lộc, chất lượng lá dâu cũng tốt hơn. Người dân Bảo Lộc hiện nay mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng/1ha dâu, họ đã làm giàu từ nghề trồng dâu - dệt lụa, tại sao Quảng Nam lại không?

Trao đổi về thực trạng khó khăn của những người nuôi tằm hiện nay, ông Vũ cho rằng, đó là thực tế đang xảy ra với người nuôi tằm hiện nay và cũng chính vì những khó khăn đó, nghề bị mai một. Tuy nhiên, không phải là mấu chốt của vấn đề. Chúng tôi vẫn đang quá trình thử nghiệm sức chịu đựng của tằm đến đâu khi nuôi bằng phương pháp truyền thống, trong điều kiện khí hậu diễn biến bất thường như hiện nay. Nói là mới bắt đầu, nhưng thực ra đã khởi động gần 2 năm nay rồi.

Chúng tôi đã đi tham quan mô hình, dự hội thảo ở nhiều nước trên thế giới có nghề nuôi tằm phát triển như: Nhật Bản, Mexico, Trung Quốc…và đã cùng các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành tiến hành khảo sát và tổ chức hội thảo tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tôi khằng định, việc can thiệp khoa học kỹ thuật hiện nay trong nuôi tằm là cần thiết, thế giới họ đã làm từ lâu. Chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống nhà nuôi tằm, ươm kén với các trang thiết bị chuyên biệt được nhập từ nước ngoài, có thể bảo đảm môi trường cho tằm phát triển tốt nhất, và chất lượng tơ theo chuẩn thế giới. Kỹ thuật canh tác dâu cũng sẽ được cơ giới hóa, để giảm sức lao động của con người.

quang nam bien uoc mo dong song lua thanh hien thuc

Ông Vũ cho biết thêm, ngoài các sản phẩm tơ lụa, thì yếu tố thu hút khách du lịch đến với làng nghề cũng rất khả quan. Cứ tưởng tượng sau vài năm nữa thôi, hàng ngàn hecta dâu sẽ phủ màu xanh ngắt dọc hai bên bờ sông Thu Bồn, một tour du lịch sông nước, trải nghiệm tại những bãi dâu, thưởng thức những sản phẩm chế biến từ cây dâu tằm như: trà dâu, rượu dâu… sẽ được triển khai trong nay mai. Đó chính là cơ sở để bảo đảm tương lai cho người nông dân làm giàu từ cây dâu trên chính đồng đất quê mình. Ngoài ra, qua nghiên cứu, dâu là loại cây có thể chống xói lở bờ sông rất hiệu quả, phục hồi rất nhanh môi trường hệ sinh thái khu vực ven sông.

Nói là vậy, nhưng khi bắt tay vào khôi phục và phát triển lại nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở Quảng Nam đã lụi tàn từ lâu, sẽ là cả một chặng đường dài đầy khúc khỉu, phải có quyết tâm từ chính quyền, sự đồng tâm hiệp lực của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cơ quan quản lý nhà nước. Và quan trọng hơn, phải đem lại thu nhập đảm bảo cuộc sống ổn định cho người nông dân thì mới hy vọng, tỉnh Quảng Nam sẽ biến ước mơ “dòng sông lụa” trở thành hiện thực.

N.Dương - Minh Hải
Phiên bản di động