Quảng Nam: 40 Doanh nghiệp Cù Lao Chàm lao đao với tàu cao tốc S-I
Lượng tàu cao tốc vận chuyển khách ra đảo tăng nhanh trong thời gia gần đây |
Tất cả tàu S-I phải chuyển đổi sang S-B
Tính đến nay, TP Hội An (Quảng Nam) có hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh tour tuyển vận chuyển khách du lịch ra thăm quan, nghĩ dưỡng đảo Cù Lao Chàm, với số lượng tàu S-I (tàu sông hạn chế cấp II) là trên 130 chiếc từ 16 ghế đến 30 ghế.
Số lượng tàu tăng một cách nhanh chóng bắt đầu từ 2009, khi UNESCO công nhận đảo Cù Lao Chàm là Khu “Dự trữ sinh quyển thế giới”. Cù Lao Chàm trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tính từ năm 2015 đến nay, lượng khách đến với hòn đảo này tăng cao. Từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, bình quân mỗi ngày Cù Lao Chàm đón trên 3 ngàn lượt khách. Qua đó, đã kéo theo số lượng tàu tăng đột biến. Du lịch thực sự đem lại những đổi thay về phát triển kinh tế cho người dân xứ đảo.
Trong những năm trở lại đây, lượng khách ra đảo Cù Lao Chàm tăng đột biến |
Theo đó, từ một xã 98% làm ngư nghiệp, được xem là nghèo nhất tỉnh, hàng năm nhà nước phải cứu trợ gạo cho dân thì chỉ sau 5 năm, Cù Lao Chàm dẫn đầu tỉnh Quảng Nam về bình quân thu nhập đầu người.
Từ kinh tế ngư nghiệp chuyển sang du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ ra đời kéo theo lượng tàu thuyền hùng hậu hơn 130 chiếc đủ đáp ứng vận chuyển du khách ra đảo.
Tất cả các tàu S-I phải chuyển đổi sang tàu S-B |
Tuy nhiên, năm 2019 kết thúc, các doanh nghiệp du lịch Cù Lao Chàm loay hoay cho việc chuyển đổi từ tàu S-I sang tàu S-B theo quy định mới của Bộ GTVT. Mặc dù quy định bắt buộc tiểu chuẩn tàu S-B cho tuyến Hội An – Cù Lao Chàm đã có cách đây đã 2 năm.
Theo các doanh nghiệp, thông báo hướng dẫn cho các doanh nghiệp ra đời vẫn chậm, dẫn đến việc doanh nghiệp không kịp ứng phó thay đổi.
Doanh nghiệp không theo kịp quy định
Tại Hội nghị “Đối thoại với doanh nghiệp” do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 25/12/2019 tại Hội An vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Cù Lao Chàm cho biết: Hiện tại các doanh nghiệp du lịch Cù Lao Chàm gặp quá nhiều khó khăn, bởi hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, vay vốn đầu tư phương tiện tàu thuyền S- I kinh doanh, nay chưa thể thu hồi vốn nhưng lại phải bỏ hết, buộc phải đóng mới tàu S-B với số vốn đầu tư vốn gấp 3 đến 5 lần so với tàu S-I.
Còn đại diện các doanh nghiệp cho biết, nếu đóng mới tàu S-I có giá khoảng 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng/ chiếc tùy theo số ghế. Nhưng đóng tàu S-B đóng mới hiện nay có giá từ 2,2 tỷ đồng đến 2,5 tỷ đồng, chưa kể các phụ kiện như: định vị, ra đa, Icom… kèm theo.
Nếu cải hoán tàu S-I loại 30 chỗ ngồi lên S-B và đầu tư mua sắm trang thiết bị theo chuẩn S-B, số tiền cũng tiêu tốn gần cả tỷ đồng. Đến nay, hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh vận tải tour du lịch Cù Lao Chàm mới chỉ đóng được 40 chiếc S-B. Trong khi đó, tồn đọng 50% số lượng tàu S-I chưa có phương án gì.
“Vốn đầu tư đóng mới tàu S-B đã khó cho doanh nghiệp, nhưng cái khó của doanh nghiệp là nếu đóng S-B thì hầu hết phải đóng loại từ 32 đến 38 ghế chứ không thể đóng loại 16 đến 20 ghế. Bởi quy định mới, dù có đóng tàu S-B loại 16 đến 20 ghế cũng phải gắn 2 máy, tính ra vốn đầu tư gần như nhau, chỉ khác nhau công suất”, đại diện một chủ tàu cho biết.
“Thực tế cho thấy, với những đoàn khách đi riêng từ 16 đến 20 người cũng phải dùng tàu lớn, như vậy chi phí lớn, doanh nghiệp sẽ không đủ vốn với giá vé hiện nay. Còn nâng giá vé lên để doanh nghiệp có lãi, liệu có khách hay không”, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Cù Lao Chàm đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng đề xuất: UBND tỉnh Quảng Nam cần cho gia hạn các tàu này theo quyết định 2695 đến ngày 30/9/2020, để các doanh nghiệp có thời gian, phương án hoàn thiện phương tiện còn lại nhằm giảm gánh nặng chi phí, giảm thiết bị ra đa gắn trên phương tiện.
Đồng thời, cho phép đóng phương tiện tàu S-B từ 20 đến 30 chỗ ngồi, để đón những đoàn khách nhỏ lẻ trước mắt gỡ khó cho doanh nghiệp.